GS-TSKH Nguyễn Mại: Giải phóng tối đa nguồn lực cho tầm nhìn phát triển mới

6/12/2019  
148

Các định hướng lớn về khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra trong bối cảnh tiềm lực và vị thế của Việt Nam đã rất khác so với thời điểm gần 10 năm trước.

Báo điện tử Chính phủ phỏng vấn GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về các nội dung trong bài viết của Thủ tướng: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”.

GS-TSKH Nguyễn Mại: Giải phóng tối đa nguồn lực cho tầm nhìn phát triển mới

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Thưa GS, ông nhận định như thế nào về những định hướng lớn trong huy động nguồn lực mà bài viết đề cập trong bối cảnh hiện nay?

GS. TSKH Nguyễn Mại: Huy động nguồn lực luôn là vấn đề rất quan trọng và đúng như khẳng định ở đầu bài viết, bất cứ quốc gia - dân tộc nào muốn trở nên thịnh vượng đều phải  huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phục vụ cho phát triển.

Bài viết được đưa ra trong bối cảnh chúng ta sắp bước vào năm cuối cùng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, sau các giai đoạn 1991-2000, 2001-2010 và chuẩn bị bước vào thực hiện Chiến lược phát triển 2021-2030. Theo tôi, hiện nay là thời điểm bước ngoặt của Việt Nam, là thời điểm chúng ta làm được hoặc sẽ không bao giờ làm được. Đảng đã ban hành các Nghị quyết mới về cách mạng công nghiệp 4.0 và về đầu tư nước ngoài, trong đó xác định chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng này là giải pháp đột phá để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Với Việt Nam, cơ hội chưa từng có đang đặt ra, thể hiện trên 4 phương diện.

Thứ nhất, tiềm lực kinh tế - xã hội của chúng ta cao hơn nhiều so với thời điểm năm 2010, khi chúng ta bắt đầu thực hiện Chiến lược 10 năm. Nhìn xa hơn, nói hình ảnh, nền kinh tế Việt Nam đã gấp 8 lần năm 1991. GDP bình quân đầu người khi đó là 250 USD, nay đã đạt gần 3.000 USD. Xuất khẩu trước đây chỉ 1-2 tỷ USD thì cuối năm nay đạt khoảng 250 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện năm 1991 chỉ khoảng 2 tỷ USD thì cho đến cuối năm nay dự kiến sẽ đạt khoảng 210 tỷ USD. Ngân sách nhà nước trước đây “ăn đong”, phụ thuộc viện trợ nước ngoài thì nay đã có tích lũy dù chưa cao lắm và bắt đầu có bội thu. Dự trữ ngoại tệ đạt mức hơn 70 tỷ USD.

Thứ hai, và đây là điểm đặc biệt, số doanh nghiệp trước đây chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là công ty nhà nước, kinh tế tư nhân không có bao nhiêu, thì nay chúng ta có 750 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 700 nghìn doanh nghiệp tư nhân, chưa kể khoảng 5 triệu hộ kinh doanh. Tôi ủng hộ việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, vì có những hô gia đình có quy mô kinh doanh tương đương doanh nghiệp vừa với doanh thu hằng trăm tỷ đồng. Doanh nghiệp tư nhân đang trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế như Nghị quyết của Đảng đã xác định.

Điểm rất quan trọng là nếu 2011, chúng ta chưa có những tập đoàn kinh tế tư nhân nào “ra hồn” thì nay đã có hàng trăm doanh nghiệp lớn, không chỉ là những tập đoàn dựa vào bất động sản để làm giàu mà đã chuyển hướng sang sản xuất, khoa học công nghệ, dịch vụ cao cấp, đổi mới sáng tạo. Có rất nhiều ví dụ. Chẳng hạn như việc xây dựng hầm Hải Vân trước đây dựa toàn bộ vào kỹ sư, công nghệ, thiết kế Nhật Bản, chỉ có công nhân Việt Nam, chúng ta không làm nổi, thì giờ đây chúng ta đã làm được nhiều đường hầm nhanh hơn và có thể tốt hơn, rẻ hơn. Vinamilk đã xuất khẩu sữa sang Trung Quốc, có những doanh nghiệp đầu tư nuôi hàng trăm nghìn con bò sữa ở Nga…

Thứ ba, về đầu tư nước ngoài, sau 30 năm thu hút FDI, tổng vốn giải ngân từ 1991 đến 2010 chỉ chiếm khoảng 40%, nhưng số vốn giải ngân từ 2011 đến 2019 chiếm tới 60%. Trước đây chúng ta giải ngân vài ba tỷ, 4-5 tỷ USD mỗi năm nhưng năm nay có thể lên tới 19 tỷ USD. Các dự án FDI đã làm nhiều nơi thay da đổi thịt, như Bình Dương hay Bắc Ninh.

Tỉnh Bình Dương hiện có GDP bình quân đầu người 5.800 USD, gấp đôi cả nước. Trong khi các nơi thừa lao động, thất nghiệp nhiều thì Bình Dương là một điển hình về tăng trưởng cơ học dân số từ 700 nghìn người lên 2,6 triệu người, và vấn đề mà tỉnh này cần giải quyết là các vấn đề xã hội chứ không phải thất nghiệp hay việc làm. Hay Bắc Ninh sau khi thu hút các dự án lớn FDI thì tới 2015 đã trở thành nơi xuất khẩu nhiều nhất cả nước, cho tới nay nông nghiệp chỉ còn chiếm 3% trong cơ cấu kinh tế và tỉnh có thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian ngắn sắp tới.

Thứ tư, chưa bao giờ vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam cao như hiện nay. Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong từng nói với cố Thủ tướng Phan Văn Khải rằng Việt Nam cần phải vươn lên mạnh mẽ để làm đầu tàu cho ASEAN. Thì bây giờ, theo tính toán của thế giới, với tốc độ tăng trưởng 7% mỗi năm, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt quy mô 700-800 tỷ USD vào năm 2030 và tới quy mô trên 1.000 tỷ USD vào năm 2045.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, lạm phát ở mức 3,5 - 4,5%/năm. Năng suất lao động cải thiện hơn với tốc độ tăng khoảng 6,3%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.688 USD, đưa Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc, tôi xin đưa một ví dụ cho thấy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước. Hàn Quốc đã giúp Việt Nam thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), các nước viện trợ Việt Nam rất nhiều nhưng việc viện trợ về công nghệ như vậy là chưa từng có.

Quan hệ với nhiều nước và tổ chức khu vực và quốc tế khác cũng hết sức tốt đẹp. Trước đây, chúng ta xin gia nhập các tổ chức như WTO, AFTA hay APEC nhưng với CPTPP, chúng ta đã đóng vai trò kiến tạo định chế, khung khổ hợp tác mới với chất lượng cao. Chúng ta không nên tự mãn nhưng cũng phải thấy các nước nhìn Việt Nam khác hơn nhiều so với trước đây, ASEAN và châu Á – Thái Bình Dương không thể thiếu Việt Nam.

Khi nói đến bài viết của Thủ tướng, cần phải đặt trong bối cảnh như vậy. Với nền tảng đó, chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy đầy đủ các động lực vật chất và tinh thần, tạo sức bật mới để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ toàn nhiệm kỳ và tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thập niên tới.

Đã chậm 3.0, càng phải bắt kịp 4.0

Trong những định hướng lớn mà Thủ tướng nêu ra, ông tâm đắc nhất với nội dung nào?

GS. TSKH Nguyễn Mại: Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách về các nội dung này, bài viết của Thủ tướng đã đề cập một cách hệ thống hóa và tổng quát hơn xét từ khía cạnh nguồn lực, với nhiều điểm rất đáng chú ý. Trong đó, bài viết nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế,  nắm bắt, tận dụng tối đa cơ hội mở ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bài viết cũng đặc biệt nhấn mạnh nguồn lực trí tuệ con người, rằng hiền tài ngày càng trở thành vốn quý, đặc biệt trong cách mạng 4.0.

Nghị quyết của Đảng cũng đã xác định mục tiêu vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về một số lĩnh vực như chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu hay xếp hạng chính phủ điện tử. Tới 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á…

Theo tôi, đây là những mục tiêu tham vọng nhưng không phải không có cơ sở hiện thực. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay như đã nói ở trên, chúng ta cần có định hướng rất rõ để tiếp tục phát triển. Như Thủ tướng nhấn mạnh, thay đổi cơ bản tư duy về phát triển, từ chỗ dựa vào nguồn lực cổ điển như tài nguyên, lao động giá rẻ chuyển sang nguồn lực tăng trưởng mới dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất lượng nguồn lao động, thể chế và cơ sở hạ tầng hiện đại.

Nhiều người hay so sánh năng suất lao động của Việt Nam với Singapre, nhưng nên lưu ý rằng Singapore là một thành phố không có vùng nông thôn, còn Việt Nam có tới 60% dân số nằm ở nông thôn. Mặt khác, năng suất lao động của Việt Nam trong nhiều ngành đang tăng rất nhanh. Trong ngành điện tử, Samsung đánh giá năng suất lao động công nhân Việt Nam xấp xỉ năng suất lao động công nhân Hàn Quốc, Intel cũng đánh giá rất cao năng suất lao động công nhân tại TPHCM.

Theo Báo cáo của Trung tâm Thông tin mạng châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam lọt top 10 thế giới, top 5 châu Á và thứ 2 ASEAN về mức độ triển khai ứng dụng giao thức liên mạng thế hệ 6 (IPv6).  Hiện có khoảng 64,5 triệu ngườ sử dụng internet, trong đó có khoảng 60 triệu người sử dụng kết nối IPv6, chiếm khoảng 38,48%.

Để thích ứng với cách mạng 4.0, vấn đề của chúng ta là đào tạo gắn với doanh nghiệp. Như Thủ tướng đã viết, cần phải đổi mới nội dung, phương thức giáo dục và đào tạo phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ các bậc học nền tảng, đào tạo nghề đến giáo dục đại học. Lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho đổi mới chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực thuộc kỹ thuật số.

Cũng có một số người nói rằng chúng ta chưa làm xong 2.0 mà đã đề cập 4.0, tôi không đồng ý với quan điểm luôn nhìn đất nước với con mắt tiêu cực như vậy, không nhìn thấy được sự chuyển biến quan trọng của đất nước. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu quan điểm rằng công nghiệp 4.0 phải làm khác trước, nghĩ khác trước, hành động khác trước. Đổi mới sáng tạo là từ đó và nguồn lực đổi mới sáng tạo chính là từ con người.

Tôi xin nói về một ví dụ, Samsung đang cùng Bộ Công Thương triển khai một hoạt động hợp tác với cách làm rất căn bản. Theo đó, họ đào tạo một số tư vấn viên cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn làm công nghiệp phụ trợ. Kết quả, tất cả 40 doanh nghiệp tham gia chương trình đều khẳng định rằng chỉ cần thay đổi tư duy quản lý thì năng suất lao động tăng ít nhất 30%, tồn kho giảm, chi phí giảm rất nhiều.

Người ta đã chứng minh rằng nguồn lực lớn nhất của 4.0 chính là con người và Việt Nam là một nước có lợi thế. Một ví dụ, ước tính trên thế giới hiện có khoảng 10.000 công ty Fintech, Việt Nam có 154. Chúng ta là một trong những nước đi nhanh ở ASEAN và châu Á về 3G, 4G và nay là 5G. Phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam cũng đang rất mạnh với nhiều mô hình mới. Do đó, cần phản bác những ý kiến nói rằng chúng ta vội vã, bởi nếu không đi nhanh vào 4.0 thì chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội lớn, nếu các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây chúng ta đã không theo kịp thì với cách mạng 4.0 càng cần phải tham gia nhanh hơn.

Là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông cho rằng giải pháp nào cần được quan tâm nhất từ phía Nhà nước?

GS. TSKH Nguyễn Mại: Các Nghị quyết của Bộ Chính trị về cách mạng 4.0, về thu hút FDI và cả bài viết của Thủ tướng đều nhấn mạnh tinh thần đổi mới mạnh mẽ, thay đổi cách tư duy về thể chế, tiếp cận đồng bộ để đạt mức tốt nhất của thể chế quốc tế. Phải thu hút được nhiều dự án công nghệ tương lai như AI, Big Data với ưu đãi cao nhất.

Bài viết của Thủ tướng nhấn mạnh rằng phải chủ động nắm bắt, tận dụng tối đa xu hướng dịch chuyển ngành, nghề gắn với dịch chuyển nguồn lực đang diễn ra hiện nay để nâng cao năng lực thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực bên ngoài, hấp thu và chuyển hóa ngoại lực thành nội lực.

Bài viết cũng khẳng định phải có có chính sách ưu đãi vượt trội mang tính cạnh tranh quốc tế đối với các dự án lớn, quan trọng, có công nghệ tiên tiến để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở, thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính... tại Việt Nam.

Chúng tôi nhấn mạnh đến vai trò đổi mới tư duy trong hoàn thiện thể chế. Chẳng hạn, chúng ta lưu ý rằng các hoạt động nghiên cứu phát triển hay phát triển công nghệ tương lai không chỉ phụ thuộc vào quy mô nguồn vốn đầu tư, vấn đề chính là sản phẩm. Việc ưu đãi thu hút đầu tư các dự án công nghệ tương lai phải từ góc nhìn như vậy. Hay như với các mô hình kinh doanh mới thì cần phải có cơ chế thí điểm quản lý, tránh sự lúng túng.

Trong nhiệm kỳ này của Chính phủ, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đều đánh giá cao và ghi nhận các nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ, nhưng phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Ưu đãi thuế cũng quan trọng, nhưng cái quan trọng nhất khiến môi trường đầu tư các nước hơn kém nhau là về thời gian làm thủ tục, tức là về tốc độ. Một dự án sau 6 tháng không được cấp giấy phép thì có thể họ không cần nữa vì tình thế đã thay đổi. Do đó, rất cần những người hoạch định chính sách phải thay đổi tư duy và sau đó là vai trò của những người thực thi pháp luật.

Xin trân trọng cám ơn GS! Theo chinhphu.vn

: