Luật đầu tư PPP: “Không chuyển độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân”

23/12/2016  
161

Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được Chính phủ ban hành vào ngày 14/2/2015, có hiệu lực từ ngày 10/4/2015, bên cạnh các hợp đồng truyền thống như BOT, BTO, BT, Nghị định đã bổ sung các loại hợp đồng mới như BOO, O&M, BTL, BLT Nghị định cũng đã thể chế hóa những nội dung được định hướng tại các Luật vừa được Quốc hội thông qua như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng.

"Nghị định đã tiệm cận với các khuyến nghị chính sách được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân nước ngoài, nguồn vốn từ các thị trường tài chính quốc tế tham gia dự án hạ tầng, bên cạnh việc tiếp tục khuyến khích tham gia của các nhà đầu tư trong nước", ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thông tin.

Cũng theo ông Tăng với hình thức PPP, các Bộ, ngành địa phương có thêm một kênh thu hút vốn để tháo gỡ "nút thắt" trong đầu tư các dự án công.

Đồng thời, Nghị định cũng nhấn mạnh khâu chuẩn bị dự án khắc phục thực trạng "nhanh trước, chậm sau", khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Thay vì kiểm soát đầu vào, khung pháp lý mới về PPP chú trọng kiểm soát đầu ra, nhà đầu tư có giải pháp công nghệ tối ưu sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu.

Đặc biệt, vai trò của nhà nước cũng được xác định rõ: là một đối tác của hợp đồng, Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư. Trong nhiều trường hợp, quá trình đối tác lâu dài yêu cầu sự chia sẻ rủi ro một cách hài hòa. Nhà nước cũng chịu trách nhiệm kiểm soát về chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư trong mối tương quan với khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp - bên chịu chi phí cuối cùng trong dự án đầu tư PPP.

Nhượng quyền trên cơ sở thỏa thuận, yêu cầu

Làm rõ hơn về những thắc mắc của các chuyên gia, nhà đầu tư về nội dung được quy định tại Nghị định rằng Nghị định nhượng quyền và dành toàn bộ quyền cho nhà đầu tư thực hiện các dự án và không kiểm soát, ông Hoàng Mạnh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch Đầu tư) phủ nhận điều này.

"Mọi đầu tư xây dựng vận hành công trình kết cấu hay cung cấp dịch vụ công nhà đầu tư đều phải thực hiện trên cơ sở điều kiện, thỏa thuận, yêu cầu", ông Phương nhấn mạnh.

Ông Phương cũng cho biết, Nghị định không chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân mà Nhà nước sẽ nhượng quyền cho nhà đầu tư trên cơ sở có những thỏa thuận, yêu cầu.

"Nhà nước không thả toàn bộ mà vẫn kiểm soát chặt chẽ, quan trọng là vấn đề thiết kế hợp đồng như thế nào", ông Phương nói.

Ông Phương cũng thông tin các lĩnh vực đầu tư sẽ bao gồm công trình kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải và các dịch vụ có liên quan; nhà máy điện, đường dây tải điện; các công trình kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, trụ sở làm việc cơ quan nhà nước...

Bên cạnh đó, ông Phương cũng nhấn mạnh lĩnh vực đầu tư còn bao gồm dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn kỳ vọng sẽ thu hút được lượng vốn đáng kể từ khu vực tư nhân. Ngoài ra, ông Phương cũng cho biết, việc triển khai Nghị định 15 sẽ không lo sử dụng vốn Nhà nước lan, quy định rõ cơ chế. Điểm nhấn là cơ sở xem xét khả năng nhà nước hỗ trợ bao nhiêu, căn cứ vào phương án tài chính của từng dự án. Ông Phương dẫn chứng, trước đây các nhà đầu tư địa phương đề xuất dự án thường chạy lên Trung ương xem hỗ trợ được bao nhiêu nhưng theo Nghị định này sẽ làm rõ thu, chi, giá cả, lãi suất, lợi nhuận của nhà đầu tư để đưa ra khoản hỗ trợ, đảm bảo tính khả thi. Từng phương án tài chính của dự án sẽ xem xét cân đối ngân sách.

NGUYỄN THẢO

R1
: