Xu hướng của dòng vốn FDI toàn cầu

24/12/2016  
30

UNCTAD cho biết dòng vốn đầu tư FDI đang có sự chuyển dịch quan trọng, theo đó, vốn đầu tư từ các nước phát triển, từ các tập đoàn đa quốc gia ngày càng chảy nhiều hơn vào các nước công nghiệp hoá, thay vì các nước đang phát triển như những năm trước đây. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi cũng gia tăng mạnh đầu tư ra nước ngoài để tiếp cận những thị trường mới.

Theo UNCTAD, các nền kinh tế đang phát triển vẫn dẫn đầu về việc thu hút dòng vốn FDI, với số vốn đầu tư lên đến hơn 800 tỷ USD, chiếm 54% tổng lượng vốn FDI toàn thế giới, tăng 6% so với năm 2013. Trong khi đó, các nước phát triển tiếp nhận dòng vốn FDI có giá trị 650 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2013; các nền kinh tế chuyển đổi cũng nhận được 120 tỷ USD từ dòng vốn này. Đặc biệt, Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới cũng đứng đầu về thu hút vốn FDI.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, có hai nguyên nhân chính khiến dòng vốn FDI đang quay trở lại các nước công nghiệp hóa phát triển. Đó là các nước đang phát triển đã giảm lợi thế về nhân công, trong khi các nước phát triển lại có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, nhân công trình độ cao cũng như gắn với thị trường tiêu thụ.

Theo khảo sát của tờ New York Times (Mỹ), đang diễn ra cuộc hồi hương của hàng loạt tập đoàn kinh tế Mỹ trong bối cảnh chi phí lao động tại các “công xưởng thế giới” như Trung Quốc, Ấn Độ gia tăng liên tục trong nhiều năm qua. Chẳng hạn, lương của người lao động ở Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng từ 10 đến 20%, trong khi lương ở Mỹ và khu vực châu Âu tăng không đáng kể trong cùng thời kỳ. Do vậy, việc quay trở lại sản xuất tại Mỹ là tính toán thông minh về lâu dài.

Một nghiên cứu mới đây của Công ty Tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho thấy, khi chi phí sản xuất ở Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ... liên tục tăng trong một thập niên qua, thì chi phí tại Mỹ lại gần như không thay đổi nhờ mức lương ổn định, chi phí năng lượng giảm và công nghệ hiện đại giúp tăng năng suất. Hiện tại, mỗi USD chi phí sản xuất tại Mỹ tương đương với 96 UScent sản xuất ở Trung Quốc.

Trong khi đó, theo cuộc khảo sát trực tuyến do Boston Consulting Group thực hiện với hơn 200.000 người ở 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, gần 2/3 số người được hỏi sẽ làm việc ở nước ngoài và 1 trong năm người thuộc số này đã thực hiện được kế hoạch của họ. Hầu hết người được hỏi ở độ tuổi 20-50, có trình độ từ đại học trở lên. Dẫn đầu danh sách các nước được người lao động yêu thích chuyển tới nhất là Mỹ (với tỷ lệ 42%), tiếp theo là Anh, Canada...

Năm 2014, việc 10 thỏa thuận đầu tư lớn nhất đều ở các nước phát triển chứng tỏ dòng vốn FDI đã quay trở lại các thị trường truyền thống.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trong 11 tháng đầu năm 2014, vốn đầu tư FDI rót vào nước này chỉ là 106,2 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã củng cố những lo ngại của nhà đầu tư về nhịp độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Vốn đầu tư đổ vào Trung Quốc là một thước đo quan trọng để đánh giá “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu và cũng là một chỉ số cho thấy xu hướng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế.

Xu hướng của dòng vốn FDI toàn cầu

Công nhân làm việc tại nhà máy Samsung Việt Nam

Thêm vào đó, khi nền kinh tế có dấu hiệu giảm tốc, ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư ra nước ngoài để cắt giảm chi phí và tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn. Lượng vốn của Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài (không tính lĩnh vực tài chính) trong 10 tháng qua đã tăng 17,8%, lên 81,9 tỷ USD.

Một sự khác thường trong nền kinh tế toàn cầu xuất hiện trong 6 tháng cuối năm 2014 là giá dầu thô liên tục tụt giảm, từ mức hơn 110 USD/thùng xuống dưới 60 USD/thùng, tức là giảm gần 50%. Điều này khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng phải xem xét lại các dự án của mình.

Theo Hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy), có đến 800 dự án có trữ lượng 60 tỷ thùng dầu thô, với số vốn đầu tư lên đến hơn 500 tỷ USD đang bị xem xét lại tính khả thi trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh xuống dưới cả giá thành khai thác.

Các chuyên gia năng lượng nhận xét, những mỏ dầu được phát hiện một thập kỷ trước bắt đầu có dấu hiệu cạn kiệt. Các hãng khai thác phải cố gắng tiếp cận nơi xa xôi, có điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn... Cùng với đó, chi phí sản xuất cũng tăng đáng kể, khi mà nguyên liệu thô và công nghệ mới cũng ngày càng đắt đỏ. Trong khi đó, giá dầu thô giảm mạnh, khiến triển vọng khai thác dầu càng trở nên mờ mịt.

UNCTAD dự báo, bất chấp những rủi ro trong các nền kinh tế trên toàn thế giới, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng lên trong các năm tiếp theo lần lượt là 1.700 tỷ USD trong năm 2015 và 1.800 tỷ USD vào năm 2016. Trong đó, phần lớn các nước phát triển sẽ đón nhận phần lớn dòng vốn FDI này, còn ở những thị trường mới nổi, thì dòng vốn này có thể sẽ giảm do kinh tế phục hồi chậm, các chính sách về tài chính và chính trị chưa ổn định.

Như vậy, có thể nhận thấy, phân công lao động quốc tế và những diễn biến của nền kinh tế toàn cầu tạo nên những chuyển dịch của dòng vốn FDI cũng như những xu hướng mới trong hợp tác đầu tư toàn cầu.

Theo Báo Đầu tư

: