Dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò bắt đầu chuyển động từ năm 2003, khi Công ty Tư vấn giao thông đường thủy (thuộc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế, Bộ GTVT) tổ chức khảo sát và lập dự án sau khi chính quyền 2 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng ngồi lại tìm giải pháp tháo gỡ cho con sông nhiều thăng trầm này. Tuy nhiên, đến tận năm 2019, 2 địa phương này mới chính thức "bắt tay" nhau triển khai dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò. Khi hai tỉnh, thành Quảng Nam và TP. Đà Nẵng cùng nhau khơi thông dòng sông Cổ Cò dài 25 km (trong đó đoạn chảy qua tỉnh Quảng Nam dài 19,7 km) không chỉ sẽ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc.
Nhiều chuyên gia nhận định khơi thông sông Cổ Cò sẽ mang lại nhiều tiềm năng về tự nhiên, kinh tế - xã hội cho 2 địa phương. Vậy việc khơi thông sông Cổ Cò có ý nghĩa như thế nào về mặt tự nhiên cũng như phát triển kinh tế xã hội của 2 địa phương này? Đây có phải là cơ hội cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư bất động sản và du lịch đầu tư phát triển các dự án ven sông, ven biển kết nối Đà Nẵng – Quảng Nam? Đâu là những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để đẩy mạnh tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò và giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó? Từ thực tế đó, nhằm đi tìm lời giải cho câu hỏi nói trên, tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn cùng với sự phối hợp của UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo: "Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng".