Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án Luật PPP

29/4/2020  
221

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án Luật PPP Ngày 20/4/2020, thực hiện chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự Phiên họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án Luật PPP

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 43, đại biểu Quốc hội chuyên trách, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PPP. Báo cáo một số vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Điều 3, áp dụng luật và điều ước quốc tế, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Phương án 1, quy định nội dung khoản 2 Điều 3 tại dự thảo Luật nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP.

Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP. Phương án 2, không quy định nội dung khoản 2 Điều 3 vì không phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phạm vi điều chỉnh của Luật PPP tương đối cụ thể, không bị chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của các luật khác nên không cần thiết có quy định về ưu tiên áp dụng pháp luật. Trường hợp cần ưu tiên áp dụng Luật PPP so với các luật khác tại các nội dung cụ thể của Luật PPP thì cần chỉ rõ tại điều khoản quy định về nội dung đó.

Về lĩnh vực đầu tư dự án PPP quy định tại khoản 1 Điều 5, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. Để phù hợp với thực tiễn, dự thảo Luật quy định nguyên tắc chung, chỉ rõ 5 nhóm lĩnh vực thể hiện tại khoản 1 Điều 5 với các lý do lựa chọn các lĩnh vực này như trong bản đầy đủ của dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Đồng thời, nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong triển khai trên thực tế, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 5 để xử lý tình huống phát sinh dự án ngoài lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 5 nhưng cần thiết, đáp ứng 4 điều kiện và có khả năng thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, cơ quan có thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư theo phương thức PPP.

Về quy mô đầu tư dự án PPP tại khoản 3 Điều 5, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Phương án 1, Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 5, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng. Quy định này thống nhất với định hướng thu hẹp lĩnh vực đầu tư dự án PPP như đã nêu ở trên, xác định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP nhằm bảo đảm có sự tập trung đầu tư lớn vào các dự án PPP quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân. Đối với các dự án đầu tư tại vùng sâu, vùng xa chủ yếu thực hiện thông qua đầu tư công vì nếu đầu tư qua phương thức PPP sẽ không bảo đảm nguồn thu để duy trì việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công cũng như khó thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư cùng Nhà nước.

Phương án 2, Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với từng lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, y tế... hoặc theo địa bàn như đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa. Quy định này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn khó khăn, có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội và giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng trong khi nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu. Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP tại Điều 19, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án.

Phương án 1, khi tổng mức đầu tư dự án PPP tăng so với tổng mức đầu tư đã được quyết định tại bước chủ trương đầu tư dự án thì phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư vì cho rằng việc tăng tổng mức đầu tư sẽ làm thay đổi phương án tài chính cũng như hiệu quả của dự án PPP. Khi điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi cũng không được phép làm tăng tổng mức đầu tư. Quy định này nhằm quản lý chặt chẽ dự án, tránh tình trạng lách luật, tăng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức lập, trình dự án PPP và cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời phù hợp với quy định tại Luật đầu tư công.

Phương án 2, để hạn chế việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần và tránh thủ tục phức tạp, kéo dài, dự thảo Luật quy định trường hợp thay đổi tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên thì mới phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP. Về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP tại Điều 86, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công.

Do đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước như sau: Kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP; Kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có) quy định tại Điều 73 của Luật này, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần quy định tại điểm a khoản 5 Điều 71 của Luật này, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật này; Kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP; Khi chuyển giao cho Nhà nước, thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP. Ngoài một số nội dung trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tiếp thu, giải trình chi tiết và đầy đủ nhiều nội dung khác của dự án Luật tại dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật; tiếp thu, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án Luật PPP

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình, thống nhất với Báo cáo của Ủy ban Kinh tế. Đồng thời đề nghị, về điều luật áp dụng thì áp dụng theo Phương án 1 bởi nếu không có cam kết, không tạo được sự yên tâm cho các nhà đầu tư thì rất khó thu hút đầu tư. Về lĩnh vực đầu tư dự án PPP, đề xuất lược bỏ lĩnh vực “trụ sở cơ quan nhà nước” ra khỏi lĩnh vực đầu tư dự án PPP, chỉ quy định 05 lĩnh vực, bao gồm: Giao thông vận tải; Nhà máy điện, lưới điện; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; y tế; giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin. Về quy mô đầu tư dự án PPP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất Phương án 1 và cho rằng những dự án ở vùng sâu, vùng xa nên chuyển sang đầu tư công, Nhà nước phải đảm bảo, phải thực thi không nên đưa vào hình thức PPP.

Tuy nhiên, có thể thiết kế một phương án những dự án y tế, giáo dục hay những vùng đặc thù có quy mô thấp hơn quy định ở mức không thấp hơn 100 tỷ, còn lại các dự án khác không được thấp hơn 200 tỷ. Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, “chúng tôi thiên về Phương án 2, đó là nếu có sự điều chỉnh trên 10% mới phải xem xét làm lại điều chỉnh chủ trương. Vì dự án PPP thời gian rất dài, từ khi lập cho đến khi xây dựng dự án, đầu tư, vận hành có sự điều chỉnh rất nhiều. Nếu điều chỉnh nhỏ mà chúng ta cũng lại phải quay lại bước chủ trương đầu tư sẽ thêm thủ tục rất phức tạp, kéo dài thời gian và hiệu quả dự án sẽ thấp đi.” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và đề nghị, nếu điều chỉnh dưới 10% không cần phải làm lại bước chủ trương đầu tư.

Về cơ chế chia sẻ giảm doanh thu, đây là vấn đề rất lớn và quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ khi nào thì chia sẻ rủi ro, chia sẻ rủi ro ở mức nào, trường hợp rủi ro nào Nhà nước chịu, trường hợp rủi ro nào nhà đầu tư chịu theo cơ chế thị trường. Không thể cứ giảm doanh thu là chia sẻ rủi ro, có thể chỉ khi bị thua lỗ Nhà nước mới hỗ trợ bù lỗ một phần cho nhà đầu tư theo một tỷ lệ hợp lý. Về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, dự thảo Luật được thiết kế lại theo các mức độ và giai đoạn mà Kiểm toán nhà nước sẽ tham gia.

Cụ thể, thứ nhất sẽ kiểm toán ngay từ khâu đầu tiên, đó là việc tuân thủ các quy trình chuẩn bị dự án và kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Thứ hai, kiểm toán bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình cơ sở hạ tầng, tức là phần của nhà nước mà hỗ trợ vào khi được tách ra thành các dự án thành phần thì phải kiểm toán lại hết. Thứ ba, kiểm toán hoạt động để đánh giá tính hiệu quả và chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Thứ tư, kiểm toán khi chuyển giao cho nhà nước toàn bộ giá trị tài sản. Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến đánh giá Ủy ban Kinh tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực trong việc phối hợp, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách để hoàn thiện dự thảo Luật và kỳ vọng sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới đây.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án Luật PPP

Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hoan nghênh Ủy ban Kinh tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu, giải trình sát với tinh thần kết luận của Phiên họp thứ 43 và lưu ý một số vấn đề. Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Luật cần đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong hệ thống pháp luật, ngoài ra cần có những quy định đặc thù để thu hút đầu tư.

Nghiên cứu, rà soát kỹ Điều 3 để quy định chặt chẽ và cụ thể, vì PPP liên quan rất nhiều đến doanh nghiệp nước ngoài. Thứ hai, về lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPP, vẫn tiếp tục theo hướng là thu gọn và khẳng định một nguyên tắc chỉ những lĩnh vực đầu tư công do nhà nước phải đảm nhiệm, nhưng một doanh nghiệp không thực hiện hoặc không đủ sức thực hiện mới áp dụng hình thức PPP, có sự hỗ trợ của nhà nước như giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư, ... Thứ ba, về quy mô đầu tư của dự án PPP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý kết hợp 2 phương án, quy định là đối với dự án giáo dục, y tế hay dự án đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì mức tối thiểu là 100 tỷ, còn ngoài khu vực này là 200 tỷ. Thứ tư, về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, kết hợp cả 2 phương án, vừa đảm bảo chặt chẽ, vừa nâng cao trách nhiệm của người thẩm định, của người ra quyết định đầu tư, nhưng cũng đồng tình chỉ điều chỉnh khi đã sử dụng hết nguồn dự phòng mà quy mô dự án tăng thêm trên 10% thì mới điều chỉnh, đồng thời cũng phải có quy định mức trần. Thứ năm, về cơ chế chia sẻ rủi ro, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình, cho đây là một hướng mới, mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau.

Tuy nhiên, đây là một phương án cởi mở để có thể thu hút được các nhà đầu tư cho nên sẽ có chia sẻ rủi ro và chia sẻ rủi ro với một điều kiện là khi tăng, giảm kết quả sản xuất, kinh doanh, hoặc giảm doanh thu, khi nhà nước thay đổi, hay nói cách khác là lỗi của nhà nước như thay đổi quy hoạch, chính sách pháp luật ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh thì nên có chia sẻ. Thứ sáu, về hoạt động kiểm toán, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thiết kế 4 giai đoạn của kiểm toán là quá chặt chẽ và phức tạp. Khi Nhà nước chỉ đóng góp phần giải phóng mặt bằng vào dự án nhưng thiết kế 4 giai đoạn của kiểm toán, các nhà đầu tư rất ái ngại khi tham gia đầu tư. Thứ bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát lại các Điều 70, 71, 72, 73 cũng như Điều 80, 81, 82, 83. Rà soát lại Điều 66 về việc áp dụng giá, phí rất quan trọng, liên quan đến Luật Giá, Luật Phí, hay Điều 27, v.v. Đồng thời rà soát lại những phương án mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng phải cân nhắc. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp với Cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo toàn diện ở mọi góc độ để trình Quốc hội xem xét thông qua./.

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ KH&ĐT

: