Những điểm cần lưu ý trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

15/10/2019  
48

Cuộc hội thảo "Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)" lần này tập trung thảo luận các vấn đề đang được nhà đầu tư và doanh nghiệp quan tâm nhất để góp phần hoàn thiện dự thảo hai luật quan trọng này.

I. Liên quan đến Nghị quyết 50 và 52 của Bộ Chính trị Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về “ Nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI”: “Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hoà với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao”. “Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”.

“Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thoả đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam. Có chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động Việt Nam; sử dụng người lao động Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở các quốc gia tiên tiến”. “

Nâng cấp, hoàn thiện quy định của pháp luật về công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về: “Chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

Tránh mọi biểu hiện bàng quan, thiếu tự tin, thụ động, nhưng không chủ quan, nóng vội, duy ý chí”. “Xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số”. “Nhà nước ưu tiên chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực; có trách nhiệm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ, tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để người dân và doanh nghiệp là các chủ thể quyết định tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

“Hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng; đồng thời ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Bổ sung một số ngành nghề kinh doanh mới được ưu đãi đầu tư để thúc đẩy tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...”.

Dự thảo Luật Đầu tư tuy có danh mục các ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư nhưng chưa quy định rõ ràng mức độ ưu đãi cần thiết; Dự thảo Luật Doanh nghiệp không thấy đề cập đến những nội dụng của hai Nghị quyết của BCT. Đề nghị Ban soạn thảo cần lưu ý các vấn đề sau đây: - Cuộc CMCN 4.0 đang bắt đầu thực hiện ở nước ta, có nhiều vấn đề mới nảy sinh mà chưa có pháp luật điều chỉnh, điển hình là Grab và Uber, Fintec, AI, một số ngành nghề của không tồn tại, một số ngành nghề mới xuất hiện; do đó cần có cách tiếp cận thích hợp để 1) không lấy luật pháp hiện hành điều chỉnh hành vi mới và 2) không căn cứ vào luật pháp hiện hành để xử lý theo hướng “ vi phạm luật pháp” vì cả hai đều cản trở việc thực hiện theo hướng đổi mới, sáng tạo. - Cách tiếp cận khoa học là “cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo” (NQ 52 BCT), khi chưa có luật thì Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ ban hành Nghị định để điều chỉnh các hành vi mới vừa du nhập vào nước ta nhằm không tạo ra khoảng trống pháp lý, đồng thời từ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để xây dựng luật pháp.

Những điểm cần lưu ý trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) GS-TSKH Nguyễn Mại phát biểu tại Hội thảo Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức ngày 15/10/2019.

IIBảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư

Các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư vào nước ta. Các biện pháp bảo đảm đầu tư là những biện pháp được quy định nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư; chính là cam kết về trách nhiệm của nhà nước tiếp nhận đầu tư đối với quyền lợi cụ thể của nhà đầu tư.

Điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư, tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư; trong khi nhà đầu tư đòi hỏi nhiều hơn thế, bao gồm: bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm chuyển tài sản và lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, bảo đảm đầu tư đối với hợạt động đầu tư kinh doanh.

Do đó cần có một chương trình “Bảo đảm đầu tư” để quy định đầy đủ các nội dụng có liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư:

1) Bảo đảm quyền sở hữu tài sản - Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. - Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2) Bảo đảm chuyển tài sản, lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài Sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước Việt Nam, thì nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài những tài sản như vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư, thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh, tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư

3) Bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật - Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định điều kiện và ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng, thì nhà đầu tư được hưởng điều kiện và ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án. - Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định điều kiện và ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng, thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng điều kiện và ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án. -  Nhà đầu tư không được tiếp tục áp dụng điều kiện và ưu đãi đầu tư nếu thay đổi quy định của văn bản pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường. Trong trường hợp này, nhà đầu tư sẽ được xem xét giải quyết khi có yêu cầu bằng văn bản trong 03 năm kể từ ngày văn bản pháp luật mới có hiệu lực

  • Khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào thu nhập chịu thuế;
  • Điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư;
  • Hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại.

4) Bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư kinh doanh

Nhà đầu tư không buộc phải ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước; xuất nhập khẩu hàng hóa với tỷ lệ nhất định hay đặt trụ sở tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước… Ngoài ra, đối với những dự án quan trọng Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước tham gia thực hiện dự án đầu tư.

II. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ cho biết: Đối với các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngoài việc làm rõ mục đích, nội hàm của một số khái niệm liên quan, các quy định về vấn đề này được sửa đổi, bổ sung theo hướng bãi bỏ 14 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 8 ngành, nghề và bổ sung 4 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Riêng ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” được bổ sung vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật.

Một số vấn đề cần được thảo luận:

1) Theo quy định của Luật Đầu tư thì ngành nghề kinh doanh có điều kiện phân làm hai nhóm: (1) có giấy phép kinh doanh (doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động và phải được cấp phép trước khi hoạt động); (2) không cần giấy phép kinh doanh (doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động nhưng không phải xin cấp phép trước khi hoạt động). Vì vậy, quy định về hồ sơ, thủ tục hành chính là không thích hợp với trường hợp thứ hai. Cũng cần cân nhắc việc quy định về thời hạn có hiệu lực của đầu tư kinh doanh các ngành nghề có điều kiện vì quy định như vậy có nghĩa là khi hết thời hạn quy định tại Giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp phải làm thủ tục xin gia hạn (?). Tóm lại, việc xác định các nội dung cần phải có của điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ tạo ra sự minh bạch của quy định, tuy nhiên yêu cầu bắt buộc phải có hai nội dung trên chưa phù hợp với tất cả các trường hợp và dẫn tới một số bất cập khi triển khai thực hiện.

2) Nhà đầu tư và doanh nghiệp quan tâm nhất là tình trạng lạm dụng “Giấy phép con”; do đó cần ban hành Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện do Chính phủ quyết định. Ngoài doanh mục đó không có cơ quan nhà nước nào được quyền ban hành danh mục riêng để cấp “Giấy phép con”. Dự thảo Luật sửa đổi lại chưa có quy định nào để giải quyết tình trạng “gián tiếp vô hiệu hóa” Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, do quy định tại Luật đầu tư chưa làm rõ mối quan hệ giữa Luật đầu tư và các Luật ban hành sau về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện:  - Thời điểm sửa đổi Danh mục trong Luật đầu tư với thời điểm ban hành Luật có ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới. - Cơ chế kiểm soát việc ban hành mới các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, để đảm bảo các ngành, nghề này phù hợp với quy định tại Luật đầu tư.

3) Dự thảo bổ sung thêm 3 ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới là “tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp”; “đăng kiểm tàu cá”; “kinh doanh sản phẩm báo chí” với lý do để thống nhất với các văn bản pháp luật chuyên ngành. Một số chuyên gia cho rằng, với tư cách là luật gốc quy định về điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì việc xem xét để bổ sung hay bãi bỏ một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cần được dựa vào vào tiêu chí quy định tại Điều 7 Luật đầu tư, chứ không phải là vì các ngành, nghề này đã có trong các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Vì vậy, lý do để bổ sung các ngành, nghề này cần được giải trình lại theo hướng có phù hợp với Điều 7 Luật đầu tư (liên quan tới các lợi ích công cộng cần bảo vệ) hay không; Đối với “sản phẩm báo chí” quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật báo chí 2016 thì “sản phẩm báo chí là ấn phẩm, phụ trương của báo in; nội dung hoàn chính của báo điện tử; bản tin thông tấn; kênh phát thanh, kênh truyền hình; chuyên trang của báo điện tử”, phạm vi rất rộng  chồng lấn với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khác, ví dụ: “kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền”; “kinh doanh dịch vụ phát hành xuất bản phẩm”; “kinh doanh dịch vụ mạng xã hội”; “kinh doanh dịch vụ thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp”...

Trong khi khái niệm “kinh doanh sản phẩm báo chí”  không được đề cập đến trong Luật báo chí, vì vậy không rõ hoạt động kinh doanh này như thế nào? Các điều kiện kinh doanh áp dụng ra sao?. Vì vậy, cần giải trình lại lý do, căn cứ để bổ sung các ngành, nghề kinh doanh mới trong Danh mục kinh doanh có điều kiện; bỏ “kinh doanh sản phẩm báo chí” ra khỏi Danh mục này.

4) Đối với kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê Hiện tại kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được hướng dẫn cụ thể về các điều kiện. Tuy vậy, dịch vụ đòi nợ thuê không nhận được sự ủng hộ của xã hội vì gây mất an ninh trật tự, khi nhiều cá nhân của công ty thu hồi nợ hành xử manh động, uy hiếp, gây áp lực cho con nợ, đe dọa, cưỡng đoạt tài sản của con nợ. Nhiều nhóm đòi nợ thuê đã bị bắt giữ vì hành vi côn đồ. TP HCM có 75 doanh nghiệp đòi nợ thuê được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó chỉ có 47 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. Chính quyền thành phố lần thứ 2 kiến nghị với Chính phủ đưa loại hình dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.

Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ không phải là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi bạo lực, tội phạm. Theo Luật sư Đặng Văn Cường thì hiện tại có ba cách khác nhau để thu hồi khoản nợ từ khách hàng:

(1) người cho vay có thể tự thu hồi khoản nợ từ khách hàng;

(2) người cho vay thuê các công ty thu hồi nợ thu hồi khoản vay và

(3) người cho vay bán khoản nợ cho các tổ chức mua nợ trên thị trường. “Đòi nợ thuê” không phải tội phạm mà được công nhận là dịch vụ “đòi nợ”, được pháp luật công nhận và điều chỉnh. Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp và đã quá hạn thanh toán. Còn các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc nợ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ:

- Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài dịch vụ đòi nợ.

- Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định của pháp luật.

- Hoạt động dịch vụ đòi nợ thực hiện theo hợp đồng ủy quyền được ký kết giữa chủ nợ hoặc khách nợ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong phạm vi quyền được pháp luật công nhận. - Mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng). Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định.

Người đi đòi nợ phải thực hiện đúng thủ tục pháp luật quy định, nếu dùng vũ lực, cưỡng ép, cướp tài sản của người bị đòi nợ mà không phải do con nợ tự nguyện giao tài sản trả nợ thì có thể bị xử lý về các tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản... Trong quản lý nhà nước không nên tiếp cận theo phương pháp “những gì nhà nước không quản lý được thì cấm”. Còn một số vấn đề cần trao đổi để hoàn chính dự thảo của hai luật quan trọng này sẽ được các tham luận khác đề cập đến. (*) Tham luận đề dẫn tại Hội thảo Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức ngày 15/10/2019. GS-TSKH NGUYỄN MẠI

R1
: