GS-TSKH Nguyễn Mại: 'Cần một cách tiếp cận mới với năng lượng tái tạo' Thay vì nhiệt điện ảnh hưởng tới môi trường và phụ thuộc nguồn nhập khẩu, thì Việt Nam có tiềm năng rất lớn với năng lượng tái tạo. Tuy nhiên quá trình phát triển những năm vừa qua tăng ồ ạt về số lượng, nhưng lại thiếu đồng bộ, là bài học đắt giá cần khắc phục trong giai đoạn tới.
GS-TSKH Nguyễn Mại
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý đề xuất của Bộ Công thương bổ sung 91 dự án điện gió vào Quy hoạch điện VII, với lo ngại các dự án nhiệt điện chậm tiến độ sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu điện trong những năm tới. Diễn biến này cho thấy quan điểm ủng hộ của Chính phủ về phát triển năng lượng tái tạo. Sau 4 năm từ Quy hoạch điện VII bổ sung, năng lượng tái tạo đã trở thành một ngành "hot" ở Việt Nam, thu hút hàng trăm nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Bên cạnh những kết quả tích cực, còn tồn tại không ít bất cập mà công luận, trong đó có Nhadautu.vn đã nhiều lần phản ánh.
Để mang tới cái nhìn sâu sắc hơn, Nhadautu.vn đã có buổi trao đổi với GS -TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).
Ông đánh giá thế nào về ý kiến của Bộ Công thương là Việt Nam sẽ thiếu điện trầm trọng trong những năm tới?
GS-TSKH Nguyễn Mại: Mới đây, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đưa ra cảnh báo một lần nữa rằng năm 2021 có thể sẽ thiếu điện. Vậy ý kiến của người đứng đầu Bộ Công thương có đáng lo ngại? Năm nay chắc chắn tốc độ tăng trưởng sẽ giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, chỉ đạt khoảng 4-4,5%. Tuy nhiên, theo dự báo của IMF thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 sẽ quay lại, đạt khoảng 7%, có nghĩa là chúng ta cũng phải tăng 50% tốc độ phát triển năng lượng so với năm 2020. Tôi lo ngại rằng ngay từ trong năm nay khi chúng ta vẫn dựa chủ yếu vào năng lượng truyền thống là điện than thì nguy cơ giá điện tăng cao và thiếu điện đã là hiện hữu.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập 45 triệu tấn than và cả năm có thể tới 100 triệu tấn than. Đây là chuyện đại sự với 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, chúng ta nhập khẩu than chính từ 3 nước là Nga, Indonesia, Australia. Chắc chắn rằng các nước này đều hiểu rằng khai thác than là bất lợi với phát triển bền vững, gây ảnh hưởng lớn tới môi trường. Tôi nghi ngờ về khả năng chúng ta có thể đủ than để nhập trong thời gian tới.
Tiếp theo là 5 tháng đầu năm Việt Nam nhập được than với giá rẻ do kinh tế suy thoái, nhưng liệu sau khi kinh tế thời giới được phục hồi thì giá than sẽ ra sao? Theo quy hoạch hiện nay thì điện than chiếm khoảng 50% trong tổng lượng điện cung cấp thì chắc chắn giá điện sẽ tăng cho dù Chính phủ có muốn hay không. Và không ai có thể cam kết với người dân rằng giá than của 3 nước trên sẽ không tăng trong năm 2021
. Nguyên nhân nữa là nhập khẩu một lượng than lớn cũng cần phải tính tới yếu tố vận tải, lưu trữ. Chưa có bộ nào nghĩ tới việc làm sao để trung chuyển được 100 triệu tấn than nhập khẩu này mà không gặp bất cứ vấn đề gì về giao thông, môi trường. Tất cả những vấn đề trên đều gây lo ngại về an ninh năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới.
Vậy làm sao để giải được bài toán thiếu điện, thưa ông?
GS-TSKH Nguyễn Mại: Trở lại câu chuyện cơ cấu điện, Việt Nam được đánh giá là đất nước có nguồn năng lượng sạch phong phú và dồi dào. Chúng ta mới nói tới hai nguồn là gió, mặt trời. Trong khi đó nhiều nước đã nghĩ tới năng lượng thuỷ triều – cũng là một lợi thế của Việt Nam khi có đường bờ biển dài. Vấn đề là quan điểm tiếp cận. Hiện nay chúng ta vẫn bê nguyên cách tiếp cận cũ của năng lượng truyền thống vào phát triển năng lượng tái tạo. Điều này làm hạn chế không nhỏ năng lượng tái tạo. Tôi lấy ví dụ đơn giản là 1.000MW năng lượng tái tạo tăng lên thì tương ứng với 1.000MW nhiệt điện được giảm xuống, đồng nghĩa với những lợi ích về môi trường, tránh rủi ro về nguồn cung, ngoại tệ nhập khẩu.
Vậy phần chi phí lợi ích đó cần được quay lại khuyến khích năng lượng tái tạo. May mắn cho Việt Nam là khi tiếp cận điện gió, điện mặt thời thì công nghệ của thế giới đã thay đổi. Trước đây để sản xuất được 1.000 MW điện mặt trời thì phải mất tới 2 tỷ USD, nhưng nay giá thành đã giảm xuống còn khoảng 1,3 tỷ USD và có thể giảm sâu hơn nữa, nhờ đó mà giá điện giảm từ 9,35 cent/kWh xuống còn 7,09 cent/kWh. Giai đoạn đầu tư ban đầu chúng ta khuyến khích để đua nhau thực hiện phát điện gió, điện mặt trời ở những nơi nhiều năng lượng như Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên, chúng ta còn muốn phát triển ở cả những vùng không thuận lợi.
Đang có hai quan điểm trái chiều nhau về việc tính giá nào cho điện tái tạo, lấy nơi khó khăn nhất để tính giá hay lấy nơi có điều kiện thuận lợi. Nếu phát triển Ninh Thuận, Bình Thuận thành trung tâm điện gió lớn và phục vụ cả nước thì cũng cần tính tới chi phí truyền tải ra miền Bắc hoặc lên vùng sâu vùng xa. Thực tế cho thấy cách tiếp cận với năng lượng tái tạo hiện nay không đồng bộ, thiếu hệ thống và không dài hạn. Định hướng của Việt Nam là tiếp tục phát triển mạnh năng lượng sạch, tuy nhiên tôi cho rằng cần đánh giá lại toàn diện những kết quả tích cực cũng như các tồn tại để mở ra môi trường tối ưu cho năng lượng tái tạo trong thời gian tới, hạn chế hiện tượng xin-cho dự án, bảo đảm an ninh quốc gia, tính tới những nguồn khác như điện thuỷ triều hay điện rác.
Dư luận đang lo ngại về vấn đề an ninh quốc phòng, khi các dự án năng lượng tái tạo sử dụng diện tích đất/ biển rất lớn. Tuy nhiên có không ít dự án đã được bán cho nước ngoài, kể cả ở vị trí biên giới. Ông đánh giá thế nào?
GS-TSKH Nguyễn Mại: Sau dịch COVID-19 việc đứt gãy các chuỗi giá trị toàn cầu cho thấy sự lệ thuộc vào một thị trường là nguy cơ cho bất cứ nền kinh tế nào, kể cả các quốc gia mạnh như Mỹ. Vì thế nên có 2 giải pháp. Một là thiết lập chuỗi cung ứng trong nước, mặc dù sẽ đắt đỏ hơn nhưng an toàn hơn. Đó là xu thế mới và Việt Nam cũng phải làm. Giải pháp thứ hai rất đáng lưu ý và cần có chủ trương rõ ràng như Quốc hội Mỹ đã thông qua kiểm tra, kiểm soát FDI bằng cách cơ quan kiểm toán Mỹ hoàn toàn có quyền vào doanh nghiệp FDI để kiểm toán nếu phát hiện thấy có ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng Mỹ. Nhật Bản cũng công bố những nhà đầu tư có ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng thì chỉ 1% vốn điều lệ cũng phải báo cáo và được sự chấp thuận của Thủ tướng. Thời điểm hiện tại, các quốc gia đã thấy an ninh quốc phòng rất quan trọng.
Việt Nam không chỉ giống thế giới mà còn có nguy của chúng ta. Đó là những vấn đề ở biển Đông là không khi nào không dậy sóng. Chúng ta có mối quan tâm hiện hữu ở biên giới phía Bắc. Mặc dù Asean là một khối nhưng lợi ích của từng nước với các nước lớn không phải lúc nào cũng thống nhất, đồng thuận với lợi ích Việt Nam. Chúng ta luôn phải đề cao cảnh giác ngay cả khi đón dòng dịch chuyển đầu tư từ các nước. Với tất cả kinh nghiệm, bài học xương máu từ đối đầu và hợp tác thì Việt Nam phải vừa thu hút đầu tư nước ngoài vào điện sạch, ngoài chủ trương tỉnh táo lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư vào vùng này hay vùng khác thì phải có chỉ đạo theo tiêu chí an ninh quốc phòng cụ thể và quán triệt tới từng địa phương. Trước đây khi có luật Đầu tư, Ban Bí thư đã có chỉ thị rất rõ ràng rằng nơi nào được đưa nhà đầu tư nước ngoài đến, nơi nào cấm thì bây giờ cũng vậy.
Chúng ta không thể hô hào chung chung rồi khi địa phương đã ký kết với đối tác rồi mới quay lại xử lý. Cần làm rõ dự án nào thì người nước ngoài được tham gia và tham gia bao nhiêu phần trăm, dự án nào cần đảm bảo quyền kiểm soát của Việt Nam. Việc núp bóng nước ngoài là vấn đề hiện hữu, nhức nhối. Tuy nhiên tôi cho rằng nếu làm quyết liệt, chúng ta hoàn toàn làm được để đảm bảo an ninh quốc phòng. Quan trọng là hướng dẫn cụ thể cho địa phương để họ biết nơi nào làm được, bàn bạc với đối tác nào về dự án gì phải cụ thể, không thể để chỉ một ông Chủ tịch tỉnh có thể ra quyết định cho tất cả các dự án FDI như hiện nay.
Theo ông những chỉ dẫn cụ thể nêu trên nên được quy định trong Luật hay dưới dạng Nghị định, Thông tư?
GS-TSKH Nguyễn Mại: Chỉ cần một Nghị định về Chiến lược năng lượng mới, chiến lược an ninh năng lượng của Chính phủ về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là đủ. Nghị định này không trái với luật vì chúng ta có đủ cơ sở luật pháp để cho ra đời một nghị định như vậy, cũng không sợ vi phạm cam kết WTO hay các FTA. Nghị quyết về an ninh năng lượng quốc gia sẽ giúp công khai, minh bạch hoạt động đầu tư năng lượng tái tạo, khâu đấu thầu sẽ gồm vốn tư nhân trong nước, vốn tư nhân nước ngoài, và cả phần vốn mồi của Chính phủ. Hiện nay đầu tư dự án năng lượng sạch đang vướng nhất là quy hoạch nên diễn ra tình trạng muốn làm thì phải chạy quy hoạch. Tại sao chúng ta không làm quy hoạch ngành trong đó có năng lượng tái tạo.
Cần có một Big Data là hệ thống mở để tất cả đều có thể cùng tiếp cận. Nhược điểm lớn nhất ở ta là hiện mỗi bộ đều có hệ thống dữ liệu rất tốt nhưng lại không công khai và cũng không chia sẻ cho ai. Chúng ta đã có điều kiện cần, chỉ cần điều kiện đủ là một hệ thống quan điểm phù hợp. Ví dụ các nhà đầu tư đâu cần mất nhiều tháng để tiến hành đo gió, mặt trời, trong khi chúng ta có cả một Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn với bao nhiêu con người và thường xuyên đo đạc, cập nhật số liệu cơ mà.
Từ khi phát triển điện mặt trời, điện gió có tình trạng cả trăm dự án nhưng nhiều doanh nghiệp không tên tuổi, không có tiềm lực vẫn xin được dự án. Tuy nhiên, xin xong họ lại bán dự án kiếm lời. Hiện chưa có ràng buộc gì về hình thức đầu tư này. Vậy theo ông làm sao để hạn chế được tình trạng nêu trên?
GS-TSKH Nguyễn Mại: Cái đó là phổ biến từ năm 2007, khi năm 2006 Thủ tướng ký phân cấp, giao cho các địa phương tự quyết định đầu tư, quản lý. Năm 2007 vốn đầu tư đăng ký tăng lên 72 tỷ USD – con số chưa từng có và cũng chưa bao giờ đạt lại đỉnh này. Trong đó một nửa là dự án ma. Vì các tỉnh được quyền và trên Bộ cũng không ai kiểm soát nên ai vào ông cũng trải chiếu hoa. Ngay sau đó, trong vòng 2008, 2009 thì phải điều chỉnh xuống hơn 40 tỷ USD. Bài học rút ra ở đây là phân cấp xuống các tỉnh là chủ trương đúng, vì không Chính phủ nào có đủ thông tin để quyết định đúng đắn từng dự án đầu tư ở từng tỉnh khác nhau.
Nhưng giao quyền ở các nước khác với giao quyền ở Việt Nam. Giao quyền cho các tỉnh, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thì phải có định mức kỹ thuật, giới hạn trên dưới để có quy định pháp luật nào đó. Nhưng chúng ta thì không có và bây giờ vẫn vậy. Theo tôi, cần có những chỉ dẫn cụ thể về định mức kinh tế kỹ thuật vì không ai kiểm soát được các ông bí thư, chủ tịch tỉnh có ưu ái cho doanh nghiệp hay không. Hiện nay khung định mức kinh tế kỹ thuật của mình chưa có đầy đủ và cũng chưa công khai để doanh nghiệp dựa vào đó để đấu thầu hay xin các dự án. Tiếp theo là giao quyền nhưng phải trong cơ chế giải sát quyền lực của nhà nước.
Chúng ta có tầng tầng lớp lớp để giảm sát quyền lực nhưng không có quy định cụ thể ai giám sát và giám sát như thế nào. Đến lúc thanh tra, kiểm toán vào thì đã thiệt hại rất lớn, gấp hàng chục lần số có thể thu hồi được. Cuối cùng cần áp dụng cơ chế dân biết dân bàn dân làm dân kiểm tra. Chúng ta thiếu một cơ chế phản biện xã hội hiệu quả. Cần có một hệ thống pháp luật để ngăn chặn sự móc ngoặc của các đối tượng chứ không thể cứ chỉ kêu gọi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Nhadautu