Tọa đàm tham vấn xây dựng dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam

6/12/2019  
21

Ngày 05/12/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan phát triển Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) tổ chức buổi Tọa đàm tham vấn xây dựng dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C). Thứ trưởng Vũ Đại Thắng và Phó Giám đốc USAID tại Việt Nam Craig Hart đồng chủ trì Tọa đàm.

Tham dự buổi Tọa đàm có đại diện một số lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương và đại diện USAID tại Việt Nam.

Tọa đàm tham vấn xây dựng dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI

 

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam có hơn 30 năm đổi mới và khu vực kinh tế tư nhân đã từng bước được hình thành và đang ngày càng trở thành động lực phát triển rất quan trọng của nền kinh tế. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7, khóa 12 năm 2017, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết rất quan trọng xác định vị thế của khu vực kinh tế tư nhân là động lực để phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới.

Với vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong việc kiến tạo, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và bình đẳng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian qua đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành các Nghị quyết, chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp đặc biệt là phát triển doanh nghiệp tư nhân trong đó đáng kể nhất là các Luật về đầu tư, Luật doanh nghiệp và gần đây nhất là Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn trong môi trường đầu tư kinh doanh cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân cũng đã được Chính phủ ban hành trong những năm vừa qua.

Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế một cách bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình và được Chính phủ thông qua Đề án phát triển khu vực kinh tế tư nhân bền vững năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tương ứng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030. Đề án đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng cả về chất lượng và số lượng, từ đó tạo nền tảng vững chắc cũng như tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn sắp tới.

Tính đến nay, số lượng các đơn vị sản xuất kinh doanh của tư nhân đã lên đến gần 6 triệu đơn vị trong số đó có trên 750 nghìn doanh nghiệp ở các cấp các quy mô. Cùng với xu hướng phát triển về khoa học và công nghệ các doanh nghiệp chuyển dịch sang hướng theo mô hình kinh doanh sáng tạo, hiệu quả và bền vững. Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành ở nhiều quy mô, tạo dựng nên sự cạnh tranh rất mạnh mẽ từ trong nước cũng như ở nước ngoài trong khu vực và trên thế giới thuộc nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ cao, sản xuất ô tô, xe máy… Các tập đoàn kinh tế tư nhân đóng góp xấp xỉ 50% GDP của cả nước, tạo ra khoản thu ngân sách trên 30% đóng góp cho ngân sách nhà nước. Hằng năm, đầu tư ở khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 45% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đặc biệt là sử dụng trên 80% lực lượng lao động của Việt Nam. Điều đó thể hiện khu vực tư nhân đã và đang ngày càng trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.

Cho đến nay, với vị trí và vai trò ngày càng quan trọng như vậy nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn gặp một số những khó khăn, hạn chế như quy mô còn nhỏ, lẻ, manh mún, đặc biệt hệ thống chính sách của nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng được các yêu cầu để các doanh nghiệp theo đuổi các mục tiêu kinh doanh của mình. Chính vì, vậy trong nhiều năm qua và trong giai đoạn tới Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng, hình thành các chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam và nước ngoài được tham gia thị trường cạnh tranh một cách bình đẳng. Trong quá trình xây dựng các chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các Bộ, ngành luôn đánh giá cao sự tham gia của cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển của Việt Nam đặc biệt là sự tham gia của USAID tại Việt Nam trong những năm vừa qua.

Tọa đàm tham vấn xây dựng dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: MPI

Trưởng phòng Tổng hợp và Chính sách, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thị Hương trình bày khái quát về tình hình phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 10 tháng năm 2019 là 149.324 doanh nghiệp (tăng 8,6% so với cùng kỳ 2018). 114.456 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 4,4%) và 34.868 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 24,8%). Trung bình mỗi tháng có 14.932 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Với mục tiêu phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động và đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với nhóm dẫn đầu của khối ASEAN.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp tư nhân. Tăng cường liên kết doanh nghiệp. Từ đó có định hướng, giải pháp phát triển khu vực tư nhân bền vững: Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước về phát triển doanh nghiệp tư nhân. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, thống kê đồng bộ, thống nhất và liên thông giữa các cấp chính quyền.

Tạo lập môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm trong việc phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo quốc gia. Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy sản xuất thông minh tập trung ở một số ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, chế biến chế tạo, dịch vụ). Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững (kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế bao trùm,…).

Tăng cường liên kết doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ngang bằng với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN (ASEAN-4). Tập trung nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hình thành hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Hình thành và phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, trở thành lực lượng dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Mục tiêu là tiếp tục tháo gỡ những rào cản, tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam trong giai đoạn tới bằng những kinh nghiệm thực tế của mình, các đại biểu đã chia nhóm thảo luận đề xuất, trao đổi nhằm đưa ra được những ý tưởng một cách rõ ràng nhất để hướng tới mục tiêu làm thế nào để dự án khi khởi động đưa vào thực tiễn sẽ phục vụ tốt nhất cho cộng đồng các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Qua đó đóng góp thiết thực cho sự phát triển một cách bền vững, lành mạnh của khu vực kinh tế tư nhân vốn rất năng động và đang có nhu cầu phát triển mạnh mẽ./.

Theo http://www.mpi.gov.vn

: