Ấn Độ, Campuchia sợ mất thị phần vào tay Việt Nam vì TPP

24/12/2016  
22

Ấn Độ

Hiệp định TPP đạt được thỏa thuận sẽ tạo ra sân chơi chung với chuẩn mực cao cho 12 nước, chiếm tới gần 40% GDP toàn cầu.

Tuy nhiên là một nước không tham gia hiệp định, Ấn Độ xem đây là một yếu tố cần phải cẩn trọng theo dõi tác động, trong cả trung hạn và dài hạn.

Tờ India Times nhận định phần lớn quá trình 5 năm ròng rã thương lượng giữa các nước được giữ bí mật, điều khiến nhiều quốc gia ngoài lề cảm thấy bất an, trong đó có cả Ấn Độ.

Nước này không chỉ đối mặt nguy cơ mất thị phần tại Mỹ vào tay Việt Nam, New Delhi tỏ ra quan ngại trước khả năng các thỏa thuận trên bàn đàm phán WTO cũng "thấm dần" tác động từ các vấn đề liên quan đến thị trường lao động, môi trường và bảo hộ đầu tư.

Trên thực tế, 7 trong số 12 nước thành viên của TPP cũng tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong đó có Ấn Độ là thành viên. Không loại trừ khả năng các nước tham gia TPP sẽ điều chỉnh quy chuẩn đàm phán RCEP giống TPP.

"Chúng tôi cho rằng một số nước tham gia cả hai hiệp định thương mại sẽ gây sức ép và kêu gọi tạo sự tương đồng giữa hai thỏa thuận", quan chức Bộ Công thương Ấn Độ trả lời trước thềm thảo luận RCEP được tổ chức tại Busan, Hàn Quốc trong tuần tới.

Ấn Độ có thỏa thuận thương mại với Singapore và Nhật Bản, đang trong quá trình ký kết với Úc và New Zealand, do đó thị phần của Ấn Độ tại các nước này không đáng lo ngại.

"Chúng ta không có thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ, đây là điểm yếu. Việt Nam có thể cạnh tranh với Ấn Độ tại thị trường Mỹ, và hiện đang có lợi thế vượt trội. Việt Nam có thể tiếp cận lĩnh vực như dệt may, quần áo, da giày tại Mỹ với hàng rào thuế quan bằng 0%", ông Abhijit Das, Giám đốc trung tâm nghiên cứu WTO thuộc viện thương mại quốc tế Ấn Độ, nhận định.

Đặc biệt, ông cho rằng các nhà sản xuất hàng dệt may của Ấn Độ phải cực kỳ cẩn trọng trước quy định nguyên tắc xuất xứ “Từ sợi trở đi” (Yarn-Forward) của TPP. Nguyên tắc quy định các sản phẩm dệt may phải được sản xuất gia công với nguyên liệu từ một nước là đối tác tự do thương mại của Mỹ thì mới được miễn thuế/áp dụng thuế suất ưu đãi khi nhập vào thị trường Mỹ.

Campuchia

Ông Ken Loo, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia, nhận định TPP có thể "ăn mòn" lợi thế cạnh tranh vốn đã teo tóp của đất nước này.

"Chúng ta không có khả năng cạnh tranh, đó là lý do tại sao kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giảm sút từng năm".

Theo ông, TPP sẽ loại bỏ dần hầu hết hàng rào thuế quan trong lĩnh vực dệt may, chỉ để lại một số mặt hàng nhạy cảm, nhưng chúng cũng sẽ được nới lỏng trong dài hạn. Đến lúc đó, tình hình xuất khẩu sẽ ngả theo chiều hướng có lợi cho Việt Nam, buộc Campuchia phải lệ thuộc nặng nề hơn vào thị trường châu Âu, vốn đã chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ hưởng lợi từ TPP, Việt Nam còn được hưởng ưu đãi thuế suất gạo bằng 0 vào Liên minh châu Âu – thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Campuchia, đại diện công ty tư vấn Bower Group Asia nhận xét.

Ông Van cho rằng hiệu ứng cộng gộp giữa TPP và FTA Việt Nam – EU gần đây có thể "để lại một lỗ hổng trong nền kinh tế Campuchia".

"Nó có thể châm ngòi cho một đợt khủng hoảng tài chính tại Campuchia khi nhà đầu tư thoái vốn FDI và chuyển sang Việt Nam, triệt tiêu đáng kể việc làm và cơ hội kinh doanh", ông chỉ ra.

Dè chừng

Không chỉ Ấn Độ, nhiều quốc gia trong khu vực không tham gia TPP cũng đang dè chừng trước các tác động bất lợi từ thỏa thuận.

Phát ngôn viên Ngân hàng Trung ương Thái Lan - ông Chirathep Senivongs Na Ayudhya - cảnh báo Việt Nam có thể tận dụng triệt để lợi ích từ TPP, vì nước này chưa ký FTA với bất ký quốc gia nào tham gia hiệp định. Bản thân Thái Lan hiện đang ký kết FTA với Mỹ.

Nếu chính quyền Bangkok quyết định không tham gia TPP, Malaysia và Việt Nam có thể nhanh chóng tiếm ngôi vị trí đầu bảng của Thái Lan trên thị trường xuất khẩu ô tô trong khu vực, đại diện hiệp hội ô tô thuộc Liên đoàn công nghiệp Thái Lan nhận định.

Ấn Độ, Campuchia sợ mất thị phần vào tay Việt Nam vì TPP

"Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong lĩnh vực sản xuất da giày và may mặc, nhưng yếu tố này sẽ củng cố lợi thế cạnh tranh trong mắt nhà đầu tư ngoại, khi họ đang tìm hướng chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, tạo công ăn việc làm và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam", bà Johanna Chua, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Citigroup nhận xét.

Những nước châu Á khác không thuộc TPP như Campuchia, Indonesia, Myanmar và Thái Lan có thể để thua trong cuộc chiến thu hút các nhà sản xuất đa quốc gia, bà cảnh báo.

Đồng quan điểm, ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế tại HSBC, cho rằng TPP sẽ mang lại những lợi ích rõ rệt cho các công ty ngoại đang rót vốn vào lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam.

"Các lĩnh vực như linh kiện ô tô vẫn đang được Mỹ bảo hộ chặt chẽ. Thái Lan đạt được nhiều chuyển biến tích cực trong ngành sản xuất ô tô, nhưng nước này không có tên trong TPP, điều cho phép Việt Nam hay Mexico vươn lên giành lợi thế".

LỀ PHƯƠNG

: