Cộng đồng doanh nghiệp phản hồi tích cực về các giải pháp hỗ trợ

16/7/2021  
53
 Trước tác động của dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện một loạt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: gia hạn tiền nộp thuế và thuê đất, giảm 30 loại phí và lệ phí…
 
Cộng đồng doanh nghiệp phản hồi tích cực về các giải pháp hỗ trợ
Nguồn: Bộ Tài chính Biểu đồ: Hồng Vân

Những hỗ trợ này được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận và đánh giá cao cả về ý nghĩa vật chất và tinh thần. TBTCVN xin giới thiệu cùng bạn đọc ý kiến của đại diện một số tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về các hỗ trợ này. * Ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam: Tạo niềm tin, “giữ chân” nhà đầu tư

 Cộng đồng doanh nghiệp phản hồi tích cực về các giải pháp hỗ trợ

Ông Phạm Hoàng Hải

Ngay từ tháng 4/2020, Chính phủ Việt Nam cũng như phía Bộ Tài chính cũng đã có một số hỗ trợ về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí… cho doanh nghiệp (DN). Chính phủ Việt Nam đã có phản ứng hỗ trợ cộng đồng DN nhanh, trong một thời gian ngắn hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia châu Âu. Đây thực sự là một trong những điều mà cộng đồng DN nước ngoài như chúng tôi cảm thấy rất trân trọng về sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Chính phủ Việt Nam. Tiếp tục bước sang năm 2021, dịch Covid-19 vẫn đang phủ bóng đen lên kinh tế toàn cầu và một quốc gia có nền kinh tế mở như Việt Nam cũng không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực. Năm nay thì thực sự các DN tại Việt Nam đã “ngấm đòn Covid-19” và gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện lần thứ 2 chính sách gia hạn tiền nộp thuế và thuê đất với điều kiện thông thoáng hơn về thủ tục và thời gian thực sự là những hỗ trợ kịp thời, có ý nghĩa “tiếp sức” cho DN trong lúc nguy khó.

Tài chính là yếu tố quan trọng giúp DN tồn tại. Việc giãn, hoãn nộp thuế và tiền thuê đất giúp DN có thêm nguồn lực để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất hoặc trả lương, giữ chân người lao động, dồn lực để chuẩn bị cho sự phục hồi khi điều kiện thuận lợi. Đối với nhiều DN nước ngoài như các hội viên của Phòng Thương mại Ý của chúng tôi, có thể những tác động về vật chất của các chính sách này không nhiều so với khả năng tài chính của DN và có thể nhiều hội viên của chúng tôi chưa cần dùng đến sự hỗ trợ này. Nhưng những hỗ trợ này lại mang một ý nghĩa tinh thần lớn. Điều này giúp các DN Ý cảm thấy được Chính phủ quan tâm, không bị bỏ rơi, được đối xử công bằng như mọi DN khác tại Việt Nam. Đó là điều mà chúng tôi rất trân trọng. Cùng với nỗ lực chống dịch hiệu quả của Chính phủ, các hỗ trợ chính sách xuất phát từ Bộ Tài chính còn góp phần tạo niềm tin cho các DN về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và giữ chân các DN ở lại Việt Nam lâu hơn. Các DN Ý tại Việt Nam hiện không có ý định thu nhỏ hay rút vốn đầu tư khỏi Việt Nam. * Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Những hỗ trợ mang giá trị tinh thần rất lớn

 Cộng đồng doanh nghiệp phản hồi tích cực về các giải pháp hỗ trợ

Ông Nguyễn Văn Toàn

Nếu nhìn vào khả năng tài chính của ngân sách Việt Nam thì những hỗ trợ của Chính phủ cho DN thời gian qua là hợp lý. Một hỗ trợ rất tốt cho DN là Chính phủ đã làm tốt việc chống dịch. Chống dịch tốt tạo ra lợi thế để hỗ trợ các DN khẩn trương hồi phục sau đại dịch. Đặc biệt, Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 hiện nay đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân và DN để đảm bảo hỗ trợ Chính phủ trong việc bao phủ vắc-xin miễn phí cho toàn dân. Quỹ Vắc-xin là một sáng kiến mà Bộ Tài chính có vai trò và đóng góp lớn. Mặc dù hỗ trợ chỉ là tương đối, gián tiếp chứ không phải trực tiếp bằng tiền mặt như một số các quốc gia phát triển khác, nhưng hỗ trợ bằng cơ chế giãn nợ thuế, giảm các loại phí, lệ phí từ Bộ Tài chính cùng với những hỗ trợ từ các bộ, ngành khác giúp cho DN yên tâm rằng, sau mình vẫn có Chính phủ hỗ trợ. Những hỗ trợ trên mang giá trị tinh thần lớn, qua đó, DN cảm nhận được Chính phủ không bỏ rơi DN trong lúc khó khăn.

Bên cạnh ý nghĩa tinh thần, việc gia hạn tiền nộp thuế và tiền thuê đất là một hỗ trợ tài chính thực sự có ý nghĩa cho DN trong lúc khó khăn. Ví dụ như DN đang sản xuất kinh doanh nhưng đơn hàng đang bị cắt giảm hoặc không thực hiện được, thì việc trả lương cho công nhân để giữ chân họ lại, vượt qua thời kỳ khủng hoảng của dịch bệnh để sau này tiếp tục sản xuất cũng là một điều khó. Vì vậy, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất giống như DN được nhận một khoản vay trong thời gian nhất định mà không phải trả lãi, nhưng không trả lãi không quan trọng bằng việc không phải trả trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Đó là điều đáng quý, dù về vật chất có thể chưa phải là nhiều. Thời gian tới, Bộ Tài chính cần tiếp tục bám sát các hoạt động của DN để có những hỗ trợ thiết thực hơn nữa, giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế đất nước. * Ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam: Các giải pháp hỗ trợ là cần thiết và hữu ích

 Cộng đồng doanh nghiệp phản hồi tích cực về các giải pháp hỗ trợ

Ông Marko Walde

Covid-19 là một thách thức nghiêm trọng đối với toàn xã hội. Việc hủy bỏ các hội chợ thương mại và các sự kiện quy mô lớn cùng với sự sụt giảm lượng du lịch đang ảnh hưởng đến ngành dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics, thương mại, ẩm thực và du lịch. Đồng thời, nhu cầu nước ngoài đang giảm và chuỗi cung ứng quốc tế đang bị gián đoạn. DN bị giảm nguồn thu hoặc thậm chí bị đứt gẫy doanh số và do đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ là vô cùng cần thiết. Ứng phó với đại dịch, Chính phủ đã áp dụng chính sách kinh tế và tài khóa dứt khoát, mạnh mẽ. Chính phủ đã công bố nhiều hỗ trợ kinh tế hơn cho các DN và người lao động, chẳng hạn như: tạo điều kiện tiếp cận tín dụng; gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; cắt giảm thủ tục hành chính và khôi phục các lĩnh vực bị ảnh hưởng như du lịch và công nghiệp hàng không...

Tôi nghĩ rằng việc thực hiện các gói biện pháp này để giảm thiểu tác động của Covid-19 là rất cần thiết và hữu ích. Các giải pháp kịp thời trên cho thấy rằng, Chính phủ và Bộ Tài chính đã có những hành động quyết liệt và mạnh mẽ để chống lại tác động của cuộc khủng hoảng ngay lập tức, đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn. Điều quan trọng là đảm bảo rằng tất cả các biện pháp đều có hiệu quả trong thực tế, ví dụ như thành lập một ban chỉ đạo quốc gia với các đầu mối liên hệ cụ thể với các DN. Các hành động đã đề cập này cần được thực hiện càng nhanh càng tốt để chống lại tác động kinh tế của Covid-19, nhằm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Ngoài ra, điều rất cần thiết là các công ty bị ảnh hưởng của Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các hỗ trợ tài chính và phi tài chính này, điều này chắc chắn sẽ rất hữu ích cho họ trong việc giảm thiểu tác động của Covid-19.

Ở Đức, chính phủ đang tạo ra một lá chắn bảo vệ cho nhân viên và các công ty bị ảnh hưởng bởi tác động của Covid-19. Nó bao gồm 4 trụ cột: linh hoạt quyền lợi, được giảm giờ; hỗ trợ thanh khoản cho các DN; lá chắn bảo vệ trị giá 500 tỷ EUR cho các DN và tăng cường sự gắn kết của châu Âu. Các gói hỗ trợ này không chỉ dành cho DN trong nước mà còn dành cho cả DN nước ngoài. Việt Nam có thể xem xét bài học kinh nghiệm này của Đức để có cân đối nguồn lực hỗ trợ trong thời gian tới, nhất là khi các DN có vốn nước ngoài đã và đang đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Nguồn: TBTCVN

 

: