GS.TSKH Nguyễn Mại góp ý về đề xuất hợp nhất các Bộ

22/2/2020  
96

Trong quá trình thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cải cách nền hành chính quốc gia luôn được coi là một trong những vấn đề quan trọng của đất nước.  

GS.TSKH Nguyễn Mại góp ý về đề xuất hợp nhất các Bộ

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại trong quá trình thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cải cách nền hành chính quốc gia luôn được coi là một trong những vấn đề quan trọng của đất nước. Ảnh minh họa

Đại hôi lần thứ IX của Đảng (2001) đã đề ra chủ trương “Xây dựng một nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hoá. Điều chỉnh chức năng và cải tiến phương thức hoạt động của Chính phủ theo hướng thống nhất quản lý vĩ mô việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong cả nước bằng hệ thống pháp luật, chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ. Định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ theo hướng bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc, cung cấp dịch vụ công. Phân công, phân cấp, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương, kết hợp chặt chẽ quản lý ngành và quản lý lãnh thổ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; tổ chức hợp lý Hội đồng nhân dân; kiện toàn các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân và bộ máy chính quyền cấp xã, phường, thị trấn”. Chủ trương đó đã được Chính phủ cụ thể hóa trong Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 và 2011-2016.

 

Giảm biên chế, không thể không mạnh tay

Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW với mục tiêu tổng quát là “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng”. Ngày 3/2/2018, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đến nay một số bộ, ngành, địa phương đã sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Bộ Công an bỏ 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng; sáp nhập 20 Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vào Công an tỉnh, thành phố; giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng thuộc Công an tỉnh, gần 1.000 đơn vị cấp đội thuộc Công an huyện.

Bộ Nội vụ đã giảm 14 đơn vị cấp phòng thuộc vụ và tương đương; giảm 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương và Ban Tôn giáo Chính phủ. Bộ Tài chính giải thể 43 phòng giao dịch của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; sáp nhập các chi cục thuế cấp huyện thành các chi cục thuế khu vực thuộc cục thuế cấp tỉnh. Tỉnh Long An đã giảm 95 đầu mối tổ chức trực thuộc các sở, ngành, huyện; giảm 84 cán bộ lãnh đạo (49 cấp trưởng và 35 cấp phó); giảm 192 đơn vị sự nghiệp công lập và giảm 175 cán bộ quản lý (128 cấp trưởng và 47 cấp phó). Tỉnh Lào Cai đã hợp nhất Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải – Xây dựng. Tỉnh Hà Giang hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Ban Tổ chức – Nội vụ; hợp nhất Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành Cơ quan Kiểm tra – Thanh tra tỉnh. Tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Quảng Trị đã hợp nhất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông. Kết quả thu được là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Tuy vậy đã nảy sinh một số vấn đề như không thống nhất về cơ cấu tổ chức, bộ máy của chính quyền tỉnh; còn có quan điểm khác nhau về việc sáp nhập các bộ, sở và cơ quan hành chính. Ngày 19/2, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026”. TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) đề xuất giảm từ 22 xuống 20 bộ, cơ quan ngang bộ, bằng việc hợp nhất Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Tài chính – Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải với Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng; lập lại Bộ Giáo dục, chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ, đổi thành Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo; chuyển nhiệm vụ đào tạo nghề từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học – Công nghệ và Đào tạo; thành lập Bộ Công Thương và Du lịch; Bộ Văn hóa – Thể thao và Thanh niên.

Việc hợp nhất một số bộ phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ tương thích với nhau để tạo thành sức mạnh mới làm cho hiệu năng quản lý nhà nước được nâng cao với bộ máy tinh giản, có chất lượng. Nếu hợp nhất theo cơ học để giảm bớt đầu mối hai bộ vốn có chức năng, nhiệm vụ khác biệt, vốn đã có bộ máy khá cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả thì không những không tạo ra năng lực mới, mà còn làm cho các khuyết tật của bộ máy cũ trở nên nghiêm trọng hơn. Bài viết này trình bày một số ý kiến về việc hợp nhất Bộ KH&ĐT với Bộ Tài chính và Sở KH&ĐT với Sở Tài chính. Bộ KH&ĐT vốn được hình thành từ hợp nhất Ủy ban Kế hoạch nhà nước với Ủy ban Nhà nước về Hợp tác & Đầu tư cuối năm 1995.

Nghi định 86/2017/NĐ- CP quy định: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, bao gồm: Tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công của quốc gia; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế; đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế; nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ phi chính phủ nước ngoài; đấu thầu; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã; thống kê; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật”.

Bộ có cơ cấu tổ chức khá đa dạng: vụ, cục, tổng cục, viện nghiên cứu, tạp chí, báo với bộ máy khá lớn. Bộ Tài chính thực hiện chức năng hoàn toàn khác và không tương thích với Bộ KH&ĐT. Nghị định 87/2017/NĐ-CP quy định: “Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính - ngân sách bao gồm Ngân sách nhà nước; thuế; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật; hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”. Bộ Tài chính đang quản lý nhiều lĩnh vực có liên quan với nhau, do đó bộ máy khá đa dạng và khá lớn.

Bộ Nội vụ lập luận: “Việc hợp nhất hai Sở (KH&ĐT và Sở Tài chính) sẽ tạo điều kiện cho việc tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách và một số lĩnh vực liên quan được hiệu quả hơn, bảo đảm việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được gắn với khả năng cân đối nguồn lực về tài chính, ngân sách, hạn chế tối đa các giao thoa về nhiệm vụ giữa hai Sở này kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ”-. Cách tiếp cận về việc hợp nhất Bộ KH&ĐT với Bộ Tài chính do chức năng về kế hoạch đầu tư và tài chính có mối quan hệ liên thông với nhau; do đó sáp nhập hai cơ quan này sẽ tạo điều kiện cho việc tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách và một số lĩnh vực liên quan được hiệu quả hơn, hạn chế tối đa sự giao thoa về nhiệm vụ giữa các cơ quan này.

Lập luận như vậy quá đơn giản vì không dựa trên thực tiễn hoạt động của hai cơ quan vốn có chức năng khác biệt nhau; Bộ KH&ĐT được coi là Tổng tham mưu trưởng kinh tế - xã hội của đất nước, có chức năng xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch trung hạn và hàng năm, dự báo các xu hướng phát triển theo nhiều kịch bản và đề ra các giải pháp về chính sách và quản lý nhà nước; hoạch định chiến lược đầu tư trong nước và ngoài nước với môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng thuận lợi…

Trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nước ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới, đang hướng đến mục tiêu nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 thì Bộ KH&ĐT có chức năng tham mưu cho Nhà nước đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác tối đa lợi thế của đất nước trong quá trình chuyển sang nền kinh tế số, cải cách mạnh mẽ và có hiệu quả hơn để phân bố tốt hơn nguồn lực quốc gia. Trong khi hoạt động của Bộ Tài chính có liên quan đến thu chi ngân sách nhà nước theo hướng bồi dưỡng để gia tăng nguồn thu, đảm bảo các khoản chi ngân sách cho các mục đích khác nhau bằng các chính sách tài chính vĩ mô có định hướng thích hợp với từng giai đoạn phát triển, xây dựng hành lang pháp lý để phát triển thị trường vốn cho đầu tư công và cho doanh nghiệp; Bộ Tài chính quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán, bảo hiếm và nhiều dịch vụ tài chính khác.

Rõ ràng không thể coi là tương thích chức năng của Bộ KH&ĐT với Bộ Tài chính, do đó cách tiếp cận hợp nhất hai bộ này với nhau vừa không dựa trên cơ sở phân tích khoa học cấu trúc bộ máy nhà nước trong điều kiện cụ thể của Việt Nam đang có những lợi thế của quá trình phát triển, đồng thời đứng trước những thách thức không nhỏ trong việc tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới đòi hỏi phải tiến hành cải cách mạnh mẽ hơn về thể chế, luật pháp, môi trường kinh doanh và đầu tư, thực hiện các FTA thế hệ mới. Bộ Nội vụ cho biết tỉnh Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Ninh, Đồng Nai đề nghị không hợp nhất Sở Tài chính với Sở KH&ĐT thành Sở Kế hoạch - Tài chính vì nhiệm vụ hai sở này quá lớn và quan trọng tại địa phương.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM không ủng hộ việc sáp nhập bởi các “siêu sở” sẽ quá tải, gây ách tắc trong giải quyết công việc. Các Sở này hiện tại cũng đã có khối lượng công việc rất lớn. “Nếu nhập lại như vậy thì làm sao làm nổi, mà không làm nổi, nó sẽ khiến trì trệ, tác động đến sự phát triển của thành phố”, ông Phong nói. Việc tách nhập các cơ quan nhà nước đã được tiến hành nhiều lần, có thành công và có thất bại, thậm chí có trường hợp “tách ra rồi lại nhập vào’ vì khi thực hiện chủ trương không được bàn bạc thấu đáo, không có nhiều phương án lựa chọn, ra quyết định khi chưa có đủ căn cứ khoa học.

Một trường hợp điển hình đang nổi lên hiện nay liên quan đến Tổng công ty đường sắt Việt Nam vốn trực thuộc Bộ Giao thông vận tải đã được chuyển về Ủy ban quản lý vốn nhà nước. Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt VN cho biết, từ năm 2019, Tổng công ty đường sắt VN không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, mà chuyển sang Ủy ban quản lý vốn Nhà nước nên theo quy định của Luật Ngân sách, Bộ Giao thông Vận tải không thể giao vốn dự toán ngân sách bảo trì cho Tổng công ty như trước kia (không giao vốn cho đơn vị ngoài ngành); nên năm 2020, Tổng công ty không thể ký hợp đồng đặt hàng với 20 đơn vị bảo trì như những năm trước, khiến các doanh nghiệp bảo trì không có tiền trả lương cho hơn 11.000 lao động toàn ngành, mặc dù tiền lương mỗi tháng khoảng 4-5 triệu đồng.

Tổng công ty đường sắt VN được giao quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng khi chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước thì chỉ chuyển doanh nghiệp, còn hạ tầng vẫn do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, dẫn đến tình trạng "đầu đi, chân ở lại". Để tháo gỡ, đầu tháng 2/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định cho phép Bộ giao dự toán quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty đường sắt VN. Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, đã nhận được báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải và "Chính phủ đang xem xét, đây là vấn đề phải xử lý ngay".

Bài học đắt giá đối với Tổng công ty Đường sắt VN cần được Bộ Nội vụ lưu ý khi thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy nhà nước. Đối với Bộ KH&ĐT tôi rất đồng tình với ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 9/1/2020 triển khai các Nghị quyết số 01 và 02 năm 2020 của Chính phủ với chủ đề: “Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả”. Với tinh thần đẩy nhanh và có hiệu quả hơn công cuộc cải cách thể chế để đáp ứng khát vọng thịnh vượng của dân tộc, Thủ tướng gợi ý sau năm 2020 cân nhắc đổi tên Bộ KH&ĐT thành Ủy ban Cải cách đổi mới hoặc Bộ Kinh tế chiến lược và Phát triển.

Từ khi thành lập Chính phủ mới năm 2016 đến nay Thủ tướng Chính phủ là nhà lãnh đạo nhiệt tình, quyết tâm thực hiện cải cách đồng bộ hệ thống kinh tế - xã hội theo hướng đổi mới sáng tạo, nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, Chính phủ kiến tạo, Chính phủ điện tử, do đó nước ta đã tiến lên với nhịp độ nhanh hơn và có hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn, bền vững hơn. Tuy vậy, công cuộc cải cách đang tiến vào giai đoạn mới đòi hỏi phải có Tổng tham mưu trưởng kinh tế - xã hội chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo với đội ngũ công chức có chất lượng cao được trang bị công cụ hiện đại đáp ứng đòi hỏi của Đảng và Nhà nước khi bước vào Chiến lược phát triển 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Bộ KH&ĐT có thể và cần phải đảm nhiệm chức năng đó.  

Ngồn: Nhàđầutư

: