Phát biểu khai mạc, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết Tọa đàm được tổ chức vào thời điểm hết sức đặc biệt. Nền kinh tế bước sang giai đoạn phát triển mới với định hướng và mục tiêu mới được đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hứa hẹn bứt phá sau một năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, phát triển nhanh và bền vững.
Quốc hội đang trong quá trình phê chuẩn nhân sự mới của Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ. Mô hình tổ chức, nhân sự của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang có nhiều thay đổi. Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con và tuần trước Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quyết định bổ nhiệm Chủ tịch và kiện toàn Ban lãnh đạo Sở.
Sau sự bứt phá trong năm 2020, từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, lượng nhà đầu tư tham gia thị trường đã tiếp tục tăng mạnh, nhất là nhà đầu tư mới; số lượng tài khoản tăng mạnh lên tới 2,8 triệu, tương đương gần 3% dân số Việt Nam.
Sự gia tăng nhanh chóng số lượng các nhà đầu tư đã làm cho giao dịch tại sàn HOSE thường xuyên bị quá tải, nghẽn lệnh, gây bức xúc cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index sau khi vượt mốc 1.200 điểm đang có sự trồi sụt khó dự báo.
Trong bối cảnh đó, Tọa đàm tập trung thảo luận sâu về các vấn đề như: Đâu là những yếu tố cơ bản tạo nên sự tăng trưởng và sôi động của thị trường trong những tháng đầu năm? VN-Index sẽ diễn biến thế nào trong quý II và những tháng cuối năm? Những yếu tố tác động tới thị trường trong quý II, nhìn từ triển vọng kinh tế vĩ mô, tiến trình hội nhập quốc tế, khả năng sinh lời từ các kênh đầu tư, mô hình tổ chức và nhân sự mới của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; Khả năng và giải pháp tháo gỡ tắc nghẽn công nghệ trên sàn HOSE...?
Đánh giá về các yếu tố tác động đến thị trường, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường (UBCKNN) nhìn nhận triển vọng thị trường chứng khoán trong năm 2021 là khả quan, có nhiều cơ hội tăng trưởng, được tác động tích cực từ sự phục hồi nhanh hơn của nền kinh tế; hành lang pháp lý cho thị trường dần hoàn thiện, chuẩn hoá; yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết cũng tương đối tốt; Việt Nam vươn lên thị phần số 1 trong nhóm thị trường cận biên của MSCI.
Ở chiều ngược lại, thị trường đối mặt thách thức không nhỏ với đại dịch COVID-19 vẫn là nguy cơ lớn nhất. Bên cạnh đó, những căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro chính sách. Ngoài ra, trong bối cảnh vốn ngoại rút mạnh thời gian gần đây, sức cầu của thị trường, đặc biệt là sức mua của nhà đầu tư trong nước cần đủ lớn để giữ đà cho thị trường.
Về thực trạng nghẽn lệnh, bà Tạ Thanh Bình cho biết UBCKNN sẽ xử lý triệt để, đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, trật tự và ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư; phối hợp với Tập đoàn FPT trong việc triển khai áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại SGDCK Hà Nội cho hệ thống giao dịch tại SGDCK TPHCM. Mục tiêu trong năm nay sẽ hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán mới (từ SGDCK Hàn Quốc) cho toàn bộ thị trường chứng khoán.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) ông Nguyễn Sơn dự báo thị trường chứng khoán đang đứng trước nhiều cơ hội, tuy nhiên cần phải giải quyết được các vấn đề là: (1) Tiến trình cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước còn chậm; (2) Việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi vẫn gặp nhiều trở ngại; (3) Rủi ro lan truyền từ các khu vực thị trường liên thông gây những cơn sốt ảo về bất động sản hay chứng khoán; (4) Hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường còn có những trở ngại nhất định; (5) Thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi các giao dịch làm giá, thao túng giá, giao dịch không công bằng và lôi kéo giữa các thị trường (cơ sở và phái sinh).
Dự báo cụ thể hơn, Công ty chứng khoán VPS nhận định VN-Index có thể đạt ngưỡng 1.280 - 1.380 điểm, trong khi Công ty chứng khoán MBS đưa ra con số 1.250 điểm vào cuối năm, với biên độ dao động trong khoảng 1.100 - 1.360 điểm. Các nhóm cổ phiếu sẽ phục hồi nhanh là hàng không, du lịch, lưu trú, dầu khí, chứng khoán, ngân hàng, thép, cao su, với lực hút chính từ các công ty vốn hoá lớn đầu ngành.
Nguồn: Nhàđầutư