VAFIE đã có đóng góp thiết thực vào hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư nước ngoài

23/4/2019  
112
Sau khi tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhiệm kỳ V (2019 - 2023), GS-TSKH Nguyễn Mại đã có những chia sẻ về kết quả nổi bật của Hiệp hội trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như phương hướng hoạt động thời gian tới

VAFIE đã có đóng góp thiết thực vào hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư nước ngoài

GS-TSKH Nguyễn Mại.

Xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà Hiệp hội đã đạt được trong nhiệm kỳ IV (2014 - 2018)? Có thể thấy, vị thế và vai trò của VAFIE đã được nâng lên một cách rõ rệt. Có được kết quả này là nhờ Hiệp hội đã làm tốt chức năng của mình. VAFIE đã có những đóng góp thiết thực vào quá trình hoàn thiện thể chế, luật pháp về kinh tế - xã hội, đầu tư nước ngoài, nhất là đã chủ động đề xuất với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chương trình Tổng kết 30 năm FDI để đánh giá khách quan và khoa học về thành tựu, vấn đề, trên cơ sở đó rút ra các bài học kinh nghiệm để đề ra định hướng, chính sách mới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư quốc tế. Ngoài ra, Hiệp hội đã đóng góp ý kiến với Ngân hàng Thế giới (WB) về Dự thảo “Chiến lược FDI thế hệ mới của Việt Nam” do Cục Đầu tư nước ngoài hợp tác với WB và Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Đây là một định hướng quan trọng được đưa vào tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài. Định hướng này đang được dự thảo để trình Bộ Chính trị ban hành một văn bản đầu tiên về đầu tư nước ngoài để các cấp, các ngành, địa phương thống nhất về quan điểm nhận thức, từ đó thống nhất hành động để bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả của thu hút đầu tư nước ngoài thích ứng với điều kiện đất nước đã phát triển cao hơn, hội nhập quốc tế sâu hơn. Cùng với đó, Dự án “Năng lực thương mại Việt Nam” (TCV) do Hiệp hội thực hiện trong 3 năm đã hoàn thành cơ bản những mục tiêu của Dự án và được EU đánh giá cao. Ngoài ra, Hiệp hội thực hiện những chức năng thường xuyên như tuyên truyền các nghị quyết, luật, thể chế, chính sách kinh tế nói chung về đầu tư nước ngoài; hỗ trợ các doanh nghiệp khi có sự cố, tranh chấp xảy ra... Nhiệm kỳ tới, Hiệp hội đề ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể nào, thưa ông? Sắp tới, Hiệp hội có thể tiến đến những bước phát triển mới như thành lập ban pháp luật để tư vấn cho các doanh nghiệp hội viên khi có vấn đề xảy ra. Ngoài ra, có thể tổ chức các đơn vị khác, nếu cần thiết. Chúng tôi mong rằng, sau đại hội này, Hiệp hội sẽ thực hiện phương châm mà nước ta đang thực hiện, đó là đổi mới và sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, để phát huy những thế mạnh mà Hiệp hội có được trong các nhiệm kỳ trước, đặc biệt là nhiệm kỳ IV; tham vấn tốt hơn, có hiệu quả hơn, xây dựng thể chế, tổ chức nhiều cuộc hội thảo có chất lượng, động viên các doanh nghiệp tham gia ngày càng tích cực hơn vào công việc của Hiệp hội và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức khác. Ông nhìn nhận thế nào về định hướng chuyển hướng thu hút đầu tư nước ngoài cho phù hợp với tình hình và yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của Chính phủ? Sự chuyển hướng về đầu tư nước ngoài đã có trong tổng kết 25 năm và đã có Nghị định 103 của Chính phủ, nhưng rất tiếc là trong 5 năm qua, sự chuyển hướng đó chưa mạnh mẽ. Do đó, Hiệp hội đã tham gia cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và WB chủ trương đưa ra một thay đổi cơ bản trong định hướng thu hút FDI. Thay đổi này xuất phát từ nhu cầu nội tại khi Việt Nam hiện có trên 715.000 doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế lớn. Rõ ràng, cần phải thay đổi. Những gì doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được thì không cần phải thu hút đầu tư nước ngoài; chúng ta chỉ thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao, công nghệ hiện đại, chỉ lựa chọn những nhà đầu tư thích ứng với định hướng mới, bởi chắc chắn sắp tới sẽ có  nhiều doanh nghiệp các nước muốn đến đầu tư tại Việt Nam. Chúng ta mở rộng cửa chào đón, nhưng cũng phải cảnh giác với tình trạng chuyển vào Việt Nam những dự án ảnh hưởng không tốt, đặc biệt là những dự án ảnh hưởng tới môi trường, khí hậu, không đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Về chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư tại các địa phương thì sao, thưa ông? Chúng ta cũng phải chuyển hướng một cách tích cực về chính sách ưu đãi đầu tư. Hiện nay, có hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội chiếm khoảng 45% GDP và thu ngân sách chiếm một nửa của cả nước, trình độ cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác. Do đó, hai thành phố này phải đi đầu trong việc phát triển công nghệ tương lai thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Một loạt tỉnh có thu hút FDI lớn như Bình Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai… phải có định hướng vào công nghệ hiện đại, chính sách ưu đãi cũng phải thích ứng. Còn các địa phương kém phát triển phải định hướng vào việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đào tạo nhân lực… để các thu hút dự án, kể cả các dự án thâm dụng lao động, nhưng sẽ chuyển nhanh sang các dự án công nghệ cao. Với sự chủ động Hiệp hội, các kiến nghị trên gần như được đưa vào định hướng thu hút FDI thế hệ mới. Trong định hướng mới, ngoài đổi mới sáng tạo, còn nhấn mạnh quyền lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư của các bộ, ngành, địa phương. Tôi hy vọng rằng, thông qua định hướng mới, các địa phương thực hiện đúng quyền lựa chọn để không lựa chọn những nhà đầu tư “dởm”, không lựa chọn những nhà đầu tư muốn lợi dụng chính sách đầu tư, lợi thế của Việt Nam để trục lợi.  
: