GS-TSKH. Nguyễn Mại: Quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ sẽ có bước đột phá trong thời gian tới

16/8/2022  
308
GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam - Ấn Độ tìm đến nhau như một đối tác tin cậy về đầu tư, thương mại, và trong tương lai gần, quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ có bước đột biến, qua đó đạt được những mục tiêu đã đề ra.Mặc dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong hai năm qua, song Việt Nam vẫn duy trì các cơ chế hợp tác quan trọng với Ấn Độ nhằm đưa quan hệ song phương tiến triển ngày càng thực chất, hiệu quả. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng của hai bên.

Liên quan đến vấn đề này, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã có một số chia sẻ với Nhadautu.vn.

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ sẽ có bước đột phá trong thời gian tới

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trả lời phỏng vấn Nhadautu.vn. Ảnh: Trọng Hiếu

Giáo sư đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian vừa qua?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Ấn Độ là một trong những nước có quan hệ tốt đẹp lâu dài với Việt Nam. Từ thời kháng chiến chống Pháp, Việt Nam - Ấn Độ đã thiết lập quan hệ giữa hai bên và truyền thống đấy vẫn được giữ mãi và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.

Việt Nam và Ấn Độ luôn đồng quan điểm trong giai đoạn giải phóng dân tộc. Hai nước đều là thuộc địa, và đã tận dụng cơ hội sau Thế chiến thứ 2, để đứng lên giành độc lập, mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc. Đây là một trong những phong trào lớn của thế giới trong những thập niên 50, 60, 70 và có sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Việt Nam - Ấn Độ cũng đều ủng hộ lẫn nhau, góp tiếng nói chung cho các nước đang phát triển tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Đối với quan hệ hợp tác song phương, tuy chưa đạt được như mong muốn nhưng vẫn có sự phát triển tương đối đều đặn. Thương mại, đầu tư, du lịch… giữa 2 quốc gia cũng ngày càng có sự giao thoa và hợp tác.

Đặc biệt, Việt Nam và Ấn Độ đã có nhiều hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngoài ra, hai nước cũng có thỏa thuận về hợp tác để Ấn Độ giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Có thể thấy, Ấn Độ là nước đi đầu trong lĩnh vực outsourcing cho Mỹ, từ dịch vụ kế toán, thuế, dịch vụ quản trị doanh nghiệp… Tôi cho rằng những thỏa thuận hợp tác giữa 2 quốc gia sẽ giúp Việt Nam có thêm được nhiều kinh nghiệm để phát triển ngành công nghệ thông tin, từ đó tạo một bước đà để thâm nhập sâu hơn vào các nền kinh tế đang phát triển như Mỹ, EU.

Giáo sư đánh giá thế nào về quan điểm "Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng hai nước?"

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Tôi hoàn toàn đồng ý về ý kiến trên. Nguyên nhân khách quan là do Ấn Độ và Việt nam đã có những định hướng khác nhau trong  thời gian dài.

Từ khi ông Narendra Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ, quốc gia này rất coi trọng về thu hút đầu tư, mở rộng quan hệ thương mại. Tuy nhiên, Ấn Độ lại hướng nhiều về châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.

Sau khi thành công trong thu hút đầu tư với các nước này, Ấn Độ bắt đầu chuyển hướng về châu Á. Trong đó Ấn Độ luôn coi Việt Nam như một nước có thể giúp họ tiến sâu hơn và tăng cường hợp tác với 10 nước ASEAN. Tôi cho rằng đây là một thay đổi rất quan trọng.

Điều này cũng khá giống so với Việt Nam. Trong 30 năm vừa qua, chúng ta cũng chỉ nhắc đến Ấn Độ với một mức độ vừa phải.

Trên thực tế, đối với xuất nhập khẩu, EU, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đang là những đối tác chính của Việt Nam. Trong khi đó, đối với đầu tư, Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, vẫn là các quốc gia đi đầu.

Tuy nhiên, Việt Nam đang ngày càng mở rộng xu hướng đa dạng hóa đầu tư, thương mại sang những quốc gia mới, trong đó đặc biệt là Ấn Độ.

Có thể nói rằng, với nền tảng về chính trị và ngoại giao, tôi hoàn toàn tin tưởng, khi Việt Nam - Ấn Độ đã tìm đến nhau như đối tác về đầu tư, thương mại, thì trong tương lai gần, quan hệ hợp tác giữa 2 nước sẽ có bước đột biến, đạt được các mục tiêu mà chính phủ các bên đặt ra.

Giáo sư cho rằng Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác đầu tư với Ấn Độ?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Để có thể chuyển hóa tiềm năng giữa 2 quốc gia, Việt Nam cần đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị của đội ngũ công nhân viên chức.

Hiện tại, các nhà đầu tư vẫn lo lắng về thủ tục hành chính khi đầu tư tại Việt Nam. Chính vì vậy, để thu hút được các tập đoàn lớn không chỉ từ Ấn Độ, chúng ta phải coi trọng hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo yêu cầu của các nhà đầu tư trong thời gian ngắn nhất.

Đặc biệt, Việt Nam cần phải xây dựng một mô hình thủ tục hành chính công khai, minh bạch, dễ dự đoán để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm khi đầu tư lâu dài vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, để thích ứng với xu hướng quốc tế và tạo được sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, Việt Nam cần phải chuyển đổi các khu kinh tế, khu công nghiệp sang các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị dịch vụ theo hướng xanh, đảm bảo điều kiện cho sản xuất và đời sống dân sinh của người lao động.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thay đổi phương thức làm việc khi hợp tác Ấn Độ; cần tìm hiểu kỹ truyền thống, văn hóa, và thủ tục mà các doanh nghiệp Ấn Độ cần.

Chính vì vậy, Hiệp hội VAFIE cũng đã phối hợp với đại sứ quán Ấn Độ để tổ chức rất nhiều hội thảo về các lĩnh vực quan trọng như dược phẩm, dệt may, năng lượng, đô thị - thành phố thông minh… để doanh nghiệp song phương hiểu rõ nhau hơn và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội đầu tư.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Nhàđầutư

: