VAFIE kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách đối với năng lượng tái tạo

4/1/2022  
134
VAFIE kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để ban hành sớm cơ chế đấu thầu, trong đó không chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, mà còn cả an ninh quốc gia, khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước, lựa chọn một số dự án năng lượng tái tạo (NLTT) phù hợp đối với đầu tư nước ngoài.
VAFIE kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách đối với năng lượng tái tạo

VAFIE kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách đối với năng lượng tái tạo.  Ảnh: Internet.

Ngày 22/12/2021, Tạp chí Nhà đầu tư thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã tổ chức Tọa đàm về chủ đề "Tháo gỡ điểm nghẽn phát triển năng lượng tái tạo" với sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo một số hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị tại tọa đàm, đặc biệt là ý kiến của các nhà đầu tư, VAFIE đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khuyến nghị một số cơ chế, chính sách để phát triển NLTT nhằm hoàn chỉnh Quy hoạch Điện VIII (dự thảo).
 

Về Quy hoạch điện VIII Quy hoạch điện VIII (dự thảo) đang được Bộ Công Thương tiếp tục hoàn chỉnh để trình Chính phủ. So với dự thảo tháng 3/2021 thì dự thảo Bộ Công Thương trình Chính phủ tháng 11/2021 đã thể hiện xu hướng phát triển các nguồn NLTT theo tinh thần Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị, phù hợp hơn với cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính về cắt giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam tại Hội nghị COP26 vừa qua. Tuy vậy, một số nội dung của Dự thảo, nhất là cơ chế, chính sách và cơ cấu NLTT cần được sửa đổi và hoàn thiện.

Về tiềm năng phát triển NLTT Qua nghiên cứu, cũng như tổng hợp ý kiến đánh giá của các chuyên gia và nhà đầu tư, VAFIE cho rằng, tiềm năng phát triển NLTT của cả nước rất lớn, cần được đầu tư khai thác để thay thế dần năng lượng hóa thạch. Đối với điện gió, tổng tiềm năng kỹ thuật đạt 377 GW, trong đó điện gió trên bờ 217 GW, điện gió ngoài khơi 160 GW. Điện mặt trời (ĐMT) có tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 434 GW, trong đó, đã đưa vào vận hành khoảng 16,6 GW (ĐMT tập trung 9 GW). Nhược điểm của nguồn năng lượng này là phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, không ổn định; điện mặt trời chỉ có thể hoạt động 4-5 giờ/ngày. Để phát triển nhanh và đạt hiệu quả kinh tế cao NLTT cần coi trọng tích trữ điện năng khi thừa công suất. Công ty GreenYellow (Pháp) mong muốn các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam chấp thuận và hỗ trợ để tiến hành hai dự án Pin dự trữ năng lượng (BESS) bằng vốn đầu tư của họ. Chính phủ cần khuyến khích nghiên cứu, xây dựng hệ thống tích trữ năng lượng (Energy Storage System- ESS), và có chính sách ưu đãi cao đối với đầu tư tích trữ năng lượng như trợ giá cho dự án đầu tư ESS, ưu đãi giá mua điện đối với dự án điện mặt trời có kèm lưu trữ điện năng. Nếu có cơ chế, chính sách như vậy thì tỷ trọng NLTT trong tổng công suất phát điện quốc gia có thể cao hơn mức 45% vào năm 2045 tại Quy hoạch điện VIII (Dự thảo). Một số nước như như Đan Mạch, Ireland, Đức…, NLTT chiếm trên 50% tổng công suất phát điện.

Vấn đề truyền tải điện Hiện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang độc quyền đầu tư và vận hành truyền tải điện. Từ khi Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư đã xảy ra "cơn sốt" điện gió, điện mặt trời đến mức vượt quá rất nhiều năng lực truyền tải điện của EVN, làm cho nhiều dự án NLTT bị EVN đơn phương yêu cầu giảm công suất phát điện, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư và lãng phí tài sản xã hội. Hiện tại, nhiều dự án NLTT công suất lớn lần lượt đưa vào vận hành, làm cho tình trạng thừa công suất trở nên nan giải hơn. Được biết, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ sửa Luật Điện lực theo hướng cho phép tư nhân tham gia đầu tư đường dây truyền tải điện. Các nhà đầu tư mong đợi chủ trương đúng đắn đó sớm được luật hóa thành cơ chế, chính sách nhất quán, minh bạch để thu hút có hiệu quả đầu tư của tư nhân vào hệ thống truyển tải điện mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Một số chuyên gia kinh tế lưu ý thêm các vấn đề liên quan đến mạng lưới truyền tải điện như quan hệ giữa nhà đầu tư tư nhân với EVN đối với sử dụng lưới điện, dự án đấu nối của các nhà đầu tư tư nhân khác vào lưới điện do nhà đầu tư tư nhân đang khai thác… để tránh xảy ra xung đột lợi ích, tác động tiêu cực đến quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện.

Về giá mua và bán điện Do đại dịch COVID-19, hiện có khoảng 4.000 MW điện gió với tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ USD lỡ hẹn với giá FIT (31/10/2021), làm tăng chi phí, giảm hiệu quả kinh tế của dự án. Các nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ coi trạng thái đó là thảm họa đối với dự án NLTT, do đó gia hạn giá FIT thêm một thời gian tương ứng với thời gian giãn cách xã hội, điều chỉnh giảm giá FIT khoảng 15 - 20% so với giá FIT đã ban hành, ban hành cơ chế giá điện mới sau thời hạn giá FIT. Đặc biệt, cần khẩn trương xây dựng và ban hành cơ chế về giá điện phù hợp với luật pháp của nước ta và thông lệ quốc tế, được ổn định 5 năm, sau đó được điều chỉnh nếu các điều kiện tác động đến giá điện thay đổi; giá mua điện cần được quy định dựa trên lợi thế của từng vùng để phân bổ đầu tư hợp lý, không gây quá tải cục bộ. Việc kéo dài khoảng trống về luật pháp, chính sách từ giá FIT mà đến nay chưa có cơ chế mới về giá điện sẽ tạo ách tắc đối với hoạt động đầu tư phát triển NLTT, gây thiệt hại cho nền kinh tế và ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của nước ta.

Về vốn đầu tư Trong 10 năm tới, mỗi năm ngành điện cần khoảng 10 tỷ USD vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện; theo nhận định của một số chuyên gia thì có thể nhiều hơn. Vốn đầu tư là câu chuyện muôn thuở đối với các quốc gia. Vấn đề là cách tiếp cận làm thế nào để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn trong nước và vốn nước ngoài khá dồi dào. Chính ngành điện nước ta đã có câu trả lời cho vấn đề này. Từ khi Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư thì đã xảy ra "cơn sốt" dự án điện mặt trời, điện gió đến mức mà Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia coi là hiện tượng "chưa từng có trong lịch sử 65 năm ngành điện" khi đón nhận gần một trăm nguồn điện vào hệ thống chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Theo WB, thị trường điện cạnh tranh đem lại lợi ích cho tất cả các bên, giải quyết được bài toán về giá điện minh bạch, hiệu quả; tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả; tạo cơ hội thuận lợi cho việc phát triển năng lượng sạch. Khi nhà nước đã có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài thì sẽ giải quyết được bài toán về vốn đầu tư. Tuy vậy, vẫn có điểm nghẽn là tín dụng cho các dự án NLTT. Theo đại diện của MB thì các ngân hàng đang gặp phải nhiều khó khăn khi thẩm định dự án do vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, thời gian thu hồi vốn dài làm cho ngân hàng thương mại khó cân đối vốn vay vì vốn của ngân hàng phần lớn là tiền gửi, gây rủi ro lớn cho ngân hàng. Do đó, Chính phủ cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, trên cơ sở đó Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn ngân hàng thương mại tiến hành các khoản tín dụng dự án NLTT.

Vấn đề đấu thầu Một số chuyên gia băn khoăn về cơ chế đấu thầu trong Quy hoạch điện VIII khi các quy định về đấu thầu chưa hoàn chỉnh cả về pháp lý lẫn kỹ thuật công nghệ. Các chỉ tiêu thông số đầu vào của dự án nguồn điện đưa ra đấu thầu rất cần được cụ thể hóa về quy mô, công nghệ, vị trí và chế độ huy động công suất năng lượng và giá mua điện. Đây là bài toán phức tạp chưa có lời giải chuẩn xác trong bối cảnh ngành điện Việt Nam đang hướng thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh. VAFIE kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để ban hành sớm cơ chế đấu thầu, trong đó không chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, mà còn cả an ninh quốc gia, khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước, lựa chọn một số dự án NLTT đối với đầu tư nước ngoài tại những địa phương không gây tổn hại cho an ninh và quốc phòng.

Vấn đề chuyển nhượng dự án Trong thời gian qua có không ít nhà đầu tư trong nước liên kết với "nhóm lợi ích" chạy quy hoạch mặc dù có ít tiềm năng về vốn đầu tư nhưng đã được chính quyền địa phương cấp phép dự án NLTT; sau đó đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài để trục lợi do thuế chuyển nhượng rất thấp vì được áp dụng thuế suất đối với trường hợp mua cổ phần; trong đó có những dự án có thể gây ảnh hưởng đến an ninh và quốc phòng. VAFIE kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát đánh giá việc chuyển nhượng các dự án NLTT trong thời gian qua, đánh giá mặt tích cực, tiêu cực và điều chỉnh các quy định pháp lý nhằm khắc phục mặt tiêu cực trong chuyển nhượng dự án.

Vấn đề thị trường điện cạnh tranh Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013, thị trường điện của Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Cấp độ 1 đến hết năm 2014 thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh; Cấp độ 2 2015-2021 thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Cấp độ 3 từ 2021 thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Mỗi cấp độ được thực hiện theo hai giai đoạn: Thí điểm và hoàn chỉnh. Chủ trương phát triển thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam là một yêu cầu tất yếu khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường. Việc hình thành các cấp độ của thị trường điện Việt Nam phù hợp với xu thế chung về quản lý công nghiệp điện năng thế giới, nhưng mang đặc trưng của nước ta là triển khai từng bước thận trọng; mỗi cấp độ bao gồm giai đoạn thí điểm và giai đoạn hoàn chỉnh. Ngày 9/6/2020 Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Ngày 7/8, Bộ Công Thương đã phê duyệt đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 đến hết năm 2021 là giai đoạn chuẩn bị; giai đoạn 2 từ 2022 đến 2024 cho phép khách hàng được mua điện trên thị trường điện giao ngay; giai đoạn 3 từ sau năm 2024 cho phép khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện. Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là mô hình khuyến khích cạnh tranh trong phát điện; tuy vậy chỉ có một người mua duy nhất là công ty mua bán điện đại diện của EVN mua tất cả điện năng từ các đơn vị phát điện và bán cho các công ty phân phối với giá bán buôn. Các công ty phân phối bán điện cho khách hàng dựa trên giá bán lẻ, nên vẫn chưa hình thành được một thị trường điện cạnh tranh đích thực. Điểm nghẽn lớn nhất đối với NLTT hiện nay là tinh trạng độc quyền của EVN, do đó vào thời điểm sắp chuyển sang 2022, mong EVN chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện vận hành có hiệu quả thị trường bán lẻ điện cạnh tranh để người dân và doanh nghiệp được lựa chọn công ty cung ứng điện có chất lượng phục vụ tốt và giá cả cạnh tranh. Nhìn vào những ngành khác như viễn thông, do phá vỡ độc quyền đã giúp Việt Nam có tên trong bản đồ viễn thông thế giới, thì ngành điện có thể vận dụng những bài học thành công của viễn thông để tiếp cận có hiệu quả hơn cơ chế thị trường.. Trên đây là một số kiến nghị của VAFIE đối với phát triển NLTT gửi Chính phủ, Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban kinh tế Quốc hội, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Công Thương.

Bản khuyến nghị một số cơ chế, chính sách để phát triển NLTT nhằm hoàn chỉnh Quy hoạch Điện VIII (dự thảo) của Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) sẽ được gửi đến: Ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ. Ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội. Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công thương.

 

: