Phó Chủ tịch VAFIE: Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế không phải ‘hô hào chung chung’

13/6/2021  
204
Đổi mới mô hình tăng trưởng chính là đổi mới cách thức tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên sang tăng trưởng chủ yếu dựa vào năng suất. Nói cách khác là chủ yếu dựa vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo nhằm bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, chất lượng và hiệu quả.
 
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát và hoành hành gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Trước tình hình đó, ngày 29/5/2020 Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong đại dịch Covid-19. Nhằm đưa đến cho độc giả những góc nhìn đa chiều về ý nghĩa của Nghị quyết 84, PV Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Phó Chủ tịch VAFIE: Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế không phải ‘hô hào chung chung’

Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Thưa ông, ngay khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Ông đánh giá như thế nào về quá trình triển khai Nghị quyết này thời gian qua?

Thời điểm đầu năm 2020, Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu cũng như tại Việt Nam gây ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu. Nắm bắt tình hình nhanh chóng, vào cuối tháng 5/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Có thể nói, Nghị quyết ra đời kịp thời, mặc dù trong quá trình triển khai vẫn còn một số hạn chế nhất định.

Theo đó, Nghị quyết 84 đưa ra các giải pháp cụ thể như: giãn nợ, giảm thuế, giảm thủ tục giấy tờ cho doanh nghiệp… Bên cạnh đó, Chính phủ đưa ra những giải pháp căn cơ mang tính chất bền vững trong suốt quá trình gần 2 năm qua. Đơn cử, nếu như thời điểm trước dịch, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ, được coi là khiếm khuyết suốt nhiều năm, thì trong đại dịch giải ngân vốn đầu tư công đã được tăng cường. Tiếp đến là giải quyết hàng loạt ách tắc, vướng mắc của các dự án đầu tư công cũng như tư nhân, tạo công ăn việc làm trong thời buổi mà hàng loạt ngành, lĩnh vực gần như đóng băng.

Nghị quyết 84 đã hỗ trợ, giảm thiệt hại rất nhiều cho doanh nghiệp. Thay vì những nước phát triển họ đưa ra các gói kích thích, hỗ trợ trực tiếp rất lớn thì Chính phủ Việt Nam, tuy không đủ tiềm lực để tung các gói kích thích lớn như vậy, nhưng chúng ta đã đưa ra những giải pháp rất phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế. Song hành với đó, trong suốt thời gian qua chúng ta cũng tăng cường phòng chống dịch hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh Nghị quyết 84, Chính phủ đã có những chính sách nào liên quan đến giải quyết các vướng mắc về pháp lý cho doanh nghiệp, thưa ông?

Đi đôi với đó, gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành văn bản số 514 ngày 12/4/2021 nhằm rà soát các văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu khả thi, không phù hợp với thực tiễn, gây cản trở, khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Hiện vẫn đang trong quá trình thu thập thông tin từ các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp. Vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng đã có văn bản trình Chính phủ về vấn đề nêu trên.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của xã hội, có thể nói đại dịch Covid-19 là “mồi lửa” thúc đẩy quá trình này. Ông có ý kiến gì liên quan đến vấn đề chuyển đổi số?

Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nêu rất rõ việc chúng ta phải “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất hiệu quả phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô…”. Đồng thời, trong văn kiện của Nghị quyết cũng chỉ rõ: “Ưu tiên một số ngành mũi nhọn như công nghiệp ô tô, công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm, kinh tế số…”.

Quay lại câu chuyện “đổi mới mô hình tăng trưởng” không phải chỉ hô hào chung chung, mà đổi mới mô hình tăng trưởng phải bắt đầu từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế. Không phải tất cả nhưng hầu như các tập đoàn kinh tế lớn của chúng ta đều được hưởng lợi từ mô hình tăng trưởng cũ như khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ, đất đai, mà đất đai đồng nghĩa với khai thác tài nguyên có sẵn, đây là mô hình tăng trưởng mà đến nay chúng ta vẫn dùng.

Thế nhưng hiện nay, thực tế đặt ra cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất, mang tính chuyên sâu. Nói cách khác là chủ yếu dựa vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, chất lượng và hiệu quả.

Theo tôi, Chính phủ nên có chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế để thay đổi. Ví dụ như Vinfast – sản xuất ô tô và xe máy điện - của Tập đoàn VinGroup là một bước tiến rất tốt mà chúng ta cần phải nhân rộng để khuyến khích mô hình tăng trưởng vào những mũi nhọn mà Đại hội đề ra, có như thế chúng ta mới “cất cánh”. Trước đây, Việt Nam chủ yếu tập trung xây dựng các “quả đấm thép” là các doanh nghiệp nhà nước, thì bây giờ, song song với đó cần phải có thêm những “quả đấm thép” là doanh nghiệp tư nhân. Muốn làm được như vậy, tôi cho rằng hơn cả, Chính phủ cần tiếp tục ngồi trực tiếp với doanh nghiệp bàn các giải pháp để phát triển kinh tế bền vững.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn: Vietq.vn

 
: