VAFIE thảo luận với ĐSQ Australia về hợp tác thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Bắc Úc

30/3/2022  
205
Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vừa có buổi làm việc với Đại sứ quán Australia về khả năng hợp tác giữa hai bên trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Bắc Úc. 
VAFIE thảo luận với ĐSQ Australia về hợp tác thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Bắc Úc

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, và ông Shannon Leahy, Tham tán thương mại ĐSQ Australia tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Hiếu

Tại buổi làm việc với ông Shannon Leahy, Tham tán thương mại Australia, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch hiệp hội (VAFIE) cho biết VAFIE có sáng kiến thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Bắc Úc như một phần của Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia, và sáng kiến được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ủng hộ.

Trong chuyến thăm và làm việc ở Việt Nam năm 2019, Thủ tướng Scott Morrison và nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí xây dựng Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia.

"Chúng tôi chọn Bắc Úc là mũi đột phá cho chiến lược này. Bắc Úc có đất đai rộng hơn 1 triệu km2, dân số dưới 250,000 người, và có nhiều lợi thế về khoáng sản, nông nghiệp, du lịch", Chủ tịch VAFIE nói.

Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1973. Ngày 15/3/2018, chính phủ hai nước ký kết tuyên bố chung về thiết lập quan hệ ngoại giao Đối tác Chiến lược Việt Nam - Australia. Phần lớn hợp tác giao thương hiện tập trung vào Sydney và Melbourne, trong khi vùng lãnh thổ phía Bắc (Bắc Úc) với nhiều tiềm năng chưa được quan tâm nhiều.

Căn cứ vào 5 chiến lược của Bắc Úc, VAFIE đề ra 5 hướng cho hợp tác giữa Việt Nam và Bắc Úc.

Thứ nhất, nguồn nhân lực. Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia nhấn mạnh việc Australia giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiệp hội đề xuất một phần nhân lực sau khi được Australia hỗ trợ đào tạo tại Việt Nam sẽ sang làm việc ở Bắc Úc.

"Bắc Úc hiện cần hàng trăm ngàn lao động làm cho các trang trại nông nghiệp và các cơ sở công nghiệp, trong đó có công nghiệp chế biến. Hơn 50% đất đai ở Bắc Âu thuộc về thổ dân nên cần có hợp tác "win-win" với thổ dân để họ thấy họ có cơ hội sử dụng đất đai hiệu quả hơn", GS-TSKH. Nguyễn Mại nói với Tham tán Australia.

Thứ hai là xây dựng cảng biển, đường xá, nhà ở…Trong chiến lược của Bắc Úc, chính phủ vùng này dự kiến đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng. "Việt Nam có thể giúp Bắc Úc giảm thiểu chi phí đầu tư xây dựng qua việc cung cấp các cấu kiện, vật liệu. Darwin có lợi thế về giao thông đường biển; hàng hóa từ Việt Nam có thể cập cảng của thành phố này trong vòng 5-6 ngày".

GS-TSKH. Nguyễn Mại dẫn ví dụ Thanh Hóa, tỉnh có cảng Nghi Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn, có thể làm các cấu kiện, vật liệu xây dựng xuất đi Darwin, thủ phủ của Bắc Úc.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó chủ tịch VAFIE, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam Bắc Úc và là Chủ tịch Công ty Vabis Group, cho biết: "Bắc Úc đang rất thiếu nhân lực và có nhu cầu lớn về vật tư và vật liệu xây dựng để phát triển hạ tầng kinh tế, trong khi đây là lợi thế của Việt Nam".

Bắc Úc có văn hóa thổ dân, nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều sân golf nên du lịch là hướng hợp tác thứ ba mà VAFIE đề xuất. GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết hiệp hội dự kiến tổ chức nhiều loại hình tour khác nhau, đem người Việt Nam đến thăm Bắc Úc và ngược lại, ví dụ các tour đi nghiên cứu, làm ăn, kết hợp chơi golf.

Darwin có các trường đại học, cao đẳng tiêu chuẩn quốc tế, nơi có thể thu hút thêm nhiều sinh viên Việt Nam. Vì vậy, thúc đẩy hợp tác giáo dục là khía cạnh hợp tác chiến lược thứ tư.

Lĩnh vực thứ năm là khai khoáng. Hiệp hội dự kiến tổ chức các đoàn doanh nghiệp lớn từ Việt Nam sang khảo sát ở Bắc Úc, có thể từ tháng 5 khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn nữa.

GS-TSKH. Nguyễn Mại nói VAFIE sẽ làm việc với Ủy ban dân tộc của Chính phủ, nhiều bộ ngành liên quan để thực hiện sáng kiến và hy vọng Đại sứ quán Australia có thể tham gia hợp tác thực hiện sáng kiến này.

VAFIE thảo luận với ĐSQ Australia về hợp tác thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Bắc Úc

Đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các đại diện của ĐSQ Australia. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tham tán Australia ông Leahy cho biết nhiều doanh nghiệp Australia đã tới Việt Nam đầu tư vào những năm 90s, sau đó có giai đoạn đầu tư Australia vào Việt Nam giảm. "Nhưng sự quan tâm của các doanh nghiệp Australia tăng trở lại 5-6 năm gần đây. Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn sẽ tiếp tục tăng".

Ông Leahy nói nhiều doanh nghiệp Australia coi Việt Nam là cứ điểm cho hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, mà còn dịch vụ và các ngành khác. Khảo sát các doanh nghiệp Australia cho thấy một trong những thách thức lớn họ gặp phải ở thị trường Việt Nam là tìm kiếm đối tác bản địa. Vì vậy, ông cho biết Đại sứ quán Australia quan tâm tới những hỗ trợ mà VAFIE có thể cung cấp và sẽ xem xét khả năng hợp tác giữa hai bên.

Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam-Australia đặt ra tầm nhìn về cách thức mà hai nước có thể hợp tác nhằm đạt mục tiêu trở thành Top 10 đối tác thương mại hàng đầu và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều.

Ngày 3/9/2021, VAFIE và Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Úc, có trụ sở tại Darwin, đã ký Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược thúc đẩy giao thương, hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa Việt Nam và Bắc Úc.

Trong 20 năm qua, quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam - Australia tăng trưởng trung bình 8,6%/năm, nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng thương mại chung của Australia (5,8%).

Trong số các doanh nghiệp lớn của Australia đầu tư vào Việt Nam có các tên tuổi như Austal, Blackstone, BlueScope Steel, CBH, Logos, Linfox, Mavin, SunRice và đại học RMIT.

: