Một số vấn đề chủ yếu của kinh tế Việt Nam năm 2020

25/1/2020  
125

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, thành tựu kinh tế năm 2019 tạo tiền đề cho sự phát triển những năm tiếp theo. Năm 2020 có ba nhân tố mới.

Năm 2020 là năm cuối của Chiến lược phát triển 2011- 2020 chuẩn bị hành trang bước vào giai đoạn mới với Chiến lược phát triển 2021- 2030, cần nhận biết chính xác những nhân tố mới cũng như những thách thức đối với kinh tế Việt Nam để đề ra định hướng và giải pháp cho nền kinh tế nước ta hướng đến các mục tiêu cao hơn, chất lượng và hiệu quả hơn.

Kết thúc năm 2019, kinh tế Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng 7,02%, 12 chỉ tiêu kinh tế- xã hội đạt và vượt dự báo, tình hình chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, tỷ lệ lạm phát dưới 3%, tỷ giá hối đoái giao động không quá 2%, dự trử ngoại tệ gần 80 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 517,26 tỷ USD, xuất siêu 11,12 tỷ USD (số liệu của Tổng cục Hải quan), vốn FDI thực hiện đạt 20,2 tỷ USD.

Thành tựu kinh tế năm 2019 tạo tiền đề cho sự phát triển những năm tiếp theo. Năm 2020 có ba nhân tố mới:

Một là chủ trương của Đảng và nhà nước chuyển đổi sang nền kinh tế số, Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo hướng đổi mới, sáng tạo hướng đến khát vọng thịnh vượng đang được thực hiện thông qua việc xây dựng công nghệ thông tin, công nghệ số như mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), big data, fintech, cải cách hệ thống giáo dục, thành lập trung tâm đối mới sáng tạo quốc gia...

Hai là một số mô hình kinh tế tuần hoàn thành công trong nông nghiệp, công nghiệp, bất động sản, du lịch, dịch vụ đang được nhân rộng trong các ngành, lĩnh vực. Lee & Man sử dụng hơn 95% giấy tái chế làm nguyên liệu, giảm khai thác 24 triệu cây xanh, tiết kiệm khoảng 45,5 triệu m3 nước và khoảng gần 6 tỷ kWh điện, giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Công ty T&T 159 tỉnh Hòa Bình xây dựng khu liên hợp sản xuất thức ăn gia súc từ phụ phẩm nông nghiệp công suất 200-210 tấn/ngày, trại bò giống chất lượng cao 1200 con và trại bò thịt 3800 con bê, bò, trâu nuôi vỗ béo, nhà máy sản xuất đệm lót sinh học công suất 100 tấn/ngày và nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế thải chăn nuôi công suất 25.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động ổn định.

Ba là một số FTA thế hệ mới đã và bắt đầu được thực thi như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam- EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam- EU (EVIPA). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì EVFTA góp phần tăng GDP của Việt Nam bình quân 2,18-3,25% giai đoạn 2019-2023, 4,57-5,30%  giai đoạn 2024-2028 và 7,07-7,72% giai đoạn 2029-2033.

Ba nhân tố mới đòi hỏi Chính phủ, doanh nghiệp và người dân phải đổi mới tư duy và hành động để chuyển đối mô hình tăng trưởng từ quá trình sản xuất theo kiểu cũ sang kinh tế tuần hoàn, bảo đảm tính bền vững cho thế hệ hôm nay và không làm tổn hại đến lợi ích của các thế hệ tiếp theo.

Một số vấn đề chủ yếu của kinh tế Việt Nam năm 2020

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, thành tựu kinh tế năm 2019 tạo tiền đề cho sự phát triển những năm tiếp theo. Năm 2020 có ba nhân tố mới

Năm 2020 kinh tế Việt Nam đối mặt với ba thách thức lớn đậm nét:

Một là tình hình chính trị và kinh tế thế giới biến động khó lường, giá cả hàng hóa trên thị trường toàn cầu không ốn định, có dự báo giá dầu mỏ có thể lên đến 100 USD/thùng, giá vàng đang ở mức cao nhất trong những năm gần đây. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung tạm thời hạ nhiệt do đạt được Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng không thể dự báo được việc thực thi thỏa thuận này và bao giờ có thể bắt đầu dàm phán giai đoạn 2 trong bối cảnh năm nay là năm bầu cử Tổng thống Mỹ.

Thương mại toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, xung đột thương mại giữa các nước xuất hiện nhiều hơn, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam dựa vào nguyên liệu nhập khẩu; một số thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc.

Tỷ lệ lạm phát cao vẫn có thể diễn ra khi giá cả, thị trường toàn cầu diễn biến khó lường. HSBC cho rằng lạm phát tại Việt Nam năm 2020 sẽ là 3,8% và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải hạ lãi suất trong quý 3/2020.

Hai là chậm chuyển đổi mô hình kinh tế; mà nếu không chuyển đổi một cách mạnh mẽ thì sẽ bất lợi hơn trong thời gian tới. Chỉ số đổi mới sáng tạo ở  Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, tốc độ tăng trưởng chưa bảo đảm xích gần và đuối kịp trình độ phát triển của các nước tiền tiến trong ASEAN. Mặc dù đã có những tiến bộ trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nhưng đến nay chủ yếu dựa vào tăng vốn, lao động và khai thác tài nguyên, đóng góp của năng suất lao động tổng hợp (TFP) có tăng nhưng rất chậm và thấp so với nhiều nước trong khu vực cùng thời kỳ phát triển. Trong tổc độ tăng trưởng thì đóng góp của yếu tố vốn  52,73%, yếu tố lao động 19,07%, yếu tố TFP 28,2% (của Trung Quốc là 52%, Inđônêxia 49%, Malaixia 50%, Thái Lan 53%, Philippines 38%).

Ba là GDP năm 2019 tăng 7,02%, vào loại tăng nhanh nhất thế giới, nhưng không được trông thấy ở thị trường chứng khoán; VN-Index chỉ tăng 7,3%, thua xa mức tăng 32% của chỉ số CSI 300 trên hai sàn Thượng Hải và Thẩm Quyến; trong khi các thị trường mới nổi tăng trưởng ổn định vào tháng 12 thì chứng khoán Việt Nam lại đi theo một hướng khác.

Các quỹ giao dịch ngoại hối (Exchange Traded Fund - ETF) đang trở thành nguồn vốn nước ngoài quan trọng, năm 2019  ETF đóng góp 44% dòng vốn ngoại vào Việt Nam.

Bloomberg nhận định: thị trường chứng khoán Việt Nam kém hơn hẳn thị trường sản xuất đang phát triển như vũ bão, hiện bị chi phối bởi các ngân hàng, và chỉ có một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và bất động sản tham gia.

Với lợi nhuận trung bình trên vốn chủ sở hữu ở mức 15%, các ngân hàng thương mại Việt Nam là khu vực có lợi nhuận lớn nhất theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Các khoản vay ngân hàng đã vượt quá GDP,  khá cao đối với một quốc gia có GDP/người hơn 2 800 USD.

Fitch Ranking cảnh báo, gần một nửa các ngân hàng thương mại không thể đáp ứng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu 8% ,nhưng các ngân hàng không dễ tăng vốn, do vậy có thể diễn ra hai kịch bản: rơi vào một cuộc khủng hoảng tín dụng như Trung Quốc hoặc phải giảm quy mô cho doanh nghiệp vay.

Cần đánh giá đúng thành tựu kinh tế của nước ta trong 30 năm đối mới và hội nhập quốc tế, nhưng cũng cần tỉnh táo, khách quan nhận biết những thách thức không nhỏ đối với đất nước có thu nhập trung bình (thấp). Nếu vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, GDP/người bình quân của thế giới hơn Việt Nam 3 900 USD, thì hiện nay hơn 8.000 USD và vẫn có xu hướng tăng. Nói cách khác, Việt Nam tuy có giai đoạn tốc độ tăng trưởng kinh tế cao vào tốp đầu thế giới, nhưng vẩn chưa đủ để thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển với một số nước tiền tiến trong khu vực.

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2019, Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của năm 2020: GDP tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP. Nhiều chỉ tiêu thấp hơn thực hiện năm 2019.

Có thể nêu lên những câu hỏi:

Vì sao tăng trưởng GDP năm 2018 là 7,08% và năm 2019 là 7,02% nhưng GDP năm 2020 chỉ dự báo tăng 6,8% (?).

Vì sao năm 2019 lạm phát được kiềm chế dưới 3% nhưng năm 2020 dự báo dưới 4% (?).

Vì sao khi sau 4 năm liên tiếp cán cân thương mại thặng dư, năm 2019 lập kỷ lục trên 11 tỷ USD, nhưng năm 2020 dự báo nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu (?).

Bình luận về các câu hỏi trên đây có hai luồng ý kiến khác nhau. Một số chuyên gia cho rằng trước biến động khó lường của thế giới và thảm họa thiên tai, dịch bệnh do biến đổi khí hậu ở nước ta nên cần thận trọng khi dự báo kinh tế với mục tiêu bảo đảm tăng trưởng hợp lý theo hướng bền vững, kinh tế xanh, chuyển đổi sang kinh tế số, đồng thời coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế. Một số khác thì nhận định các nhà hoạch định chiến lược phát triển chưa nghiên cứu đầy đủ các nhân tố mới nảy sinh năm 2020 để tính toán toàn diện, đưa ra môt số kịch bản kèm theo hệ thống giải pháp để khắc phục các nhược điểm của nền kinh tế nước ta, tận dụng cơ hội mới để bứt phá nhằm nhanh chóng biến khát vọng thịnh vượng của dân tộc thành hiện thực.

Cho dù có ý kiến khác nhau về dự báo các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm 2020, nhưng cả chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đều đồng thuận rằng, yếu tố quyết định là Việt Nam phải đẩy nhanh hơn nữa công cuộc cải cách nền hành chính quốc gia, cấu trúc lại và tinh giản bộ máy nhà nước, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và năng lực quản trị của công chức, viên chức theo hướng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hoàn thiên thể chế chính trị và thể chế kinh tế để thích ứng với giai đoạn phát triển cao hơn, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhanh chóng chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Nguồn: Nhàđầutư

: