Thu hút FDI: bản lĩnh và sự khôn ngoan

23/12/2016  
24

30 năm - vai trò không thể phủ nhận

Cho đến tận bây giờ, khi ôn lại chuyện cũ, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, vẫn nhắc đi nhắc lại việc sau khi Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới, dự luật đầu tiên được Quốc hội thông qua, đó là Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (29/12/1987). Và dự luật này đã “cởi trói” và “mở cửa” cho dòng vốn FDI vào Việt Nam, ban đầu còn e dè và chủ yếu dưới hình thức hợp đồng hợp tác, rồi liên doanh, sau đó là các làn sóng thứ nhất, thứ hai và bây giờ đang là làn sóng thứ ba, với tổng vốn FDI đăng ký đến thời điểm ngày 20/1/2015 là trên 251,8 tỷ USD (17.579 dự án).

“Dù vẫn còn những tồn tại liên quan đến chuyển giá, bảo vệ môi trường, chưa tạo được sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, hay chuyển giao công nghệ yếu…, nhưng khu vực FDI đã đóng góp lớn cho sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và một lần nữa nhấn mạnh việc nếu không có FDI, một số ngành công nghiệp, dịch vụ của Việt Nam khó có thể có được trình độ phát triển như hiện nay.

Đó là ngành viễn thông và công nghệ thông tin, với sự hợp tác kinh doanh giữa VNPT với Telstra (Australia) từ năm 1992, từ đó mở đường cho công nghệ hiện đại và sự phát triển nhanh như vũ bão của ngành này ở Việt Nam. Là ngành dầu khí, khi liên doanh Vietsovpetro được thành lập và cho đến hôm nay vẫn đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam.... Và gần đây là ngành công nghiệp điện tử, sau khi Samsung dốc hơn 11,2 tỷ USD vào Việt Nam, kéo theo Nokia (giờ là Microsoft), LG… cũng muốn biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất mới trên toàn cầu.

GS-TSKH. Nguyễn Mại cũng đã nhắc đi nhắc lại việc với sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài, cả một vùng sình lầy ở TP.HCM đã biến thành Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại, hay ngoài Hà Nội là Khu đô thị Ciputra. “Tầm nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã thay đổi một phần bộ mặt đô thị Việt Nam”, ông Mại nói và tiếp tục viện dẫn những con số như đóng góp 25% vốn đầu tư toàn xã hội, 45% giá trị sản xuất công nghiệp, 65% giá trị xuất khẩu, 19% GDP, 20% thu ngân sách để khẳng định những đóng góp to lớn của khu vực FDI.

Không muốn nhắc lại những “gạch đầu dòng” và những con số, bởi khi tổng kết 25 năm thu hút FDI, đã có những đánh giá tương đối đầy đủ các mặt được và chưa được của FDI, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, lại nhấn mạnh việc sự xuất hiện của khu vực FDI đã tạo một “đối trọng” để doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh. Dù có thể chưa được như kỳ vọng, nhưng cùng với nguồn lực quý báu, khu vực FDI cũng đã giúp nâng cao quản trị doanh nghiệp, “tạo nên một phong cách kinh doanh của kinh tế thị trường mà chúng ta mới chập chững bước vào”. Những đóng góp ấy nhiều khi không đong đếm được, nhưng những người trong cuộc đều hiểu rất rõ.

“Nếu không có FDI, nếu thực sự chỉ có doanh nghiệp nội, khai thác than và khoáng sản để bán, chúng ta sẽ có gì?”. Đặt câu hỏi như vậy, ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Canada Home Deco, một Việt kiều đang đầu tư tại Việt Nam, như muốn khẳng định thêm nữa vai trò của khu vực FDI với kinh tế - xã hội Việt Nam.

Nội lực hay ngoại lực?

Nhhưng những đóng góp to lớn của khu vực FDI, đặc biệt trong những năm kinh tế khó khăn gần đây, đã khiến không ít chuyên gia kinh tế lo ngại. Người lo nguy cơ mất dần thị trường nội địa vào tay doanh nghiệp FDI, người ngại nguy cơ “FDI hóa” nền kinh tế...

Đúng là nhìn vào “cân bằng lực lượng” hiện nay, khu vực FDI đang vượt trội. Đóng góp tới 65% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì thực sự cũng là quá cao. Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã thừa nhận điều này. Bộ trưởng bảo, đứng về khía cạnh thu hút FDI, thì đó là thành công, nhưng nếu nhìn ở sức khỏe của nền kinh tế, sự yếu kém của khu vực doanh nghiệp nội là điều không thể chối cãi. Mà doanh nghiệp nội yếu thì không thể tiếp thu được tinh hoa công nghệ do doanh nghiệp FDI mang tới. Doanh nghiệp trong nước yếu, Việt Nam cũng không thể có được một nền kinh tế tự chủ…

“Muốn tự chủ, chúng ta phải có doanh nghiệp nội đủ mạnh, có thương hiệu đủ sức vươn ra thị trường nước ngoài. Dù sản phẩm của Samsung dán mác ‘made in Vietnam’ xuất khẩu khắp thế giới, nhưng ai cũng hiểu, đấy là sản phẩm của Hàn Quốc. Của Việt Nam thì phải là nước mắm Phú Quốc, là cà phê Trung Nguyên…”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trăn trở.

Ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định. Nhưng khi nội lực còn yếu thì chúng ta cần kêu gọi FDI. “Đó là quy luật của sự phát triển kinh tế thế giới, sự chuyển dịch tất yếu của đồng vốn, của lao động, chứ sao lại bài xích?”. Vẫn là ông Bắc đặt câu hỏi.

Còn bà Phạm Chi Lan, dù thừa nhận trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đóng góp của khu vực FDI là tốt, nhưng lại lo sợ nếu quên phát triển doanh nghiệp trong nước thì tới một lúc nào đó sẽ làm hạn chế hiệu quả của thu hút FDI Thậm chí, nếu biến nguồn lực ngoài thành quyết định, thì nền kinh tế sẽ bị phụ thuộc vào FDI.

Một cách thẳng thắn, bà Lan con bảo, không thể chỉ mượn sức của nước ngoài, bởi đấy không phải là con đường phát triển lâu dài của các quốc gia. “Với bất cứ quốc gia nào, nội lực cũng là quyết định. Vì thế, nếu nội lực yếu, phải dùng phương thuốc phù hợp để mạnh thêm lên. Thu hút FDI vẫn phải dựa trên sự mạnh mẽ của cả hai bên, hợp tác cùng đi lên, chứ không thể chỉ là một chiều”.

Đó thực tế cũng là quan điểm của Việt Nam. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nhiều lần khẳng định, ngay cả nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam, họ cũng muốn Việt Nam có một hệ thống doanh nghiệp nội đủ mạnh để làm “đối trọng” hỗ trợ họ trong quá trình phát triển.

Cũng hiểu rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chịu nhiều ràng buộc và phụ thuộc, nên về lâu dài phải chăm lo khu vực tư nhân và đưa khu vực này thành động lực tăng trưởng mạnh nhất của nền kinh tế, nên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2015 sẽ có nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển. “Có sự tăng trưởng tốt của khu vực này, chúng ta sẽ có một nền kinh tế tự chủ”, Bộ trưởng nói.

Bản lĩnh và sự khôn ngoan

Đã định rõ vai trò của ngoại lực và nội lực, nên TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cách tiếp cận khôn ngoan nhất của Việt Nam hiện nay không phải là phủ nhận khu vực FDI mà là làm sao có chính sách để kéo được cả khu vực tư nhân trong nước phát triển song hành. “Chúng ta chưa làm được cái đó và đó là một sai lầm. Trong thời đại hiện nay, vốn FDI là vô cùng quan trọng, không có FDI Việt Nam sẽ không vươn lên đẳng cấp cao của quá trình phát triển được”, ông Thiên nói.

Với vị chuyên gia này, nếu chỉ quan tâm FDI như lực lượng chủ yếu để tăng sản lượng quốc gia, tăng GDP thì sẽ là nguy hiểm. Bởi sứ mệnh chủ yếu của FDI được đặt ra trong giai đoạn này phải là kéo nền kinh tế Việt Nam phát triển lên một đẳng cấp khác.

Nhắc đến câu chuyện của Samsung, khi đang đầu tư lớn vào Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên thẳng thắn rằng, nếu cứ để nhà đầu tư này tiếp cận Việt Nam theo cái cách tận dụng lao động dồi dào, rẻ tiền thì sẽ không ổn cho nền kinh tế Việt Nam. Rằng đã mời Samsung vào được rồi thì phải làm sao “nối” được doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu của họ. Rằng đã đến lúc, Việt Nam không thể chỉ đơn thuần gia công, lắp ráp như 30 năm vừa qua nữa.

Những kỳ vọng về việc chuyển hướng chính sách thu hút FDI cũng đang được GS-TSKH. Nguyễn Mại đặt ra. Vị chuyên gia này cho rằng, trong tầm nhìn dài hạn, Việt Nam cũng phải có chiến lược rõ ràng đối với việc thu hút FDI. Không phải là tập trung vào những dự án đơn lẻ nữa, mà phải làm sao để hút được các tập đoàn lớn, để họ tạo ra các “trục ngành” - tạo ra xương sống cho kinh tế quốc gia. “Chỉ cần mươi ông như Samsung vào, mỗi ông xuất khẩu 30 tỷ USD thì chúng ta đã có kim ngạch xuất khẩu lớn. Ngoài ra, còn phát triển được công nghiệp phụ trợ. Với mỗi lĩnh vực mà chúng ta muốn phát triển, như hóa dầu, điện tử…, hãy cố gắng lôi kéo được một đối tác chiến lược như vậy”, ông Nguyễn Mại nói.

Trong khi đó, không nói đến những tên tuổi lớn, GS của Trường đại học Harvard  David Dapice khi chia sẻ về kinh nghiệm thu hút FDI đã viện dẫn trường hợp Mexico muốn Nissan đặt nhà máy ở nước họ và đã thuyết phục Nissan thành công bằng cách cam kết mời luôn các doanh nghiệp phụ trợ cấp 2 và cấp 3 cho Nissan đi cùng, để nhấn mạnh Việt Nam cần có cái nhìn tỉnh táo trong thu hút FDI.

“Để sử dụng nguồn vốn FDI hiệu quả thì phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh và sự khôn ngoan của Chính phủ Việt Nam”, vị giáo sư này nói và lại nhắc đến bài học của Mexico, rằng quốc gia này hiểu họ không thể ngay lập tức xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ để phục vụ cho yêu cầu sản xuất của Nissan nên chọn giải pháp trung gian, chấp nhận đi từ bước thấp nhất trong chuỗi cung ứng.

Chúng ta cũng đã bắt đầu chấp nhận điều đó. Việt Nam đã có bản lĩnh để nói không với các dự án FDI không còn phù hợp, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Vậy thì bây giờ, sau 30 năm thu hút FDI, cần khôn ngoan để “dẫn dắt” khu vực FDI phục vụ cho mục tiêu và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của chính mình.

Theo Nhã Nam Baodautu.vn

: