


Nguồn tổng hợp: Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tổng cục Hải quan - Dữ liệu: N.AN

Có mặt nhiều "ông lớn", đủ ngành nghề
Ông Ted Osius cho biết tổng số doanh nghiệp tham gia hai phái đoàn là hơn 50 thuộc mọi ngành, từ năng lượng, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất, công nghệ thông tin đến y tế, hậu cần, du lịch, hàng không vũ trụ và quốc phòng. Một số công ty trong số này sẽ đưa lãnh đạo cao cấp nhất của họ tới Việt Nam và tham dự cả hai phái đoàn. Ngoài các "ông lớn" của Mỹ như Apple, Coca-Cola và PepsiCo, phái đoàn lần này cũng sẽ bao gồm các doanh nghiệp tầm cỡ "đại bàng" như SpaceX, các công ty bán dẫn, những "gã khổng lồ dược phẩm" như Pfizer và Johnson & Johnson, nhà sản xuất thiết bị y tế Abbott, công ty tài chính Visa và Citibank, các công ty Internet và điện toán đám mây Meta và Amazon Web Services. Boeing, Lockheed Martin và Bell cũng góp mặt và sẽ có các cuộc gặp với một số doanh nghiệp quốc phòng Việt Nam.Làm gì để đón FDI chất lượng cao sang "làm tổ"?

Tập đoàn Space X cùng nhiều doanh nghiệp Mỹ tìm hiểu thị trường Việt Nam - Ảnh: website Nasa
Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ về đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam lần này, ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho hay đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lúc này có nhiều lý do, trong đó có yếu tố quan hệ địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi theo hướng đa cực.
Có một thực tế hiện nay đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam còn thấp, trong khi nhiều doanh nghiệp Mỹ lại cho biết vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam không thấp như con số thống kê vì nhiều doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam thông qua một nước thứ ba.
Cụ thể một số tập đoàn Mỹ đã lập doanh nghiệp ở Singapore, Hong Kong hoặc các nước châu Âu để gián tiếp đầu tư vào Việt Nam.
Và có thể nhân thời điểm áp thuế tối thiểu toàn cầu (sẽ không còn ưu đãi thuế dưới 15%), các doanh nghiệp Mỹ muốn tìm tới Việt Nam để đầu tư trực tiếp luôn chứ không qua trung gian như trước đây.
Môi trường đầu tư đang có nhiều thay đổi khi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2024, hầu hết các tập đoàn Mỹ đến Việt Nam lần này có doanh thu rất lớn, thuộc diện áp thuế tối thiểu toàn cầu, chịu chi phối bởi loại thuế này với mức tối thiểu là 15% lợi nhuận kinh doanh.
Loại thuế mới này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới luồng đầu tư toàn cầu, vì thế các tập đoàn hàng đầu của Mỹ phải đi thăm dò địa điểm mới bởi khi áp thuế tối thiểu toàn cầu, nếu các tập đoàn Mỹ đầu tư vào các thiên đường thuế (có ưu đãi thuế gần như bằng 0) sẽ không còn ý nghĩa nữa.
Chắc chắn môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ tốt hơn các thiên đường thuế vì cho dù đến Việt Nam, các nhà đầu tư Mỹ cũng sẽ phải đóng 15% thuế tối thiểu toàn cầu nhưng họ hy vọng Việt Nam sẽ có những chính sách ưu đãi ngoài những ưu đãi thuế. (Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2023 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định Việt Nam sẽ tham gia thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024).
Theo ông Toàn, đây là xu hướng tốt vì chúng ta loại bỏ ưu đãi thuế với doanh nghiệp FDI và tránh được cuộc cạnh tranh xuống đáy, đua nhau giảm ưu đãi thuế. Khi không còn ưu đãi thuế Việt Nam buộc phải cạnh tranh thu hút đầu tư FDI bằng môi trường đầu tư tốt hơn, cơ chế thông thoáng hơn, nguồn nhân lực chất lượng cao hơn, hạ tầng tốt hơn.
Đây là cú hích buộc chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận đầu tư FDI và chỉ có như vậy chúng ta mới có được đầu tư FDI chất lượng cao.
Các nhà đầu tư lớn của Mỹ tới Việt Nam tìm cơ hội đầu tư là dịp rất tốt nhưng vấn đề là chúng ta phải cam kết thay đổi môi trường đầu tư thực sự tốt để các nhà đầu tư yên tâm.
Ngoài những lợi thế lâu nay như vị trí địa lý, ổn định chính trị, lợi thế về thị trường, hội nhập, chúng ta cần thay đổi các yếu tố khác như thủ tục hành chính, đặc biệt là nâng chất nguồn nhân lực.
Doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam đầu tư sẽ không mang theo nguồn nhân lực của họ như các nước khác nên chúng ta phải chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực nếu muốn đón được dòng vốn FDI chất lượng cao từ các "đại bàng" sang "làm tổ".
