Việt Nam - Ấn Độ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phát triển đô thị thông minh

13/10/2020  
129

Việt Nam - Ấn Độ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phát triển đô thị thông minh Nhằm tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sáng 8/10, tại Hà Nội, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức tọa đàm “Hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thành phố thông minh".  

Tọa đàm “Hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thành phố thông minh". (Ảnh: Thu Lan) Đại diện một số Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam; đại diện Đại sứ quán Ấn Độ cùng một số doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và các giải pháp phát triển đô thị thông minh có trụ sở tại Việt Nam đã tham dự buổi tọa đàm. Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho biết, trong năm 2015, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai chương trình chủ lực mang tên "Chiến lược chuyển đổi số Ấn Độ" với tầm nhìn hướng tới việc chuyển đổi Ấn Độ thành một xã hội số hóa và một nền kinh tế tri thức. Chương trình này tập trung vào tầm nhìn chiến lược đưa cơ sở vật chất số hóa trở thành một tiện ích chính cho mọi công dân. Bên cạnh việc hỗ trợ các dự án, chương trình khởi nghiệp, Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để chuyển đổi cơ cấu với mục tiêu cung cấp thông tin và dịch vụ tới người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đại sứ Pranay Verma nhấn mạnh, vào năm 2020, khi mà cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn mọi hoạt động, công nghệ thông tin đã trỗi dậy và trở thành công cụ có tính ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực như: quản trị, công nghệ tài chính, giáo dục, kinh doanh, công việc văn phòng và kết nối xã hội.

Đại sứ Pranay Verma phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Thu Lan) Đại sứ Pranay Verma nhận định, Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia phát triển mạnh về ngành công nghệ thông trong khu vực ASEAN. Vào tháng 6 năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việt Nam đặt mục tiêu nâng đóng góp của nền kinh tế số vào GDP lên 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, và đưa Việt Nam vào top 3 các quốc gia hàng đầu ASEAN về Chính phủ số vào năm 2030. Việt Nam cũng lên kế hoạch khởi động Mạng di động 5G trong thời gian tới. Đại sứ Pranay Verma cho rằng, trong bối cảnh đó, công nghệ thông tin đang trở thành một lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng giữa hai nước. Rất nhiều các công ty công nghệ thông tin của Ấn Độ cũng đã có mặt ở Việt Nam và cung cấp dịch vụ đào tạo công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ thông tin và các dịch vụ khác, đặc biệt là trong các ngành ngân hàng, viễn thông, an ninh mạng. Một số công ty khởi nghiệp cũng đã có mặt tại Việt Nam và hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính và công nghệ du lịch. Ông hy vọng, buổi tọa đàm lần này sẽ là cơ hội để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu, giao lưu và mở ra những cơ hội hợp tác mới đầy tiềm năng trong tương lai gần. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi nhiều ý kiến xoay quanh nội dung thúc đẩy hợp tác song phương giữa doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực khởi nghiệp, công nghệ thông tin và phát triển đô thị thông minh.

Đại diện doanh nghiệp hai nước ký kết hợp tác trong lĩnh vực phát triển thành phố thông minh. (Ảnh: Thu Lan) Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, thách thức lớn nhất khiến mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước chưa thực sự đạt được hiệu quả chính là do doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều thông tin cũng như chưa hiểu rõ về tiềm năng, lợi thế và trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Ấn Độ. Hiện nay, mối quan hệ giữa hai nước rất tốt đẹp nhưng mới chỉ dừng lại ở lĩnh vực chính trị, xã hội, ngoại giao…Hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai nước còn nhiều hạn chế, những sản phẩm của Ấn Độ hiện diện tại thị trường Việt Nam còn chưa nhiều. Do vậy, Ấn Độ cần đẩy mạnh triển khai các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hơn về tiềm năng và thế mạnh của Ấn Độ trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển đô thị thông minh, khởi nghiệp, y tế… Các doanh nghiệp Ấn Độ hy vọng, sau buổi tọa đàm lần này, doanh nghiệp hai nước sẽ có cơ hội phối hợp triển khai các chương trình hợp tác xây dựng nhiều dự án như: thành phố thông minh, bệnh viện thông minh, trường học thông minh, trung tâm giải trí thông minh, ngôi làng thông minh… Phía doanh nghiệp Ấn Độ cũng mong muốn được mời các doanh nghiệp Việt Nam đến tham quan, khảo sát thực tế và làm việc tại Ấn Độ để có thể tìm hiểu những tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp Ấn Độ, từ  đó có thể mở ra các cơ hội hợp tác giữa hai bên. Cuối buổi tọa đàm đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Invest Global (Trung tâm thông tin và tư vấn đầu tư của Hiệp hội các doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài - VAFIE) và Công ty Spatial Decision của Ấn Độ trong lĩnh vực phát triển thành phố thông minh (Smart City)./. Nguồn: ĐCSVN

: