“Tận dụng cơ hội TPP, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ”

24/12/2016  
124

Kết thúc đàm phán TPP mở ra cơ hội, thách thức như thế nào đối với Việt Nam, thưa ông?

Nền kinh tế của Việt Nam và 12 nước còn lại trong TPP không cạnh tranh giống như các nước trong ASEAN mà bổ sung cho nhau, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Theo đó, cơ hội xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng rất mạnh sang các thị trường này.

Đồng thời, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể được lợi từ Hiệp định TPP vào khoảng 35 tỷ USD tức là có mức tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm sắp tới. Điều này cũng giúp tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.

Đặc trưng của TPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có những yêu cầu cao hơn rất nhiều mở ra tự do hoá thương mại hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, tài chính, tiền vốn và sự thống nhất về quy định hành xử của nhà nước trong đó có những quy định như cạnh tranh, kiểm soát độc quyền. Yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải công khai minh bạch và không được ưu tiên, ưu đãi.

Trong khi đó, Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam cũng chịu nnhiều thách thức lớn khác bởi khi mở cửa thị trường thì còn có các rào cản kĩ thuật đi kèm. Theo đó, hàng hoá phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì, bảo đảm dư lượng kháng sinh, hoá chất, các điều kiện của lao động phải được bảo đảm…

Hai ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất của Hiệp định này là nông nghiệp và dệt may.

Trong nông nghiệp, trồng trọt, lương thực, thủy sản có cơ hội cạnh tranh nhưng ngô, mía đường kém; chăn nuôi “nguy cấp” có 3 đối tượng chính là heo, gà và bò. Chăn nuôi gà quy mô nhỏ, không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng nên rất dễ bị thua thiệt.

Ngành dệt may kỳ vọng TPP sẽ mang về cho Việt Nam kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD vào năm 2020 và cán mức 55 tỷ USD vào năm 2030 tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn ngành dệt may lo ngại về khả năng tận dụng cơ hội từ TPP với nguyên tắc “Yarn Forward”, đòi hỏi hàm lượng TPP ở mức cao.

Có ý kiến cho rằng, cơ hội mà TPP mang lại dành cho các doanh nghiệp FDI thay vì doanh nghiệp Việt Nam, quan điểm của ông như thế nào?

Thời gian vừa qua các doanh nghiệp FDI đã đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam để đón đầu cơ hội này. Cụ thể như Hàn Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp lĩnh vực dệt may của Mỹ cũng chuyển vốn từ Hồng Kông sang Việt Nam, Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp…

Tuy nhiên, cơ hội dành cho các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài là ngang bằng nhau. Việc doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp liên kết với các doanh nghiệp trong nước hoặc chuyển giao công nghệ như công nghệ đánh bắt các ngừ đại dương cho ngư dân.

Việt Nam cần làm gì để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, thưa ông?

Để chủ động tận dụng những cơ hội mà TPP mang lại Việt Nam cần có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm bớt chi phí không chính thức… TPP có những quy định phải công khai việc mua sắm Chính phủ, quy định về Luật Công đoàn.

Một số mặt hàng được miễn giảm thuế suất như dệt may TPP quy định từ sợi trở lên phải có hàm lượng TPP 70% hoặc thấp hơn sao đàm phán điều đó có nghĩa Việt Nam phải phát triển công nghiệp và giúp tăng hàm lượng TPP.

Xin cảm ơn ông!

Sau 5 năm đàm phán với vô số những bất đồng và trở ngại, tối 5/10 (giờ Hà Nội), 12 nước tham gia đã chính thức hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trước khi chính thức được ký kết, TPP sẽ phải được sự phê chuẩn của các nguyên thủ của 12 nước tham gia đàm phán cũng như cần được Quốc hội các nước thành viên thông qua. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, TPP sẽ là “cú hích” tạo đà phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. Kinh tế Việt Nam được cho là sẽ được hưởng lợi lớn, giúp Việt Nam tiếp cận với thị trường vẫn còn đóng.

TÂM AN

: