GS.TSKH Nguyễn Mại: Nên ngừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê

11/3/2020  
44

GS.TSKH Nguyễn Mại: Nên ngừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Đây là ý kiến góp ý của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) với định hướng và giải pháp phát triển giai đoạn 2021-2025 của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

 

GS.TSKH Nguyễn Mại: Nên ngừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Việc nên ngừng hay tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê là câu chuyện đã được đưa ra bàn từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết. Trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kiến nghị Chính phủ cho dừng dự án với những lo ngại liên quan tới năng lực chủ đầu tư và tác động môi trường, thì phía Bộ Công Thương và chủ đầu tư vẫn muốn được tiếp tục và khẳng định dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội.

Góp ý về vấn đề này trong chiến lược phát triển của huyện Thạch Hà trong giai đoạn tới, GS.TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, dự án cần được Chính phủ có quyết định dứt khoát, không nên kéo dài tình trạng ý kiến trái chiều giữa các bộ, ngành.

Vị Chủ tịch VAFIE cho biết, với vai trò chuyên gia kinh tế, ông đã nhiều lần bày tỏ quan điểm, nếu như ba mươi năm trước đây khi đất nước còn nghèo thì khai thác tài nguyên để phát triển công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu ngân sách, tăng kim ngạch xuất khẩu là một định hướng quan trọng của chiến lược kinh tế- xã hội. Do đó, Hà Tĩnh được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước khuyến khích khai thác mỏ sắt Thạch Khê và xây dựng công nghệ luyện kim.

Tuy nhiên, hiện nay, nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp), có ưu thế về tài sản trí tuệ thích ứng với công nghệ thông tin, chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Cũng theo ông, Hà Tĩnh - "nơi địa linh nhân kiệt" có tiềm năng lớn về trí tuệ với độ ngũ các nhà khoa học, doanh nhân tại địa phương, tại các thành phố, tỉnh khác, ở ngoài nước với khoảng 1 triệu người được coi là  "Hà Tĩnh thứ hai" cần tiếp cận nhanh chóng mô hình tăng trưởng mới dựa vào khoa học và công nghệ, nhân lực chất lượng cao để tạo ra sản phẩm có hàm lượng trí tuệ lớn, giá trị gia tăng cao.

"Do vậy nên ngừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, một dự án chứa nhiều rủi ro về công nghệ, môi trường, an sinh. Tôi đồng tình với quan điểm của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh ngừng triển khai dự án này", GS.TSKH Nguyễn Mại nói.

Liên quan đến dự án mỏ sắt Thạch Khê, cuối tháng 11/2019, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo kết luận của Phó Thủ tướng, thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam đã có nhiều cố gắng chỉ đạo triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định. Tuy nhiên, việc triển khai dự án chậm, kéo dài do nhiều nguyên nhân.

Hiện các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án như năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư, công nghệ kỹ thuật, bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ, hiệu quả kinh tế dự án.

Vì vậy, Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị xem xét quyết định việc dừng, đóng cửa mỏ hay tạm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Để hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư tiếp thu ý kiến các bộ, ngành liên quan, đề xuất 2 phương án đối với dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.

Phương án 1 là dừng thực hiện dự án, đóng cửa mỏ cần phân tích, đánh giá toàn diện các tác động về hậu quả pháp lý, những thiệt hại kinh tế, trong đó có thiệt hại của doanh nghiệp thực hiện dự án và các cổ đông tham gia và ổn định đời sống, sản xuất người dân vùng ảnh hưởng do khai thác mỏ dở dang.

Phương án 2 là tạm dừng thực hiện dự án để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các điều kiện về khoa học kỹ thuật, năng lực chủ đầu tư, nguồn vốn, công nghệ, bảo đảm khi triển khai dự án phải an toàn, hiệu quả về môi trường và được chính quyền địa phương ủng hộ.

Trong diễn biến mới nhất, tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh ngày 4/3, Thủ tướng cũng đồng tình, ủng hộ cao đối với việc dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. "Việc khai thác mỏ sắt hiện đang còn có những khó khăn về mặt kỹ thuật, không an toàn thì không thể khai thác", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn:Nhàđầutư

: