Bộ trưởng KH&ĐT nói về 5 quan điểm mới của Quy hoạch tổng thể quốc gia

2/11/2022  
110

Để khắc phục tính dàn trải, định hướng quy hoạch quốc gia được xây dựng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên phát triển 4 vùng động lực quốc gia và 4 cực tăng trưởng.

Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam nên được coi là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là vấn đề rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ. Sau khi Hội nghị Trung ương 6 dành 2 buổi thảo luận về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo, đã tiếp thu và đang hoàn thiện thêm một bước trước khi báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét. Trao đổi với Zing, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải thích kỹ nhiều định hướng mới, quan trọng trong dự thảo lần này.

Định hình khung hạ tầng và không gian phát triển quốc gia Tổng bí thư nhấn mạnh "Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ hoàn toàn mới, rất khó, rất cần thiết và cấp bách". Trước thực tế vừa qua xuất hiện nhiều vấn đề bất cập, gây bức xúc dư luận liên quan đến quy hoạch các cấp, Bộ trưởng đánh giá thế nào về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia lần này? Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Luật Quy hoạch năm 2017 đã thiết lập hệ thống quy hoạch quốc gia gồm 111 quy hoạch từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia, thay thế cho 3.654 quy hoạch cùng cấp trong thời kỳ trước đây (2011-2020), tương ứng với việc cắt giảm 97% số lượng các loại quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên.

Trong hệ thống quy hoạch quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia có vị trí trung tâm, vai trò nền tảng, là cơ sở để lập các quy hoạch khác. Quy hoạch tổng thể quốc gia có 2 nhiệm vụ chính. Trước hết là sắp xếp, tổ chức không gian phát triển dài hạn của đất nước, bao gồm các hạ tầng khung quốc gia như cảng biển và cảng hàng không cửa ngõ quốc gia; các trục kết nối, hành lang kinh tế, các vùng động lực và cực tăng trưởng, từ đó tạo ra không gian phát triển mới và động lực phát triển mới. Dựa vào những khung định hướng này, chúng ta sẽ có tầm nhìn mới về không gian phát triển của đất nước trong 30-50 năm tới. Đây là việc rất khó và phức tạp.

Bộ trưởng KH&ĐT nói về 5 quan điểm mới của Quy hoạch tổng thể quốc gia

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Hoàng Hà.

Tiếp theo, đó là căn cứ và cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển xã hội, bao gồm kế hoạch đầu tư công, 5 năm và hàng năm. Ngoài việc được coi là công cụ quản lý hữu hiệu, Quy hoạch tổng thể quốc gia còn là cơ sở để quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia cũng như để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh. Để đạt được mục tiêu đề ra, dự kiến nguồn lực để thực hiện Quy hoạch trong thời kỳ 2021-2030 là khoảng 48,3 triệu tỷ đồng, tương đương 35% GDP thông qua huy động tối đa các nguồn lực bao gồm: Nguồn lực Nhà nước; đầu tư tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công - tư; vay vốn nước ngoài.

Là cơ quan được giao chủ trì xây dựng dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối diện thách thức, áp lực gì trong việc xây dựng một nhiệm vụ được đánh giá chưa từng có tiền lệ, khó và nhạy cảm? Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đúng như Tổng bí thư đã nói, đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới và cũng vì hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, có ít kinh nghiệm quốc tế để tham khảo, nên đây là nhiệm vụ rất khó, nhiều thách thức. Trong quá trình thực hiện, phải xác định đúng phạm vi của Quy hoạch tổng thể quốc gia với vai trò là cầu nối giữa chiến lược và kế hoạch. Một mặt, phải đảm bảo quy hoạch tổng thể quốc gia không quá khái quát, mặt khác lại không quá chi tiết, để tránh trùng lặp, chồng chéo với hệ thống quy hoạch cấp dưới. Bên cạnh đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải bảo đảm hài hòa giữa các mối quan hệ lớn: Phát triển nhanh với phát triển bền vững, bao trùm; giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa xây dựng nền kinh tế tự chủ với tăng cường kết nối kinh tế quốc tế; giữa phát triển có trọng tâm, trọng điểm với thúc đẩy phát triển một số địa bàn khó khăn.

 
Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ giúp đất nước phát triển nhanh, bền vững, vượt qua được các thách thức, tận dụng được tất cả cơ hội

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Ngoài ra, quy hoạch này còn phải bảo đảm xử lý mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch của các ngành, địa phương; bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống trong phát triển các ngành và vùng, đặt lợi ích tổng thể quốc gia lên cao nhất. Thời gian đến mốc đặt ra không còn nhiều, trong khi đất nước đang đối diện với nhiều thách thức từ cả bên ngoài và những khó khăn nội tại. Những yếu tố này tạo nên áp lực rất lớn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi vừa phải đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng yêu cầu, nhưng vừa phải đảm bảo chất lượng, mà chất lượng phải là hàng đầu. Có như vậy, Quy hoạch tổng thể quốc gia mới giúp đất nước phát triển nhanh, bền vững, vượt qua được các thách thức, tận dụng được tất cả cơ hội, lợi thế, tiềm năng của các vùng miền, các ngành, các lĩnh vực.

Phát triển 4 vùng động lực quốc gia và 4 cực tăng trưởng Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp tại Hội nghị Trung ương 6, dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia có những định hướng lớn mang tư tưởng mới nào, thưa Bộ trưởng? Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định một số quan điểm mới, tầm nhìn mới, nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới và giá trị mới. Quy hoạch xác định 5 quan điểm mới về tổ chức không gian phát triển của đất nước, trong đó có lưu ý không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên toàn quốc; phát triển có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức các vùng, hành lang kinh tế… Quan điểm mới này tạo ra những giá trị mới, động lực mới, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển. Đáng chú ý là việc phát triển 4 vùng động lực quốc gia và 4 cực tăng trưởng.

Bộ trưởng KH&ĐT nói về 5 quan điểm mới của Quy hoạch tổng thể quốc gia
Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất được lựa chọn để hình thành các vùng động lực quốc gia, bao gồm: Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; tứ giác TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu; Vùng ven biển Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi; và tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang (bao gồm cả Phú Quốc). 4 cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.
 
4 cực tăng trưởng tương ứng với 4 vùng động lực quốc gia là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Bên cạnh đó, quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên. Trong giai đoạn sau năm 2030; nghiên cứu bổ sung địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Sóc Trăng vào vùng động lực quốc gia khi có điều kiện phù hợp. Quy hoạch này cũng định hướng hình thành 2 vành đai về công nghiệp, đô thị, dịch vụ, xung quanh đường vành đai 3, vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội và TP.HCM; phát triển 2 hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở các trục giao thông Bắc - Nam và 8 hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối các cửa khẩu quốc tế, trung tâm công nghiệp - đô thị, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đầu mối giao thương lớn với các cảng hàng không và cảng biển.

Từ nay tới năm 2030, nhiệm vụ ưu tiên là hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế, là hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông cùng 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu. Trong quá trình triển khai thực hiện, một số hành lang kinh tế Đông - Tây ưu tiên khác sẽ được nghiên cứu bổ sung. Bên cạnh việc nhấn mạnh hành lang kinh tế dọc theo hành lang giao thông Bắc - Nam, quy hoạch sẽ mở rộng không gian phát triển công nghiệp sang phía tây của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, để giảm áp lực sử dụng đất lúa và đất đồng bằng, tận dụng tài nguyên đất đang có nhiều dư địa ở khu vực phía tây.

Phải có nơi dẫn dắt, tiên phong Lần này, việc xác định và định hướng phát triển cho các vùng động lực, cực tăng trưởng; hình thành các trục và hành lang kinh tế đặc biệt được Trung ương nhấn mạnh. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa Bộ trưởng? Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trước đây, trong quá trình phát triển, chúng ta có hạn chế là chưa tập trung nguồn lực, tận dụng được những khu vực có lợi thế để đi trước dẫn dắt, giữ vai trò tiên phong, lan tỏa, tạo động lực và hiệu ứng nhằm đóng góp lớn cho sự phát triển. Do điều kiện và hoàn cảnh, chúng ta phải cân đối giữa các vùng miền, các nhiệm vụ, lĩnh vực, ngành nghề nên chưa tập trung được. Đó là một hạn chế và sẽ được khắc phục khi xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia. Lần này, chúng ta thay đổi quan điểm theo hướng tập trung vào các vùng kinh tế trọng điểm. Trong vùng kinh tế trọng điểm sẽ hình thành các vùng động lực - nơi có điều kiện, lợi thế về hạ tầng, về con người, về vị trí địa lý… để có thể vượt lên đi trước, dẫn đầu, đóng góp lớn cho đất nước.

 
Nguồn lực mà phân tán, dàn trải sẽ triệt tiêu hết động lực phát triển. Đó là lý do chúng ta phải thay đổi

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Phát huy hết tiềm năng của những vùng này sẽ đóng góp lớn cho nền kinh tế của cả nước và khi đó, kinh tế cả nước sẽ có sự điều chỉnh đối với các vùng miền, ngành nghề, lĩnh vực khác. Nguồn lực mà phân tán, dàn trải hoặc trải đều sẽ triệt tiêu hết động lực phát triển, không có trọng tâm, trọng điểm phát triển. Đó là lý do chúng ta phải thay đổi, tức là vừa hướng đến hài hòa nhưng phải có những vùng dẫn dắt, đi trước.

Ông từng ví von công tác quy hoạch như người công binh mở đường. Vì sao ông lại liên tưởng hình ảnh này khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia? Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng ta muốn làm gì thì trước hết cần phải biết mình đi về đâu. Ví dụ bạn muốn đến một điểm nào đó, nếu định hướng đúng đường bạn sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và cơ hội. Còn nếu không, bạn sẽ mất tiền, mất thêm chi phí và cơ hội để làm việc khác. Quy hoạch cũng như vậy, nó mang tính quyết định như một người mở đường, người dẫn dắt để giúp chúng ta hình dung được ta sẽ đi về đâu, bao giờ đến, đến bằng cách nào.

 
Làm quy hoạch giống như người công binh mở đường. Chọn đúng hướng đi sẽ xác định được mục tiêu, đích đến, giúp chúng ta đi nhanh, đi bền vững

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Vì lẽ đó, thực hiện công tác quy hoạch giống như nhiệm vụ của người công binh, nếu mở đường tốt, chọn đúng hướng đi, có phương pháp đi, xác định được mục tiêu, đích đến thì chúng ta sẽ đi nhanh, đi bền vững, đạt được mục tiêu. Nếu không, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội, thậm chí phải trả giá rất đắt nếu không đi đúng. Tắc nghẽn giao thông, chung cư mọc lên như nấm nhưng hạ tầng không theo kịp, xây dựng quá nhiều nhà cao tầng nhưng lại "quên" trường học, bệnh viện… đang là những vấn đề nhức nhối trong quy hoạch ở 2 thành phố lớn nhất cả nước. Những điều này được tính toán giải quyết thế nào khi xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia? Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Những vấn đề này đúng là bất cập, nhưng nằm ở quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương. Song, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia lần này cũng có định hướng ưu tiên, tập trung hạ tầng kết nối nội vùng và liên vùng, kết nối với các vùng động lực, cảng biển, sân bay, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị… ở các thành phố lớn.
Bộ trưởng KH&ĐT nói về 5 quan điểm mới của Quy hoạch tổng thể quốc gia

Quy hoạch tổng thể quốc gia phát triển 4 vùng động lực quốc gia và 4 cực tăng trưởng. Ảnh: Hoàng Hà.

Thách thức lớn nhất của Hà Nội và TP.HCM hiện nay là tắc nghẽn giao thông, ngập úng, ô nhiễm môi trường… Khi hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không theo kịp, khi dân số cơ học tăng lên quá nhanh, nhân lực nhiều ngành nghề của các địa phương dồn về, thì tất yếu chung cư mọc lên ngày càng nhiều, ùn tắc ngày càng trầm trọng, môi trường ngày càng ô nhiễm. Điều này sẽ làm giảm cơ hội và cản trở sự phát triển. Nếu không làm quy hoạch nhanh, làm quy hoạch sớm thì sau này chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt. Vì vậy, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia đang được tiến hành rất khẩn trương. Dựa trên ý kiến góp ý của Trung ương, chúng tôi sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội tại kỳ họp bổ sung, dự kiến diễn ra tháng 12 tới.

Xin cảm ơn Bộ trưởng! (Theo Zing)

: