Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi)

29/11/2019  
69

Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) 

Ngày 28/11/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), 29 Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất khu vực phía Bắc, các văn phòng Luật và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, theo chương trình của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) và dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2020. Trong quá trình thảo luận, hai dự thảo Luật nhận được sự quan tâm và thảo luận rất kỹ của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, chính vì vậy, với vai trò Cơ quan chủ trì soạn thảo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan thẩm tra của Quốc hội là Ủy ban Kinh tế tổ chức Hội thảo để tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp năm 2014 đã được thiết kế, xây dựng và thông qua trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013, tạo bước đột phá cho doanh nghiệp phát triển, không giới hạn quyền kinh doanh của các doanh nghiệp trừ các giới hạn trong Luật, chính sự thông thoáng, tích cực này đã tạo ra sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư trong và ngoài nước từ khi luật có hiệu lực năm 2015 đến thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, trong tình hình mới hiện nay đã xuất hiện những mô hình kinh tế mới như mô hình kinh tế chia sẻ mà Việt Nam không có khung khổ pháp lý để điều chỉnh, bên cạnh đó sự phát triển của khoa học công nghệ diễn ra nhanh chóng cũng đòi hỏi phải sửa đổi Luật để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Cùng với đó là việc chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn dẫn đến việc dịch chuyển các dòng vốn trên thế giới, sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia trong việc thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt ở các nước đang phát triển ở khu vực châu Á và châu Âu. Hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều có thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư của mình, điển hình như Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Trung Quốc.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó yêu cầu chọn lọc hơn các dự án đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao, có tác dụng lan tỏa đến sản xuất trong nước. Đây là những yếu tố rất quan trọng để làm căn cứ sửa đổi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo của Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để đưa ra những quan điểm mới, cơ chế, chính sách mới tại hai Dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua.

Trình bày những nội dung chính của Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cho biết, về việc quản lý con dấu của doanh nghiệp, một thay đổi cơ bản của Luật doanh nghiệp 2014 so với Luật doanh nghiệp 2005 là quy định về quản lý và sử dụng dấu của doanh nghiệp. Theo đó, cơ chế cơ quan cấp dấu cho doanh nghiệp đã được chuyển sang cơ chế doanh nghiệp tự làm dấu và tự quản lý việc sử dụng dấu của mình. Doanh nghiệp có quyền tự quyết số lượng con dấu, hình thức mẫu dấu, phương thức quản lý và sử dụng dấu, tự quyết định sử dụng dấu trong giao dịch dân sự. Thực tế, thay đổi trên đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực do xóa bỏ được nhiều bất cập trước đây trong quản lý con dấu của doanh nghiệp, như: tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp bị kéo dài và không thể giải quyết dứt điểm do con dấu bị chiếm giữ bởi một bên; giảm thiểu việc “lạm dụng” dấu dẫn đến giao dịch kinh doanh kém an toàn, thiếu tính khả thi do các bên bỏ qua việc nghiên cứu, tìm hiểu năng lực đối tác khi ký hợp đồng, mà đơn thuần chỉ dựa vào việc đóng dấu…

Đối với việc sửa đổi quy định về dấu doanh nghiệp (Điều 44) trong dự thảo Luật, theo ông Phan Đức Hiếu, dự thảo Luật chỉ bãi bỏ quy định về thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký doanh nghiệp. Sửa đổi này không phải là bãi bỏ hoàn toàn việc sử dụng dấu của doanh nghiệp mà chỉ tiếp tục khẳng định quyền tự quyết của doanh nghiệp trong việc có hoặc không có con dấu, quyết định sử dụng con dấu hoặc phương tiện điện tử khác thay thế, phù hợp với tính kinh doanh và mong muốn của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Việc bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu không chỉ có ý nghĩa trong việc cắt giảm chi phí không cần thiết mà còn giúp doanh nghiệp ý thức rõ ràng hơn trong việc sử dụng con dấu, gia tăng độ an toàn trong giao dịch kinh doanh, hội nhập tốt hơn vào thị trường quốc tế.

Về quy định tổ chức quản trị đối với doanh nghiệp có sở hữu Nhà nước, trong quá trình soạn thảo Luật, nhiều phương án khác nhau để xác định rõ tiêu chí doanh nghiệp có “cổ phần, phần vốn góp chi phối” của Nhà nước đã được Ban Soạn thảo phân tích, đánh giá tác động, so sánh và tham vấn, bao gồm: Phương án 1: lấy tiêu chí sở hữu trên 35% phần vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Phương án 2: lấy tiêu chí sở hữu trên 50% phần vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Phương án 3: lấy tiêu chí sở hữu trên 65% phần vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

So sánh lợi ích và tác động của 3 phương án nêu trên thì phương án 2 được đánh giá là hợp lý nhất vì theo quy định của Luật doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu trên 50% phần vốn góp hoặc cổ phần có quyền biểu quyết sẽ đảm bảo Nhà nước chủ động trong việc ban hành đa số quyết định thông thường của doanh nghiệp. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu này cũng vẫn đảm bảo quyền “chi phối” việc ra quyết định quan trọng khác. Ngoài ra, phương án được lựa chọn có một điểm tích cực hơn hẳn so với các phương án khác là tính tương thích với hệ thống quy định pháp luật hiện hành, bởi vì các quy định về giám sát, quản lý doanh nghiệp có phần góp vốn Nhà nước đã và đang phân loại, tiếp cận đối với doanh nghiệp có phần vốn nhà nước theo tiêu chí tương tự: dưới 50%, trên 50% và 100%. Đồng thời, tỷ lệ 50% phù hợp với cách phân loại doanh nghiệp nhà nước theo hiệp định thương mại, đầu tư mà Việt Nam đã tham gia như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Về quy định Hộ kinh doanh tại Chương VIIa, ông Phan Đức Hiếu cho biết, hộ kinh doanh không phải là nội dung mới hoàn toàn của Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Khoản 2, Điều 212 Luật doanh nghiệp 2014 đã quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh có quy mô nhỏ. Dựa trên điều này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có một chương quy định về đăng ký hộ kinh doanh. Xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định. Quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật được xây dựng trên nguyên tắc “Luật hóa”, hoàn thiện các quy định đã có về hộ kinh doanh đang được quy định tại Điều 212 Luật doanh nghiệp và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP. Nội dung quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật đã được tham vấn nhiều lần và đánh giá tác động kỹ lưỡng.Việc bổ sung quy định về Hộ kinh doanh không phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay và không làm phát sinh thủ tục hành chính. Các hộ kinh doanh đang hoạt động không phải đăng ký lại hoặc không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoạt động đã được cấp. Ngược lại, các quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật sẽ bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích của chính hộ kinh doanh và các bên có liên quan, thúc đẩy hộ kinh doanh phát triển hết tiềm năng và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế. Đồng thời, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng hơn cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Về dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi), Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Quách Ngọc Tuấn cho biết, mục tiêu sửa đổi Luật đầu tư nhằm hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh. Cắt giảm các ngành, nghề không cần thiết, không hợp lý nhằm bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh trong những ngành, nghề Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Đồng thời, đảm bảo sự đồng bộ, minh bạch, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật đầu tư và các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là các luật về đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường,… Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả thu hút đầu tư, quản lý nhà nước về đầu tư.

Dự thảo đã sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều và bãi bỏ 2 điều của Luật đầu tư năm 2014. Một số nội dung quan trọng của dự thảo Luật gồm: cấm đầu tư kinh doanh, đầu tư kinh doanh có điều kiện, bảo đảm thống nhất, đồng bộ của Luật đầu tư với các luật có liên quan, bảo đảm ưu đãi đầu tư, thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, chủ trương đầu tư và thực hiện điều chỉnh, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

Dự thảo luật bãi bỏ danh mục quy định về chất ma túy và tiền chất; danh mục hóa chất, khoáng vật độc hại và danh mục động vật, thực vật hoang dã (Phụ lục 1, 2, 3 ban hành kèm theo Luật đầu tư 2014) và giao Chính phủ quy định chi tiết các Danh mục này. Dự thảo Luật bãi bỏ 12 ngành nghề, bổ sung 6 ngành, nghề và sửa đổi 19 ngành nghề.

Về điều kiện kinh doanh áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, tại Dự thảo quy định về danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm: ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường; ngành nghề được tiếp cận thị trường có điều kiện. Ngoài Danh mục nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận như doanh nghiệp trong nước. Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ và các luật, pháp lệnh, Điều ước quốc tế về đầu tư, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài.

Về ưu đãi đầu tư, dự thảo Luật đề xuất mở rộng cơ chế khuyến khích đầu tư để thu hút đầu tư có chọn lọc dựa trên kết quả đầu ra, khuyến khích đầu tư R&D, sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành; dự án đầu tư của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bổ sung ưu đãi vượt trội, linh hoạt đối với các dự án có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, bổ sung hình thức hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sáng nhà nước…

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao nội dung của hai dự thảo và bày tỏ cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo được Ban Soạn thảo đưa ra. Đồng thời bổ sung ý kiến làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến khái niệm doanh nghiệp nhà nước trong dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi), khái niệm về khu công nghiệp trong Luật đầu tư (sửa đổi); tỉ lệ cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước; trách nhiệm của chủ tịch hội đồng thành viên; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện; quy định về hộ kinh doanh, con dấu…

Kết luận Hội thảo, Đại diện cho Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá cao ý kiến của đại diện các cơ quan quản lý chuyên ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Các ý kiến góp ý đều rất cụ thể, đi vào các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, cũng như đưa ra các vấn đề xuất phát từ kinh nghiệm quản lý thực tiễn. Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các cuộc hội thảo để lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý hoàn thiện hai dự thảo luật để khi Luật được ban hành có thực tiễn, đi vào cuộc sống. Đồng thời, nhằm đảm bảo thúc đẩy môi trường đầu tư cạnh tranh bình đẳng, minh bạch để thu hút đầu tư, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam./.

: