Tổng Bí thư khơi nguồn FDI

24/12/2016  
27

Tháng 3/1991, một sự kiện diễn ra tại TP.HCM thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của giới đầu tư và truyền thông thế giới. Lần đầu tiên một Diễn đàn đầu tư Việt Nam được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) tổ chức với quy mô lớn và cũng lần đầu tiên trong công cuộc Đổi mới, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến dự và phát biểu trước 650 tổng giám đốc, giám đốc điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, cũng như đại diện các đại sứ quán, lãnh sự quán tại Việt Nam.

Ngay tại thời điểm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã chuyển tới cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế một thông điệp rõ ràng: “Việt Nam chủ trương mở rộng hợp tác kinh tế trong mọi lĩnh vực và dưới mọi hình thức, phù hợp với những đặc điểm của quá trình quốc tế hóa đời sống kinh tế hiện đại…”.

Và để thực hiện được điều đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh yêu cầu “các cơ quan chức năng của Việt Nam có trách nhiệm chấn chỉnh hoạt động của mình, nhằm sớm tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, làm cho các nhà đầu tư yên tâm tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh...”.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bị cấm vận, viện trợ phát triển chính thức (ODA) chưa được nối lại, thông điệp Việt Nam đang đổi mới, mở cửa, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế theo nguyên tắc cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau… của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã vượt ra khỏi khuôn khổ một Diễn đàn đầu tư.

Thông điệp này không chỉ xóa bỏ những lo ngại, e dè của giới đầu tư quốc tế với một địa bàn đầu tư mới mẻ, tạo dựng lòng tin đối với một Việt Nam đổi mới, mà còn khẳng định một nguyên tắc bất di bất dịch trong hợp tác quốc tế, đó là “cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau”. Thông điệp đó thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và hành động đối với hội nhập kinh tế quốc tế.

Phải nhắc tới thời điểm vô cùng đặc biệt của sự kiện trên để thấy được tầm vóc trong tư duy và hành động đổi mới của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Từ năm 1989, sau khi bức tường Berlin sụp đổ đến năm 1991, khối các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào giai đoạn khủng hoảng chính trị - kinh tế nghiêm trọng. Đến cuối năm 1991, vào tháng 8, khối SEV (Hội đồng Tương trợ kinh tế giữa các nước xã hội chủ nghĩa) tuyên bố giải thể; tháng 12, Liên Xô chính thức tan rã...

Vào thời điểm đó, Việt Nam, dù đang được chú ý với công cuộc Đổi mới được Đại hội lần thứ VI của Đảng khởi xướng vào năm 1986, nhưng đứng trước vô vàn thách thức. Từ năm 1987 đến 1990, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam khá e dè, mang tính thăm dò, chỉ khoảng 1,1 tỷ USD vốn đăng ký, thực hiện được vài trăm triệu USD.

GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm SCCI, người đã chứng kiến chặng đường thu hút FDI của Việt Nam từ những ngày đầu tiên cho rằng, về mặt lịch sử, Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 có thể coi là dấu mốc đầu tiên hiện thực hóa tư duy quản lý chuyển từ tập trung bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập với thế giới mà Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã chính thức tuyên bố. Nhưng sự đột phá của FDI tại Việt Nam chỉ bắt đầu sau khi Diễn đàn đầu tư Việt Nam với những cam kết đầy trách nhiệm của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam với cộng đồng đầu tư quốc tế.

Cùng với những hoạt động đối ngoại liên tục, tích cực, chủ động và nhạy bén ngay trong những năm đầu của công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã góp phần quan trọng từng bước phá vỡ thế bao vây, cấm vận đối với Việt Nam.

Ngay sau Diễn đàn đầu tư Việt Nam năm 1991, đã có 11 dự án với tổng vốn 247,6 triệu USD trong danh mục 187 dự án kêu gọi đầu tư do Chính phủ Việt Nam đưa ra chọn được chủ đầu tư, mở đầu cho giai đoạn mới trong lịch sử thu hút FDI của Việt Nam.

Sau sự kiện này, các tên tuổi lớn của thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam, đó là BP, Shell, Total trong ngành dầu khí;  Daewoo, Toyota, Ford… trong lĩnh vực ô tô, xe máy; Sony trong ngành công nghiệp điện tử; Phú Mỹ Hưng trong lĩnh vực bất động sản... Việt Nam trở thành miền đất hứa trên bản đồ đầu tư thế giới.

Những tư duy và hành động quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong quan hệ  quốc tế khi đó cũng đã góp phần quan trọng tạo tiền đề để Việt Nam nối lại quan hệ kinh tế với Trung Quốc vào năm 1991, nối lại ODA năm 1992, bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 1994, gia nhập ASEAN năm 1995 và ký Hiệp định khung hợp tác với EU vào năm 1995...

Khánh An(Báo Đầu Tư)

: