Nhằm góp phần tìm kiếm giải pháp khắc phục "điểm nghẽn thế chế", nhất là đối với lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và bất động sản, ngày 19/11, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Tạp chí Nhà đầu tư sẽ tổ chức Toạ đàm với chủ đề: "Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và bất động sản".
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với tựa đề: Làm gì để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật?
Ngày 21/10/2024 trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Cần khẳng định rằng, từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế nước ta đã thu được những thành tựu to lớn về kinh tế- xã hội, Quốc hội và Chính phủ đổi mới quy trình xây dựng luật pháp, nỗ lực cải cách nền hành chính quốc gia và cải tiến môi trường kinh doanh và đầu tư, tuy vậy vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp và người dân. Cuộc hội thảo hôm nay bàn về giải pháp khắc phục các điểm nghẽn.
Nhận diện điểm nghẽn
Cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đánh giá cao Nhà nước không những thường xuyên coi trọng hoàn thiện thể chế, luật pháp mà còn chủ động tham gia các tổ chức hợp tác đa phương và song phương, kịp thời thực thi Cơ chế Thuế Tối thiểu toàn cầu, gặp gỡ đại diện doanh nghiệp tham vấn các vấn đề liên quan đến kinh doanh và đầu tư; mong muốn Chính phủ đẩy nhanh hơn cuộc cải cách nền hành chính quốc gia, nhất là cắt giảm thủ tục gây phiền hà để tạo điều kiện mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững.
GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trình bày tham luận tại tọa đàm
Tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài gần đây, các doanh nghiệp FDI cam kết tiếp tục đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam và có một số ý kiến.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham) David Whitehead kiến nghị, Chính phủ cần có những điều chỉnh tổng thể về quy trình, thủ tục cấp phép, đảm bảo quy định rõ ràng về sử dụng đất, ưu đãi thuế và giấy phép lao động cũng như lược bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết về điều kiện kinh doanh để thu hút vốn FDI quy mô lớn vào Việt Nam, đặc biệt là vào các ngành công nghiệp bán dẫn và chip.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) John Rockhold nhận định, một khía cạnh mà tất cả doanh nghiệp và các nhà đầu tư tương lai đều quan tâm là độ tin cậy về nguồn cung năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo. Mối quan hệ giữa cung - cầu điện khá phức tạp và Chính phủ cần có cách tiếp cận phù hợp, đảm bảo hợp tác công - tư để phát triển nguồn cung ứng điện bền vững, đáng tin cậy, với giá cả phải chăng. Chính phủ cần đơn giản hóa hệ thống quy định về năng lượng tái tạo trong khi các nhà đầu tư mới sẽ nghiên cứu khả năng tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo đáng tin cậy trước khi đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi rất vui khi Chính phủ đã ban hành các quy định cụ thể về năng lượng mặt trời áp mái, những giải pháp quan trọng cần thực hiện bao gồm phát triển lưới điện, triển khai hợp đồng mua bán điện có khả năng thanh toán, rút gọn thủ tục phê duyệt dự án và củng cố vị thế tài chính của các công ty điện lực quốc gia để Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng và hiện thực hóa cam kết tại hội nghị COP26.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam Ng Boon Teck cho biết, Doanh nghiệp Singapore có hoài bão và kỳ vọng xây dựng một hệ thống logistics càng đơn giản, hiện đại càng tốt, kết nối hạ tầng đường sá, thông tin, kinh tế, muốn mang tới công nghệ mới, thông minh và chia sẻ cách tối ưu hoá những công nghệ tiên tiến để đẩy mạnh hơn ngành logistics, mong muốn xây dựng đường cao tốc, chuỗi cung ứng, các quy trình thân thiện với môi trường để có môi trường xanh hơn.
Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Bosch Global Software Technologies Gaur Dattatreya nêu lên hai vấn đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, cũng như sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài: Chính phủ cần có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của các ngành công nghệ cao trọng điểm, khuyến khích sự phát triển của hệ sinh thái kết nối giữa doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, các cơ sở giáo dục dậy nghề và bậc đại học tạo điều kiện cho nguồn nhân lực Việt Nam được tiếp cận các kiến thức và kỹ năng để đón đầu làn sóng FDI vào các ngành công nghiệp trọng điểm; xây dựng, duy trì và đảm bảo một môi trường pháp lý kinh doanh ổn định, minh bạch và thuận lợi.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEPC Bruno Jaspert cho biết, doanh nghiệp không thể bán lại nước thải đã qua xử lý do thiếu hành lang pháp lý cần thiết, vì vậy buộc phải thải nước thải đã qua xử lý ra biển hay sông gần nhất. Nhiều doanh nghiệp FDI áp dụng tiêu chuẩn báo cáo phi tài chính mới dựa trên tiêu chí ESG. Các nguyên tắc đó sẽ có ảnh hưởng lớn tới tương lai kinh doanh. Liệu điều này sẽ là cơ hội cho Việt Nam để kết hợp các nguyên tắc này với hệ thống báo cáo phi tài chính. Kiến nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc đưa ra chính sách khuyến khích Khu công nghiệp Sinh thái bằng việc áp dụng thời gian thuê đất dài hạn hơn, đồng thời áp dụng thuế đặc biệt đối với các KCN không thể hoặc không muốn tuân thủ, sử dụng nguồn thu này để xây dựng quỹ phát triển bền vững.
Trưởng Đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Nakajima Takeo kiến nghị, Việt Nam cần tập trung vào ngành chế tạo, đổi mới sáng tạo để thịnh vượng hơn và đối phó với một số tình huống khó lường. Ngành công nghệ thông tin cũng sẽ trở thành "đầu tàu" mới dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam phát triển. Chính phủ cần cải cách nhanh hơn giáo dục, y tế, tài chính, cắt bỏ rào cản về luật pháp tạo ra khung khổ thuận lợi hơn cho nhà đầu tư để Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia hấp dẫn nhất trên không gian số.
Nguyên nhân
Tổng bí thư Tô Lâm nhận định: “Những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ”. Nhược điểm đó có nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Khi phát biểu về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, ông Tô Lâm nhận định việc này mới làm từ xã, huyện, một số vụ, cục, tổng cục..., trung ương chưa làm; ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, vậy thì tinh giản biên chế đã thực sự đạt yêu cầu chưa?.
Quá trình xây dựng luật pháp hiện nay chủ yếu do các bộ, ngành soạn thảo luật trình Chính phủ và Quốc hội thông qua nên không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ làm giảm liệu lực thi hành. Ngoài hiến pháp do Ban soạn thảo nhà nước tiến hành, luật Đầu tư do Bộ Kế hoạch & Đầu tư, luật thuế, luật ngân sách do Bộ Tài chính, luật Xây dựng, luật Kinh doanh bất động sản do Bộ Xây dựng… vì thế các bộ quan tâm đến việc gắn với chức năng, nhiệm vụ của mình; khi trình Chính phủ thì các thành viên là bộ trưởng bộ khác không có đủ thời gian và điều kiện góp ý dự thảo.
Mỗi kỳ họp, Quốc hội thảo luận và thông qua nhiều luật trong khi đại biểu Quốc hội phần lớn không có kiến thức chuyên ngành nên có khi chỉ bàn thảo câu chữ, chủ yếu dựa vào tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban chuyên trách. Khi Quốc hội thông qua trở thành luật phải chờ Nghị định, Thông tư nên tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, giữa luật với Nghị định và thông tư khá phổ biến.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung dẫn ra số liệu thống kê 10/2024 như 173.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường khiến đầu tư của khu vực tư nhân khoảng 7,1%, dù đã hồi phục theo từng quý song vẫn quá thấp so với năng lực của khu vực này, trong khi giai đoạn 2014-2019 tăng trưởng luôn trên 10%; năm 2017 ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục là 17%. Điều ông Cung lo ngại hơn cả là những khó khăn của doanh nghiệp quá nhiều, quá lâu mới được giải quyết.
Tham luận “Phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng ở Việt Nam như thế nào”, PGS. TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ đã phân tích 8 nhóm vấn đề, trong đó các điểm nghẽn tăng trưỏng nằm ở bộ máy hành chính kém hiệu quả và nạn tham nhũng; đất đai và bảo vệ quyền tài sản; chi phí hành chính cao và tiếp cận tài chính rất khó khăn. Ông nói:“Tháo gỡ những điểm nghẽn này sẽ có tác động tích cực lớn nhất tới tăng trưởng trong ngắn hạn. Nhà nước cần phải là chủ thể tháo gỡ những điểm nghẽn này, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp đóng vai trò hỗ trợ”. Theo ông, điểm nghẽn lớn nhất là hiệu năng của bộ máy chính quyền, nếu hiệu năng tăng 10% thì GDP tăng thêm được 3,6%.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Quảng Trị nêu thực trạng nhân lực khu vực công chuyển sang khu vực tư diễn ra nhiều, trong đó phần lớn là nhân lực chất lượng cao. Việc thu hút nhân tài vào khu vực công gặp khó khăn nhất định do mức lương khởi điểm không đủ thuê nhà ở thành phố lớn, do đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, vì nhân sự ở khu vực công là nhân sự làm chính sách.
Có nhiều người tranh luận kéo dài về "chữa bệnh cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm" nhưng kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023 chỉ có 6,57% là không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông Đồng tiếp tục đặt vấn đề "đánh giá đúng tình hình chưa?".
Ông Đồng cho biết vẫn chưa có đề xuất nào tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực; "nên đột phá từ chính khâu này thì mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước", ông đề xuất.
Về nguồn nhân lực, đại biểu Vũ Trọng Kim, Nam Định chia sẻ "ông bà ta có câu có bột mới gột lên hồ". Hàn Quốc mới đây có chính sách hỗ trợ tiền khuyến khích nam nữ kết hôn như vậy "ra bột, ra hồ”. Ông đề nghị cần nhanh chóng nghiên cứu chính sách dân số trước thách thức già hóa dân số, có nguồn nhân lực tốt mới giữ được đà tăng trưởng 6-7% cho những năm tới.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng thông báo,Tập đoàn PNE đã đăng ký nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định có công suất 2.000 MW với tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD, sau khi một số nhà đầu tư nước ngoài đã rút lui, đặt ra vấn đề cần sớm hoàn thiện chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này. Trước đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định hồi tháng 8 đã ủng hộ dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Định, nhưng vì điện gió ngoài khơi gắn với an ninh quốc gia, nên dự kiến giai đoạn đầu chỉ có những tập đoàn kinh tế nhà nước tham gia việc này.
Bàn luận về lối đi cho điện gió ngoài khơi, TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ở Việt Nam điện gió ngoài khơi có tiềm năng tốt, nhất là vùng Nam Trung Bộ, do đó, việc đăng ký diện tích biển để khảo sát, đầu tư thực hiện đang “cháy chỗ”. Theo ông Toán, hiện có vướng mắc của dự án điện gió ngoài khơi: Chưa rõ cấp có thẩm quyền giao khu vực biển, cho phép hay chấp thuận cho các tổ chức sử dụng khu vực biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát nhằm phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi.
Giải pháp
Vấn đề bao trùm là cải cách phương thức xây dựng thể chế, luật pháp như Tổng bí thư Tô Lâm nhận định: “là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ”. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, sớm nghiên cứu xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn, tránh trùng với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác gây lãng phí và đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội.
Ông Tô Lâm nói: “Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải “đúng vai, thuộc bài”; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia. Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội cần thống nhất cao và gương mẫu, đi đầu, đóng góp tích cực, quan trọng xây dựng thể chế phát triển của đất nước với tinh thần đổi mới, cải cách, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”
TS. Dư Văn Toán đề xuất có cơ chế để làm thí điểm dự án điện gió ngoài khơi, kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, có công suất 1.000 MW - 2.000 MW, đồng thời quy định thời gian triển khai.
Góp ý cho dự thảo Luật Điện lực, Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị cần có cơ chế giao Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ quy định, quyết định cụ thể các nội dung về chủ trương đầu tư; phân kỳ giai đoạn phát triển điện gió ngoài khơi phù hợp với năng lực và trình độ phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng; tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió.
Chính phủ cần quy định về công tác điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc trên biển và giao khu vực biển để đầu tư dự án điện gió ngoài khơi; các quy chuẩn/tiêu chuẩn, định mức, đơn giá liên quan đến công tác đầu tư; ban hành khung chính sách giá, cơ chế giá cho điện gió ngoài khơi; cơ chế ưu đãi, khuyến khích đối với các dự án điện gió ngoài khơi và cơ chế bán điện/xuất khẩu điện trực tiếp ra nước ngoài từ nguồn điện gió ngoài khơi.
Chúng tôi đồng tình với những kiến nghị trên đây, xin tập trung giải pháp khắc phục những nhược điểm của thể chế, luật pháp, nhanh chóng hình thành đồng bộ, có hệ thống bao gồm sửa đổi, bổ sung thể luật pháp không còn phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay của nước ta, xây dựng nhiều luật mới để điều chỉnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế số nhất là công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai như AI, Blockchain, Fintex tạo môi trường pháp lý thông thoáng, công khai, minh bạch, ổn định, được thực thi nghiêm chỉnh, thống nhất trong cả nước để người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp chủ động xây dựng chiếm lược kinh doanh và đầu tư theo định hướng của Nhà nước trong từng giai đoạn phát triển.
Vấn đề nổi lên hiện nay là làm thế nào để các luật, chính sách mới có thể được đưa nhanh vào đời sống kinh tế - xã hội, được thực thi nghiêm chỉnh trong các cấp, các ngành, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội theo kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, doanh nghiệp số, xã hội số, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kinh, góp phần cùng các nước ứng phó có hiệu quả tình trạng gia tăng nhiệt độ trái đất với mục tiêu đến năm 2050 không tăng quá 1,5 độ C.
Để thực hiện chức năng của Quốc hội là cơ quan lập pháp, soạn thảo và ban hành luật pháp với nội dung hoàn chỉnh đủ điều chỉnh các hoạt động kinh tế, xã hội. Theo đó:
Một là , tăng cường vai trò của các Uỷ ban nhiệm vụ xây dựng luật pháp từ việc kiến nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội chương trình xây dựng luật tại hai kỳ họp hàng năm; khi đã được chấp thuận thì lập kế hoạch tổ chức thực hiện các luật thuộc trách nhiệm từng Uỷ ban.
Hai là, năm 2026 sẽ bầu cử Quốc hội khoá mới do đó cần có chủ trương tăng thêm đại biểu chuyên trách của các Uỷ ban và lựa chọn đại biểu quốc hội có đủ năng lực chuyên môn tham gia Uỷ ban để thực hiện có kết quả nhiệm vụ xây dựng luật pháp của từng Uỷ ban.
Ba là, thành lập hàng chục Tổ tư vấn của các Uỷ ban gồm các cán bộ hưu trí vốn là lãnh đạo các bộ, ngành còn có đủ trí tuệ, sức khoẻ và các chuyên gia luật pháp, chuyên gia kinh tế, chuyên gia công nghệ đang công tác tại Viện nghiên cứu, Trường Đại học, cao đẳng để cùng các Uỷ ban xây dựng được nhiều luật có chất lượng trong cùng thời gian.
Bốn là, cải tiến quá trình thông qua luật pháp bằng công nghệ thông tin, gửi trước cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu, đóng góp ý kiến sửa đổi, hoàn chỉnh dự thảo để các kỳ họp thường niên và bất thường chỉ thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau; nhờ đó mà mỗi kỳ họp Quốc hội có thể quyết định nhiều luật. Nghị định của Chính phủ chỉ hướng dẫn việc thi hành luật pháp, không cần ban hành thông tư của bộ.
Những kiến nghị trên đây mong được Quốc hội và Chính phủ tham khảo để thể chế, luật pháp Việt Nam tiếp cận với chuẩn mực quốc tế.
Nguồn Nhadautu.vn