VAFIE báo cáo về 'Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp'

6/9/2024  
17
VAFIE vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan báo cáo kết quả Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp và bền vững".

Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc NHNN, Chủ tịch UBCKNN và Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả Hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp và bền vững”.

Công văn nêu rõ, ngày 18/6/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)/ Tạp chí Nhà đầu tư (Nhadautu.vn) đã tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp và bền vững”.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm, tham dự và đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia, lãnh đạo các Bộ ngành, doanh nghiệp và hiệp hội: Lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước; Bộ Tài chính, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước; Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Học viện Ngân hàng, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam; Lãnh đạo các ngân hàng thương mại: Techcombank, Eximbank, Nam Á Bank...; Đại diện các công ty chứng khoán: VPS, Vietinbank Securities, SHS,...; Đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings.

Các tham luận và ý kiến tại Hội thảo đồng thuận rằng, từ cuối năm 2022, thị trường TPDN có nhiều biến động, liên tiếp nhiều vi phạm trên thị trường bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý khiến cho niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm, khối lượng phát hành trái phiếu lao dốc. Tuy nhiên, sau giai đoạn khó khăn, thị trường đã từng bước phục hồi.

Để phát triển thị trường TPDN đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra (quy mô thị trường TPDN đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 và 25% vào năm 2030) là thách thức lớn, nhiều vướng mắc, khó khăn cần được khắc phục đảm bảo sự phát triển và bền vững.

Một số vấn đề cụ thể được nêu ra gồm: Cải thiện tính minh bạch, tăng cường quản lý và giám sát, cũng như nâng cao chất lượng tổ chức phát hành. Cùng với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi là điều kiện tiên quyết để trái phiếu doanh nghiệp thực sự trở thành kênh huy động vốn hiệu quả, đáng tin cậy cho các doanh nghiệp và là kênh đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư.

Các diễn giả đồng thuận rằng, việc sửa Luật Chứng khoán (trong chương trình 1 luật sửa 7 luật Bộ Tài chính đang dự thảo) hướng tới phát triển thị trường trái phiếu chuyên nghiệp, bền vững là cần thiết. Các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết kế hướng tới nâng cao vai trò của các chủ thể tham gia thị trường như đơn vị phát hành, tư vấn, xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán, kế toán; đơn giản hoá thủ tục để đẩy mạnh kênh phát hành trái phiếu ra công chúng; gia tăng vai trò, sự hiện diện của nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là của các quỹ đầu tư; nghiên cứu cho doanh nghiệp phá sản khi không đủ năng lực trả nợ, giảm thiệt hại cho nhà đầu tư... Mặt khác, công tác giáo dục thị trường, nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng cần được chú trọng đẩy mạnh.

Tăng quy mô, minh bạch hoá thị trường

Theo ước tính, hiện nay, nhóm ngân hàng vẫn chiếm 95% tổng tài sản của toàn thị trường tài chính. Điều này cho thấy, nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào ngân hàng. Quy mô thị trường TPDN ước tính khoảng 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương gần 12% GDP) nhưng ngân hàng vẫn là bên mua chính trên thị trường.

So với các nước trong khu vực và trên thế giới, thị trường TPDN còn ở giai đoạn sơ khai, cần nhiều giải pháp thúc đẩy, giảm tình trạng trái phiếu chậm trả. Theo ước tính, khoảng 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản, năng lượng tái tạo (trong đó bao gồm 65% trái phiếu đã chậm trả trước đó). Điều này dẫn tới nguy cơ tiếp tục làm suy giảm niềm tin nhà đầu tư, khó phát triển thị trường thứ cấp.

Theo đó, một số ý kiến chuyên gia đề xuất, cần có các giải pháp nhằm tăng tính minh bạch cho thị trường, rà soát, sửa đổi các quy định liên quan như Nghị định 153, Nghị định 65, Nghị định 08 và Nghị định 155 theo hướng tăng cường minh bạch thông tin, tăng cường vai trò của các tổ chức trung gian, xếp hạng tín nhiệm, kế toán/kiểm toán, chế độ báo cáo thông tin bắt buộc...; thúc đẩy phát hành trái phiếu ra công chúng, mở rộng cơ sở nhà đầu tư.

Đẩy mạnh phát hành trái phiếu ra công chúng

Số liệu phát hành TPDN 7 tháng đầu năm 2024 cho thấy, tỷ trọng trái phiếu phát hành ra công chúng đã tăng khá nhanh trong thời gian gần đây nhưng vẫn khiêm tốn so với trái phiếu phát hành riêng lẻ. Các ý kiến đồng thuận rằng, việc đẩy mạnh phát hành TPDN ra công chúng là phù hợp thông lệ quốc tế và cần có giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy hoạt động này. Trong đó, việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ, áp dụng hạ tầng công nghệ trong vận hành, quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp là rất quan trọng.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần rà soát pháp lý, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng hướng tới phát triển minh bạch, an toàn và bền vững hơn.

Mở rộng cơ sở nhà đầu tư

Cơ cấu nhà đầu tư TPDN tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là ngân hàng thương mại (chiếm tỷ trọng khoảng 55%), tiếp theo là các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư với (khoảng 18%) và nhà đầu tư cá nhân (khoảng 15%). Trong khi, các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí chỉ chiếm 9% và các tổ chức nhà nước sở hữu gần như không đáng kể. Điều này cho thấy, thị trường TPDN phát triển chưa đạt mục tiêu giảm áp lực lên thị trường ngân hàng, trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.

Muốn phát triển cơ sở nhà đầu tư, các chuyên gia nhấn mạnh yêu cầu xây dựng các quy định cụ thể về quỹ hưu trí tự nguyện, bao gồm hướng dẫn chi tiết về thành lập, hoạt động, cơ chế đóng góp và quyền lợi của người tham gia. Đồng thời, cần có quy định rõ ràng về phân bổ tài sản theo mức độ rủi ro cho các quỹ này.

Bên cạnh đó, việc nới lỏng quy định đầu tư cho các định chế tài chính cũng rất cần thiết. Cụ thể, có thể xem xét nâng tỷ lệ đầu tư tối đa vào TPDN cho công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư, đồng thời cho phép các quỹ hưu trí đầu tư linh hoạt hơn vào TPDN có xếp hạng tín nhiệm tốt.

Hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường TPDN cũng là một nhiệm vụ cấp thiết. Cần xây dựng quy định về các công ty bảo lãnh phát hành trái phiếu, tăng cường quy định về công bố thông tin và trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành. Việc phát triển cơ chế giao dịch TPDN trên thị trường thứ cấp cũng cần được chú trọng để tăng tính thanh khoản cho thị trường - một yếu tố then chốt để tăng tính thanh khoản và thu hút nhà đầu tư.

Ngoài ra, tăng cường vai trò của các tổ chức nhà nước trong thị trường TPDN là một hướng đi cần được xem xét. Việc thành lập quỹ đầu tư TPDN do nhà nước quản lý có thể giúp tạo thanh khoản và ổn định thị trường khi cần thiết. Khuyến khích các tổ chức nhà nước như quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí bổ sung tăng tỷ lệ đầu tư vào TPDN có chất lượng tốt cũng là một biện pháp đáng cân nhắc.

Đánh giá kỹ tác động của các nghị định, kịp thời sửa đổi, bổ sung

Hiện nay có 3 nghị định (NĐ153/2020/NĐ-CP, NĐ65/2022/NĐ-CP và NĐ 08/2023/NĐ-CP) quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; và Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán có quy định về phát hành TPDN ra công chúng. Tuy nhiên, hiện nay một số điều của Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã hết hiệu lực và quay lại áp dụng quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP với những tiêu chuẩn cao hơn, một số ý kiến lo ngại diễn biến này tạo rào cản đối với hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ. Vì vậy, cần có rà soát, khảo sát hay đánh giá cụ thể để có những sửa đổi kịp thời, phù hợp.

Ngoài ra, cũng cần có những rà soát, đánh giá chi tiết về các quy định, khung pháp lý liên quan tới hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng để có sửa đổi theo hướng giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy thị trường nhưng vẫn đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn, bền vững.

Quản lý tài sản đảm bảo là bất động sản và các dự án hình thành trong tương lai

Hiện có khoảng 70% trái phiếu lưu hành không có tài sản đảm bảo và 30% trái phiếu lưu hành có tài sản đảm bảo, trong đó bất động sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, số 32/2024/QH15 ban hành tại điều 114 đã không cho phép các NHTM có quyền được tham gia các dịch vụ quản lý (Luật Các Tổ tức tín dụng 2010 cho phép điều này). Với quy định này, NHTM sẽ không được tham gia quản lý tài sản đảm bảo trong đó có bất động sản trong các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Dẫn tới, những doanh nghiệp bất động sản (chiếm khoảng 22% theo giá trị phát trong tháng 7/2024) hay những doanh nghiệp muốn dùng tài sản đảm bảo là bất động sản hay các dự án hình thành trong tương lai gặp khó trong việc phát hành trái phiếu cũng như tìm đơn vị quản lý toàn bộ tài sản đảm bảo.

Theo đó, các ý kiến tại Hội thảo mong muốn có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, nên tạo cơ chế cho các tổ chức tín dụng có quyền được quản lý tài sản đảm bảo đặc biệt là loại hình bất động sản và các dự án được hình thành trong tương lai, có thể nghiên cứu ban hành Thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về vấn đề này.

: