Cần có giải pháp tình thế để phục hồi và tăng trưởng kinh tế

5/6/2023  
356
Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2023 cho thấy bức tranh màu xám, báo hiệu khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu của kế hoạch năm 2023 và có thể của năm 2024, nếu không có các giải pháp tình thế đủ mạnh để giải cứu doanh nghiệp. 
Cần có giải pháp tình thế để phục hồi và tăng trưởng kinh tế

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Thực trạng

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%); trong đó ngành chế biến, chế tạo giảm 2,5%, ngành khai khoáng giảm 3,5%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2023 giảm 4,8% so với cùng thời điểm năm trước.

Cả nước có 95 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 3,7%; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 88 nghìn, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 177 nghìn tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 24,9% và tăng 10,8%).

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Khảo sát của VnExpress và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân với 9.556 doanh nghiệp thì 82% dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Với các doanh nghiệp còn hoạt động, 71% dự kiến giảm quy mô lao động, trong đó hơn 22% dự kiến giảm trên một nửa nhân sự, 80,3% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu, trong đó 29,5% giảm trên 50%. Hơn 80% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực hoặc rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại.

Bài này không đề cập đến nguyên nhân do Báo cáo của Chỉnh phủ đã trình bày khá toàn diện, chỉ lưu ý cần đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội hầu như chưa từng xảy ra trong những năm gần đây để có giải pháp đồng bộ, đủ mạnh vượt qua trạng thái đặc biệt khó khăn hiện nay.

Kinh nghiệm từ giải pháp ứng phó khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008

Trước tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, Nhà nước đã áp dụng đồng bộ các giải pháp tình thế:

(1) Sử dụng hiệu quả công cụ tiền tệ với việc điều chỉnh linh hoạt tỷ giá, lãi suất, hạn mức tín dụng theo diễn biến của thị trường như hạ lãi suất, xử lý nợ xấu, bảo đảm các khoản nợ ở mức an toàn; đổi mới và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, quản trị nội bộ ngân hàng.

(2) Rà soát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính, ngân hàng, nhất là các ngân hàng cho vay nhiều dự án bất động sản và các dự án có tính rủi ro cao. Kiểm tra chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là tín dụng dành cho các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm với các tiêu chí cụ thể để có phương án, giải pháp dự phòng đối với biến động xấu từ hệ thống ngân hàng, tài chính.

(3) Có chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm tiến độ thu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT hàng nhập khẩu. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong các tháng cuối năm.

(4) Thắt chặt chi tiêu Chính phủ và chuyển các khoản đầu tư công sang khu vực tư nhân để góp phần vào việc giảm thuế cho khu vực doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, các doanh nghiệp sẽ có thêm được nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật lớn, quan trọng để kích thích kinh tế phát triển.

(5) Cải cách và tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án và giải ngân để tạo điều kiện các dự án được triển khai nhanh. Đối kinh doanh bất động sản thì đẩy mạnh và khuyến khích đầu tư và xây dựng nhà giá rẻ cho người nghèo, nhà ở cho người lao động ở các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, nhà ở cho sinh viên, học sinh.

(6) Đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu để tránh bớt tác động từ việc giảm nhập khẩu của Mỹ và một số nước chịu nhiều tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Thực hiện chế độ tỷ giá linh hoạt hỗ trợ xuất khẩu và tăng mức tín dụng ưu đãi cho sản xuất hàng xuất khẩu.

Tăng cường và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, nhất là các khâu thu mua nguyên liệu nông sản bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, phát triển hệ thống phân phối các vật tư quan trọng và hệ thống bán lẻ, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

(7) Cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài,  theo dõi việc triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Mỹ và các nước Châu Âu để có thể hỗ trợ khi cần thiết.

(8) Điều hành tốt việc bảo đảm sự thông suốt của cơ sở bán lẻ trong nước, không gây đầu cơ, ách tắc, khan hiếm hàng hoá, đồng thời khuyến khích tiêu dùng hợp lý và nâng lương tối thiểu sớm cho cán bộ, công chức nhà nước và người lao đông các doanh nghiệp.

(9) Tăng cường công tác thông tin, quan hệ công chúng, thường xuyên cập nhật thông tin trong và ngoài nước để có đánh giá đúng diễn biến tình hình; qua đó có được phản ứng chính sách thích hợp và kịp thời nhất.

Chỉ trong vòng 6 tháng, từ nửa cuối năm 2009 nền kinh tế đã chuyển biến tích cực, từ năm 2010 tốc độ tăng trưởng kinh tế đã gia tăng do các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành và lĩnh vực đã khôi phục sản xuất, kinh doanh, thu hút thêm nhiều lao động, đóng góp lơn hơn vào ngân sách nhà nước.

Bài học xử lý tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đối với Việt Nam năm 2008 vừa coi trọng giải pháp tình thế từ cả hai phía, kích thích sản xuất, cung ứng hàng hóa và kích thích tiêu dùng, cần được nghiên cứu áp dụng phù hợp với tình hình hiện nay.

Kiến nghị về giải pháp

Để có giải pháp phù hợp không những cần đánh giá đúng thực trạng như đã trình bày trên đây, mà còn cần thấy tiềm năng to lớn của đất nước chưa được khai thác có hiệu quả. Xin nêu ra hai tiềm năng lớn:

- Tại phiên thảo luận ở tổ ngày 25/5/2023, đại biểu Quốc hội nêu bất cập về tồn đọng ngân quỹ quốc gia hơn 1 triệu tỷ đồng là "cục máu đông" gây tắc nghẽn dòng tiền của nền kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận thực trạng này và cho biết việc tồn ngân quỹ lớn được gửi tại Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0,8% một năm chủ yếu do tắc nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.

- Nước ta đang thực hiện 15 FTAs thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEF với các quy định về xuất khẩu sản phẩm xanh, ít phát thải nhà kính, có xuất xứ nguyên liệu, sử dụng năng lượng tái tạo, có trách nhiệm xã hội, không áp bức lao động, tiền lương phải phù hợp với năng suất lao đông… Các FTAs tạo tiềm năng to lớn để tăng trưởng nhanh và bền vững hàng hóa ra thị trường thế giới; đáng tiếc do các doanh nghiệp chưa nghiên cứu để thực hiện FTAs nên đã vi phạm quy định về hàng hóa xuất khẩu ra thị trường thế giới; điển hình là sản phẩm gỗ vốn là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam nhưng bốn tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu giảm 45%. Nếu khắc phục nhược điểm đó thì việc có thêm nhiều đơn hàng của các đối tác tham gia FTAs sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn, tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn và bền vững hơn.

Từ cách tiếp cận hai phía trên đây, xin kiến nghị về nhóm giải pháp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp:

(1) Cần có gói hỗ trợ tài chính và tín dụng ưu đãi đủ lớn để đáp ứng nhu cầu vốn cố định và vốn lưu động phù hợp với từng loại doanh nghiệp để trong vòng hai, ba tháng khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện khôi phục tăng trưởng sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Trong bối cảnh bất thường hiện nay, nên nghiên cứu trích từ khoản hơn 1 triệu tỷ đồng tồn quỹ của ngân sách đang gửi ngân hàng với lãi suất 0,8%/năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay với lãi suất 4- 5%/năm, được giải ngân nhanh chóng bằng các thủ tục đơn giản, dễ kiểm tra, giám sát, vừa có lợi cho ngân sách, vừa có tác dụng khơi thông vốn cho doanh nghiệp.

Ngân hàng nhà nước cần chỉ đạo ngân hàng thương mại giảm nhanh hơn lãi suất cho vay bằng cách tiết giảm chi phí, đơn giản thủ tục hành chính, tiếp cận khách hàng theo quan điểm chia sẻ rủi ro trong bối cảnh đặc biệt khó khăn.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương thì với lãi suất bình quân 10% một năm, chi phí lãi vay mà doanh nghiệp, người dân Việt Nam phải chịu là hơn 1,13 triệu tỷ đồng, tương đương 12% GDP. Do đó, nếu lãi suất cho vay giảm 1 điểm phần trăm, nền kinh tế sẽ được hỗ trợ hơn 113.000 tỷ đồng, lớn hơn các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện tại.

(2) Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí như tiếp tục giảm 2% VAT đến hết 2024, thay vì chỉ đến cuối của nửa 2023. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM nhận định, việc kéo dài thời gian áp dụng sẽ giúp tăng độ lan toả chính sách.

Các doanh nghiệp kiến nghị với Chính phủ về việc tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để giúp giảm chi phí cho lao động; đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thuế cho các doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng.

(3) Tình trạng khó khăn không giống nhau của các ngành, lĩnh vực kinh tế, do đó khi khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp cần lưu ý đến nhu cầu của từng ngành, lĩnh vực để có tác động nhanh chóng chuyển biến tình hình.

Đối với nhóm ngành hướng về xuất khẩu thì chủ yếu là tăng cường xúc tiến đầu tư theo hướng sản phẩm xanh, khôi phục thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, hỗ trợ tài chính, tín dụng ưu đãi để doanh nghiệp đủ vốn lưu động mua nguyên liệu, vật tư sản xuất và mua hàng hóa xuất khẩu.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì cần hỗ trợ tài chính, tín dụng ưu đãi chỉ vài ba trăm triệu, một vài tỷ đồng để trả lương công nhân, giữ chân người lao động, mua nguyên vật liệu để sản xuất, tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm.

Đối với du lịch nội địa và du lịch quốc tế thì tận dụng tốt cơ hội phục hồi trong 5 tháng đầu năm, thực hiện nhanh chủ trương mở rộng diện cấp visa điện tử, thời gian 45 ngày lưu trú, chuyển nhanh sang du lịch sinh thái, du lịch số, kết nối các tour du lịch để kéo dài thời gian lưu trú của khách quốc tế, kiểm tra, xử lý tình trạng "chặt chém" nâng giá làm mất lợi thế của đất nước. Do tình hình thế giới biến động đã làm cho một vài thị trường truyền thống như Nga sụt giảm, cần chuyển hướng sang thị trường mới đầy tiềm năng như Ấn Độ với số lượt người đi du lịch nước ngoài hàng trăm triệu mỗi năm.

Đối với doanh nghiệp bất động sản thì cần phân loại thành ba nhóm:

i) các dự án đã được cấp phép nhưng đang vướng mắc một vài thủ tục thì cần giải quyết nhanh để sớm được triển khai;

ii) các dự án đã đủ hồ sơ chờ phê duyệt thì cần tiến hành công tác thẩm định, trình cấp có thẩm quyền cấp phép;

iii) các dự án không phù hợp với quy hoạch, pháp luật thì thông báo với nhà đầu tư để tìm kiếm cơ hội mới.

(4) Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành nghề để kịp thời tháo gỡ ách tắc đối với dự án đầu tư và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Chúng tôi rất ấn tượng với cuộc tiếp xúc giữa Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang với các nhà đầu tư và doanh nghiệp để nghe đại diện của doanh nghiệp trình bày về 10 vấn đề đang gặp khó khăn, cần được xử lý. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp quyết định về ba loại giải pháp:

Một là, ra quyết định tại chỗ về một số vướng mắc thuộc trách nhiệm của các sở phải xử lý, theo đó giám đốc sở cam kết với doanh nghiệp trong một tuần lễ sẽ giải quyết;

Hai là, đối với những vướng mắc liên quan đến pháp luật nhưng thuộc thẩm quyền của tỉnh thì sẽ được giải quyết tại cuộc họp Ban thường vụ tỉnh ủy vào tuần làm việc tiếp theo, thông báo với các đối tác có liên quan về giải pháp;

Ba là, đối với các vấn đề liên quan đến pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ thì sẽ gửi văn thư báo cáo cơ quan có thẩm quyền và kiến nghị giải pháp thích hợp với tình hình, khi nhận được văn thư trả lời tỉnh sẽ thông báo hướng giải quyết với đối tác.

Với cách làm việc trên, chỉ trong ba giờ đồng hồ, hàng trăm đại biểu tham dự cuộc gặp đã tỏ ra tin tưởng các nút thắt sẽ sớm được giải quyết.

(5) Cùng với khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp thì cần đẩy nhanh quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi sang nền kinh tế số, doanh nghiệp số, chính phủ số và xã hội số đã được quy định trong các chương trình hành động của Chính phủ.

: