VAFIE vàTechcross trao đổi thúc đẩy đầu tư xử lý nước thải cho Hà Nội

29/8/2023  
156
Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) vừa có buổi làm việc với công ty Techcross (Hàn Quốc) nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân trong lĩnh vực xử lý nước thải tại Việt Nam.
 
VAFIE vàTechcross trao đổi thúc đẩy đầu tư xử lý nước thải cho Hà Nội

Buổi làm việc giữa VAFIE và Techcross. Ảnh: PV.

Ngày 28/8, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã có buổi làm việc với ông Kim Jung Chul, Tổng giám đốc và một số thành viên của công ty Techcross - một công ty Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải, nước (tinh khiết) nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực xử lý nước thải.
 
Chia sẻ về hoạt động của Techcross, ông Soo Dong Kwak, Trưởng văn phòng Phát triển kinh doanh ở nước ngoài Techcross cho biết, doanh nghiệp này bắt đầu xử lý nước thải cho tập đoàn LG ở Hàn Quốc cách đây 4 năm. Từ đó đến nay, công ty đã có hơn 110 dự án phân bổ trên toàn thế giới, trở thành 1 trong 10 công ty xử lý nước thải lớn nhất tại Hàn Quốc. Với Việt Nam, hiện nay, Techcross đang xử lý nước thải cho nhà máy LG tại Hải Phòng.
Thông qua buổi làm việc với VAFIE, Techcross mong muốn tìm hiểm cơ hội mở rộng đầu tư tư nhân trong lĩnh vực xử lý nước thải với TP. Hà Nội theo hình thức PPP.
 
Chia sẻ thông tin tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực VAFIE - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư nhấn mạnh, nhu cầu về xử lý nước thải, chất thải của Hà Nội là rất lớn. Theo đó, từ năm 2013, UBND TP. Hà Nội đã ban hành "Kế hoạch phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị TP. Hà Nội giai đoạn đến năm 2020" với nhiều dự án trọng điểm. Tuy nhiên, nhìn chung các dự án triển khai khá chậm, đặc biệt là các dự án xã hội hoá gần như chưa được triển khai.
 
"Có thể thấy, các dự án xử lý nước thải của Hà Nội đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn và cần sự tham gia của nhà đầu tư có năng lực. Đây cũng là cơ hội với những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực và công nghệ", Phó chủ tịch Thường trực VAFIE nói.
 
GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho biết, Hà Nội là thành phố thuộc loại lớn trên thế giới với khoảng 10 triệu người dân sinh sống, diện tích 3.360 km2. Ngoài ra, Hà Nội còn có 6 thành phố vệ tinh với quy mô dân số 500.000-700.000 người/1 thành phố.
 
"Không chỉ tại Hàn Quốc, môi trường cũng đang là vấn đề được đặt lên hàng đầu tại Việt Nam để đáp ứng các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, phát biển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Trong thời gian tới, có rất nhiều cơ hội với các dự án xử lý nước thải của Hà Nội, thúc đẩy đầu tư tư nhân là hoàn toàn khả thi", GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.
 
Đông quan điểm, ông Nguyễn Minh Đức, đại biểu HĐND TP. Hà Nội - Tổng biên tập Báo Hà Nội Mới cho biết, TP. Hà Nội đã có quy hoạch nhà máy xử lý nước thải, ban hành kế hoạch đến năm 2025. Hiện, TP. Hà Nội đang làm lại quy hoạch tổng thể từ nay đến 2045 vì vậy việc cập nhật quy hoạch các nhà máy nước thải đang tiếp tục diễn ra, đặc biệt ở các quận huyện ngoại thành, các quận, huyện mới.
 
Đáng chú ý, theo giám sát của HĐND TP. Hà Nội, đến cuối năm 2022 còn nhiều dự án nước thải chưa thực hiện được hoặc dang dở vì nhiều vấn đề, trong đó 3 vướng mắc lớn nhất là giải phóng mặt bằng, đơn giá và công nghệ. Theo đó, nhiều nhà đầu tư trong nước năng lực tài chính yếu dẫn tới dự án dang dở. Thành phố cũng đang trong quá trình xây dựng đơn giá để nhà đầu tư có thể thu hồi vốn nhưng vẫn chưa đi tới thống nhất, kỳ vọng thời gian tới có thể ban hành.
 
Ông Đức cho rằng, Techcross có nhiều cơ hội để đầu tư các dự án nước thải tại Hà Nội theo hình thức PPP và vị này đề xuất, Techcross có thể xem xét từ các dự án nhỏ nhất ở các khu đô thị (hiện các trạm xử lý nước thải cũng chưa đảm bảo yêu cầu), đến các dự án cấp quận, huyện; sau đó là các dự án cấp thành phố (liên vùng) - xử lý nước thải cho 5-7 quận huyện.
 
Nguồn: Nhàđầutư
 

 

: