Với nỗ lực thúc đẩy thương mại và đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam, Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp với Liên minh Xúc tiến Đầu tư Quốc tế (INVESTGLOBAL), Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức "Hội thảo Xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam". Sự kiện được sự hỗ trợ của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của 25 đại diện các công ty dược phẩm Ấn Độ tại Việt Nam đã có bề dày kinh nghiệm tại Việt Nam trong nhiều năm qua, trong đó có những công ty dược phẩm lớn nhất tại Ấn Độ.
Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện các bộ, các tỉnh và các công ty Việt Nam. Phát biểu tại hội thảo, GS-TSKH Nguyễn Mại cho biết: "Thương mại và đầu tư về dược phẩm, thuộc thế mạnh của cả hai nước, có thể thông qua hợp tác để hổ trợ lẫn nhau, phát huy lợi thế của mỗi bên, khai thác có hiệu quả tiềm năng để tăng thêm kim ngạch thương mại hai chiều và hợp tác đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam". Theo BMI Research, tiềm năng to lớn của ngành sản xuất và thị trường dược phẩm Việt Nam, cùng với môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng được cải thiện, Việt Nam đang được nhiều tập đoàn dược phẩm lớn của thế giới quan tâm. Ấn Độ được mệnh danh là một trong những quốc gia có ngành dược phẩm phát triển nhất thế giới.
Ngành dược phẩm của Ấn Độ cung cấp hơn 50% nhu cầu toàn cầu về các loại vaccine khác nhau, 40% nhu cầu chung ở Mỹ và 25% tất cả các loại thuốc ở Anh. Thuốc của Ấn Độ được xuất khẩu sang hơn 200 quốc gia trên thế giới, trong đó Mỹ là thị trường trọng điểm. Thuốc generic chiếm 20% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu, đưa quốc gia này trở thành nhà cung cấp thuốc generic lớn nhất trên toàn cầu. Tính đến tháng 10/2020, Ấn Độ đã xuất khẩu 13,87 tỷ USD dược phẩm trong năm tài chính 2021. Trong khi đó, xuất khẩu dược phẩm từ Ấn Độ đạt 16,28 tỷ USD trong năm tài chính 2020 và 2,07 tỷ USD chỉ riêng vào tháng 10/2020. Hiện nay, hơn 80% thuốc kháng vi rút được sử dụng trên toàn cầu để chống lại bệnh AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) được cung cấp bởi các công ty dược phẩm Ấn Độ. Ấn Độ cũng là một nước dẫn đầu trong các lĩnh vực điều trị tim mạch (CV) và hệ thần kinh trung ương (CNS), dạ dày-ruột, bệnh tiểu đường, chống nhiễm trùng...
Cùng lúc đó, quy mô thị trường của Việt Nam vẫn đang nổi lên với tổng giá trị ước tính là 7 tỷ USD vào năm 2019 và sẽ tăng 8% cho đến năm 2024. Trong khi các nhà sản xuất thuốc Việt Nam mới đáp ứng được một nửa tổng nhu cầu thị trường thuốc, thì hầu hết nguyên liệu để sản xuất dược phẩm hiện phải nhập khẩu. Việt Nam cũng nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu đầu vào là thuốc. Các quy định mới mà Việt Nam ban hành và việc Việt Nam ký kết các hiệp định FTA khác nhau đã tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các công ty dược phẩm của Ấn Độ.
Trong những năm qua, ngành dược là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Ấn Độ. Dược phẩm và thành phần dược phẩm luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ sang Việt Nam. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Gần đây, Việt Nam đã sửa đổi các quy định để doanh nghiệp Ấn Độ được tự do tham gia các gói đấu thầu cung cấp thuốc và dược phẩm cho các cơ sở y tế công lập với những doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đấu thầu hoàn toàn căn cứ theo công nghệ và chất lượng sản phẩm, không phụ thuộc vào phạm vi địa lý.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng khuyến khích doanh nghiệp Ấn Độ thành lập trung tâm sản xuất dược phẩm tại TP. HCM nhưng yêu cầu các doanh nghiệp này cần tăng cường kiểm soát chất lượng. Hiện có khoảng 300 doanh nghiệp Ấn Độ đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, trong đó có nhất nhiều doanh nghiệp dược phẩm lớn như Sun Pharma, Natco, Mylan… Các công ty dược phẩm Ấn Độ đóng vai trò chủ đạo trên thị trường thuốc Việt Nam bằng cách bình ổn giá thuốc nhập khẩu. Ấn Độ cũng là nhà cung cấp lớn thuốc API cho các nhà sản xuất khác nhau tại Việt Nam. Trong thời gian diễn ra COVID-19, Ấn Độ đã hỗ trợ Việt Nam cung cấp một số API trong đó có paracetamol để chống COVID-19 ở Việt Nam.