Công văn số 23/HHDNĐTNN ngày 22/9/2020 về ý kiến đóng góp về dự thảo NĐ quy định chi tiết việc tuyển dụng, quản lý lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam

28/9/2020  
195

Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (Vafie) sau khi trao đổi và tổng hợp ý kiến doanh nghiệp hội viên và một số Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã có ý kiến đóng góp về dự thảo NĐ quy định chi tiết việc tuyển dụng, quản lý lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam tại Công văn số 23/HHDNĐTNN ngày 22/9/2020 như sau:

1. Về quan điểm xây dựng Nghị định: - Nội dung Nghị định không trái với các Luật hiện hành như Luật Lao động, Luật Doanh nghiêp... - Nội dung Nghị định cần hướng tới sự bình đẳng giữa các Doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp Việt Nam. - Giảm thiểu các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, - Phân biệt giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị cung cấp dịch vụ công. Các đơn vị cung cấp dịch vụ được đối sử bình đẳng.

  2. Về một số nội dung cụ thể: Thứ nhất, Dự thảo Nghị định đưa các “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài từ 51% trong vốn điều lệ của tổ chức” vào là 1 đối tượng áp dụng của Nghị định ( điểm e, khoản 2, điều 2 của dự thảo nghị dịnh) là không phù hợp với luật doanh nghiệp và luật lao động:

Luật Doanh nghiệp - Khoản 1 Điều 5: quy định “bảo đảm bình đẳng trước pháp luật các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế”   Khoản 6 Điều 7: quy định Quyền của doanh nghiệp: ”Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động”   Luật Lao động -  Khoản 5 Điều 4: quy định “có chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng hình thức kết nối cung, cầu lao động

Khoản 1 Điều 6 : Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động quy định “Người sử dụng lao động có quyền tuyển dụng, bố trí, điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động” Trong khi đó trong dự thảo quy định Điều 6: Trình tự, thủ tục tuyển dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định “Khi có nhu cầu tuyển dụng người lao động Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải gửi văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam đến tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam...”

Quy định này hạn chế quyền tự chủ trong tuyển dụng và quản lý lao động đối với Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài từ 51% trong vốn điều lệ của tổ chức như đã được nêu rõ trong hai luật trên.

Thứ hai, những bất cập khi áp dụng Nghị định dự thảo cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài từ 51% trở lên vốn điều lệ:

- Dự thảo Nghị định quy định áp dụng cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài từ 51% trở lên trong vốn điều lệ tổ chức, không áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp khác được quy định tại Luật doanh nghiệp. Như vậy quy định này chưa nhất quán tinh thần của Luật Doanh nghiệp là bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế;

- Thẩm quyền tuyển dụng, quản lý lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài từ 51% trở lên vốn điều lệ được giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ trưởng Bộ lao động

-Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập là chưa nhất quán với tinh thần của Luật Doanh nghiệp và Luật Lao động về lao động và quyền tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động của doanh nghiệp. Hơn nữa, nghị định về tuyển dụng, quản lý lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam đã được áp dụng hơn 21 năm (từ Nghị định 85/1998/NĐ-CP hiệu lực ngày 01/01/1999), vai trò của tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý NLĐ Việt Nam (ví dụ: trung tâm dịch vụ việc làm) trong việc là cầu nối tuyển dụng giữa NLĐ và NSDLĐ ( đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài từ 51% trở lên) chưa được thể hiện rõ ràng khi trên thực tế, hầu hết việc tuyển dụng đều được thực hiện trực tiếp giữa NLĐ và NSDLĐ.

- Điều 6 Dự thảo Nghị định quy định về trình tự thủ tục tuyển dụng người lao động Việt Nam làm việc cho nước ngoài sẽ làm kéo dài thời gian tuyển dụng, tăng thêm thủ tục hành chính, chưa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và đa dạng hóa các hình thức kết nối cung, cầu lao động.

Thứ ba, hiện tại, tất cả người sử dụng lao động đều phải nộp báo cáo về tình hình thay đổi lao động định kỳ 06 tháng và hằng năm tới Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng LĐTB&XH) hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐTB&XH) theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 03/2014/NĐ-CP. Sau đó, Phòng LĐTB&XH báo cáo Sở LĐTB&XH để tổng hợp và báo cáo Bộ LĐTB&XH và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Việc Dự thảo Nghị định yêu cầu tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam phải nộp báo cáo về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam (khoản 3 điều 8 của dự thảo) sẽ gây ra sự trùng lặp giữa các quy định pháp luật khi hai báo cáo (trong đó: báo cáo về tình hình thay đổi lao động theo Nghị định số 03/2014/NĐ-CP đã bao gồm nội dung về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam của báo cáo theo Dự thảo) đều gửi về một cơ quan quản lý là Sở LĐTBXH.  

Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị: 1. Bỏ điểm e khoản trong điều 2 của dự thảo, như vậy “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài từ 51% trong vốn điều lệ của tổ chức” không thuộc diện áp dụng trong nghị định. 2. Không áp dụng khoản 3 điều 8 của nghị định đối với “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài từ 51% trong vốn điều lệ của tổ chức”

R1
: