Vốn FDI từ Châu Á chảy mạnh vào Việt Nam

24/12/2016  
82

“Quán quân” Hàn Quốc

Điều đáng mừng là trong khi vốn đăng ký mới chậm lại thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đã tăng tới 7,4% so với năm ngoái và tăng 2,9% so với kế hoạch năm, đạt 12,35 tỷ USD. Đây là mức vốn FDI giải ngân tính theo năm cao nhất từ trước tới nay.

Trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới lẫn tăng thêm là 7,32 tỷ USD, chiếm 36,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2014. Tương ứng, tỉnh Thái Nguyên dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI năm 2014 với 3,35 tỷ USD vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm; chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư của cả nước.

Điều này không quá khó hiểu bởi trong năm qua, riêng Tập đoàn Samsung đã đầu tư nhiều dự án tỷ USD vào Thái Nguyên. Tháng 11/2014, trong số 4 dự án lớn được Việt Nam cấp phép thì đã có đến 3 dự án của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.

Cụ thể, Dự án Công ty TNHH điện tử Samsung CE Complex do Samsung Asia Pte.Ltd – Singapore đầu tư tại TP.HCM có tổng vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD; Dự án Công ty TNHH SamSung Display Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ USD; Dự án Tổ hợp công nghệ cao Sam Sung Thái Nguyên giai đoạn 2 của Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam Thái Nguyên – Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký 3 tỷ USD.

Một dự án tỷ USD khác cũng nhận được nhiều quan tâm là Dự án Công ty TNHH Dewan International do nhà đầu tư Hồng Kông đầu tư tại Khánh Hòa với tổng vốn đăng ký 1,25 tỷ USD. Sự góp mặt của dự án này tại Việt Nam giúp Hong Kong vươn lên vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3 tỷ USD, chiếm 14,8 %.

Công nghiệp chế biến, chế tạo hút vốn ngoại

Với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 2,79 tỷ USD, “đảo quốc sư tử” Singapore đứng vị trí thứ ba, chiếm 13,8% và Nhật Bản đứng vị trí thứ 4 với tổng vốn 2,05 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Như vậy, vốn FDI khu vực Châu Á hoàn toàn “thống lĩnh” tổng vốn đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong năm 2014, với tổng số vốn khoảng 74,9%.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2014, quy mô vốn bình quân một dự án của Singapore đạt khoảng 24 triệu USD, cao hơn mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,3 triệu USD. Các dự án đến từ “đảo quốc sư tử” chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 419 dự án và 13,1 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm lần lượt 31% tổng số dự án và 40% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam.

Kế đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 74 dự án và 9,9 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 5,4% tổng số dự án và 30% tổng vốn đầu tư. Các ngành dịch vụ lưu trú ăn uống, xây dựng, nghệ thuật giải trí cũng có nhiều dự án của Singapore, thu hút khoảng 1,8 tỷ USD; chiếm 6% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam.

Không riêng Singapore, trong năm 2014, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút sự quan tâm khá lớn của các nhà đầu tư nước ngoài với 774 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 14,49 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 12 tháng năm 2014.

Đứng thứ hai và ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng, với lần lượt 35 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 2,54 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; và 1,05 tỷ USD, chiếm 5,2% tổng vốn đăng ký.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mà phóng viên từng gặp đã cho biết, nét văn hóa tương đồng đã giúp các doanh nghiệp Châu Á, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc đầu tư và quyết định sinh sống tại Việt Nam.

Tại Bình Dương, cuối năm 2014, một doanh nghiệp Nhật Bản là Công ty TNHH Tomoku Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Tomoku, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, phát triển kỹ thuật tinh xảo và sản xuất bao bì giấy) đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất bao bì giấy carton có diện tích 6 ha, quy mô sản xuất 60 triệu m2/năm, tổng mức đầu tư 47,6 triệu USD ở khu công nghiệp Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát. Đây là nhà máy sản xuất bao bì giấy carton đầu tiên mà Tập đoàn Tomoku đầu tư ra nước ngoài sau nhà máy tại Nhật Bản. Lĩnh vực sản xuất của hãng này phù hợp với định hướng kêu gọi thu hút đầu tư của địa phương trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ các ngành công nghiệp khác.

Cũng trong năm 2014, một tờ báo điện tử khá uy tín của Nhật là The Daily NNA công bố kết quả khảo sát, lần đầu tiên Việt Nam đã vượt Trung Quốc để trở thành môi trường đầu tư được ưa thích nhất của Cộng đồng kinh doanh Nhật Bản. Hiện tượng Samsung chọn Việt Nam làm “cứ điểm” sản xuất lớn nhất toàn cầu cũng là minh chứng cho nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Theo HSBC, đầu tư nước ngoài có vai trò lớn trong việc tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là khi khối đầu tư công và tư trong nước đang giảm. Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã giúp làm giảm các tác động tiêu cực lên quá trình tăng trưởng.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng đánh giá, trong 6 hình thức đầu tư vào Việt Nam (100% vốn nước ngoài; liên doanh; hợp đồng BOT, BT, BTO; hợp đồng hợp tác kinh doanh – BCC; công ty cổ phần và công ty mẹ – con), có xu hướng nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư 100% vốn, chiếm ưu thế cả về số lượng dự án lẫn tổng vốn đầu tư đăng ký, vượt trội hẳn các hình thức còn lại.

Với hình thức đầu tư này, nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn kiểm soát được quyền điều hành, trực tiếp quản lý toàn bộ và chịu trách nhiệm về kế quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh của dự án nên tạo tâm lý thoải mái, tự chủ, không chịu ràng buộc. Đây là ưu điểm lớn, chiếm ưu thế trong cơ cấu vốn FDI với các hình thức đầu tư khác.

Đóng góp của doanh nghiệp khối FDI là không nhỏ vào nền kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế Bloomberg từng nhận định “tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu xuất phát từ khu vực FDI”. Ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cũng từng chia sẻ, chính việc xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu từ khu vực có vốn FDI đã vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong Quý III/2014.

Theo Chí Cường (Doanh nghiệp & Đầu tư)

: