Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nêu rõ, những năm qua, Hà Giang đạt thành tựu tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá 5,06%; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 2.734 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 30,7 triệu đồng; kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu đạt trên 485 triệu USD; thu hút đầu tư 17 dự án mới với tổng vốn đăng ký trên 3.358 tỷ đồng; khách du lịch duy trì mức trên 900.000 lượt khách/năm.
"Hà Giang có lợi thế về Công viên Địa chất toàn cầu Cao Nguyên đá UNESCO Đồng Văn; nhiều danh lam thắng cảnh; tiềm năng phát triển kinh tế vườn rừng, sản phẩm nông nghiệp đặc thù, nguồn gen dược liệu đa dạng, quý hiếm; các dân tộc có truyền thống, văn hóa đậm đà bản sắc", ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Cũng theo Chủ tịch tỉnh Hà Giang, địa phương này xác định mục tiêu trở thành tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa. Tỉnh tập trung nguồn lực, nhân lực, khoa học công nghệ phát triển các sản phẩm hàng hóa hữu cơ, an toàn, có thương hiệu, chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường quốc tế từ nguồn gen bản địa như: Cây cam Sành, cây ăn quả ôn đới (đào, lê, mận), chè Shan tuyết, cây dược liệu, Tam giác mạch, bò vàng, lợn đen, mật ong Bạc hà...
Bên cạnh đó, Hà Giang cũng phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là vùng trọng điểm về du lịch, nông nghiệp, dược liệu quốc gia vào năm 2030. Do đó, Hà Giang đang nỗ lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông liên kết vùng, nhất là dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; thành lập Ban Thu hút đầu tư tỉnh.
Cùng phát biểu tại buổi làm việc, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, Hà Giang có tiềm năng, lợi thế riêng, cần khai thác mạnh mẽ để phát triển bằng những quyết sách phù hợp. Do Hà Giang nằm trong vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, môi trường, quốc phòng an ninh và đối ngoại nhưng hạ tầng còn khó khăn nhất cả nước nên Ủy ban Dân tộc sẽ tham mưu cơ chế đặc thù dành cho phát triển của Hà Giang.
GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE thì cho rằng, Hà Giang cần tập trung đầu mối quản lý nhằm khắc phục nguồn lực phân tán, dàn trải; ưu tiên và tập trung bố trí các nguồn lực cho tỉnh để hoàn thiện cơ sở hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông có tính kết nối vùng và liên vùng.
Khi hạ tầng giao thông được hoàn thiện, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hà Giang thì việc huy động các nguồn vốn đầu tư sẽ dễ dàng hơn.
Do đó, Hà Giang cần linh hoạt, sáng tạo trong phát triển KT–XH, không “ngủ quên” trên quy hoạch; sớm lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để nhanh chóng thực hiện xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang; hoàn thiện hạ tầng số phù hợp với địa phương.
Nguồn: Nhàđầutư