Apple đầu tư 1 tỷ USD: Tránh những thỏa thuận ngầm

24/12/2016  
29

Giấc mơ không dang dở

Thông tin cho biết Apple đang lên kế hoạch xây dựng trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trị giá 1 tỷ USD tại Hà Nội. Đây được coi là bước đi đầu tiên của gã khổng lồ công nghệ tại Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu Apple chủ động đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư lớn khác có thể theo đuôi Apple để tiến vào, điều này sẽ tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Hiếu cho biết, có nhiều lý do để Apple lựa chọn Việt Nam như, giá nhân công rẻ, nguồn lao động có tay nghề cũng được nâng lên. Trong tương lai, khi các cam kết TPP được thực hiện, các sản phẩm mang nguồn gốc xuất xứ Việt Nam sẽ được miễn giảm thuế khi xuất khẩu vào Mỹ và 12 nước thành viên cùng tham gia. Cũng giống những nhà đầu tư khác, Apple chắc chắn không nằm ngoài sự tính toán trên.

Tuy nhiên, ông Hiếu lưu ý, TPP vẫn đang trong giai đoạn thương thảo. Dù được đã ký kết nhưng TPP chưa được Quốc hội nước nào phê chuẩn. Ngay cả nước Mỹ. Vì thế, từ việc ký kết hiệp định TPP tới thời điểm hiệp định này có hiệu lực và đi vào hoạt động còn rất xa. Thời điểm này, chính là lúc các nhà đầu tư đang chuẩn bị sẵn các điều kiện cơ sở hạ tầng cho giai đoạn hội nhập khi TPP chính thức đi vào hoạt động.

"Đây là lý do để Apple và nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác muốn xem xét chuyển trụ sở về Việt Nam. Và theo dự báo, xu hướng trên sẽ còn gia tăng nhiều hơn trong tương lai".

Về địa điểm lựa chọn, ông Hiếu cho biết, có thể Apple sẽ lựa chọn HN cũng có thể là bất kỳ địa phương nào nếu nó phù hợp với điều kiện kinh doanh sản phẩm của họ.

Ông Hiếu lưu ý, thu hút một dự án có nguồn vốn lên tới 1 tỷ USD là rất lớn. Chắc chắn, sẽ có một cuộc chạy đua ưu đãi giữa các địa phương nhằm lôi kéo cho được dự án về với tình mình. Điều này, hoàn toàn là dể hiểu.

Ông phân tích mấy lý do sau: Có dự án sẽ giải quyết được vấn đề lao động, việc làm; có dự án sẽ có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; có dự án còn có tăng trưởng GDP; có dự án còn là cơ hội nâng tầm thương hiệu cho địa phương, tạo ấn tượng, điểm nhấn cho địa phương đó trong các thương vụ thu hút đầu tư tiếp theo....

Mặt khác, Apple lại là một trong những thương hiệu về công nghệ thông tin lớn nhất thế giới cùng với Samsung, LG, vì thế sự có mặt của thương hiệu trên sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho địa phương nói riêng cũng như Việt Nam nói chung. Có thể xem đây là cơ hội mở đường nuôi dưỡng tiếp giấc mơ "thung lũng silicon" mà Việt Nam đã bỏ dở từ cách đây 20 năm trước.

Việt Nam cần làm gì?

Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, để hình thành thung lũng silicon đòi hỏi Việt Nam phải có kế hoạch cũng như những bước đi rất cụ thể cũng như một chiến lược thu hút đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Để làm được như vậy, theo ông Hiếu Việt Nam cần phải chuẩn bị những yêu cầu sau:

Thứ nhất, về vị trí địa lý. Vị trí được lựa chọn phải đảm bảo thuận lợi cho quá trình sản xuất, phát triển của nhà đầu tư.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng, giao thông phát triển, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, kết nối logistics tốt. Bên cạnh đó, những yếu tố chịu tác động đi kèm như trung tâm thương mại, thị trường BĐS cũng phải được tính toán, chuẩn bị kỹ.

Thứ ba, phải có sự chuẩn bị, tính toán về nhân sự, lao động phục vụ cho dự án.

Thứ tư là vấn đề tay nghề. Bên cạnh lao động phổ thông tham gia làm việc tại dự án cũng phải lưu ý đào tạo một số lượng kỹ sư, lao động có tay nghề, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất của Apple.

Thứ năm, chính sách của Chính phủ cụ thể thế nào với một dự án công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam.

Vấn đề chuyển giao công nghệ sẽ được đặt ra thế nào? Sự tính toán của Việt Nam ra sao trong trường hợp Apple sẽ rút đi khi đã tận dụng hết những lợi thế? Việt Nam sẽ được gì từ dự án này?

Rút ra bài học từ những dự án trước, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cách hay nhất để bước được vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài có lẽ phải xuất phát từ Bộ Công thương và Bộ KHĐT.

"Là đơn vị chủ quản, hai bộ cần phải trao đổi trực tiếp với Apple, dựa trên những yêu cầu, đề xuất của nhà đầu tư mà đưa ra những tư vấn hợp lý về địa điểm cũng như thảo luận về kế hoạch sản xuất, kinh doanh của họ. Dựa trên yêu cầu, nguyện vọng của họ mới tính tới lựa chọn địa phương có điều kiện phù hợp.

Cuối cùng, việc thu hút phải nằm trong một chiến lược tổng thể của cả quốc gia. Bao gồm từ khâu tìm tiếm địa điểm, nhân lực, doanh nghiệp sản xuất phụ trợ… ". Vì thế, ông Hiếu mới nói, bài toán lợi ích cần phải được tính toán khách quan.

"Trong mối tương quan chung, mọi chính sách thương lượng đều hướng tới lợi ích quốc gia. Không thể có tình trạng Bộ Công thương hay Bộ KHĐT muốn ưu đãi "con này, cháu kia" mà lôi kéo dự án đó về cho mình", ông Hiếu lưu ý.

Theo vị chuyên gia, điều quan trọng của Việt Nam bây giờ là phải tránh tránh những thương lượng ngầm như vậy.

Mặc dù thừa nhận, rất khó ngăn chặn những thương lượng ngầm mà chỉ hướng tới lợi ích của một vài cá nhân hay lợi ích của một nhóm người. Nhưng để thu hút có hiệu quả, Việt Nam bắt buộc phải có giải pháp ngăn chặn tình trạng tham nhũng, hối lộ, đi đêm với các đối tác nước ngoài, hoặc đề xuất mang tính nhóm. Bên cạnh đó, là những chính sách giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý. Nếu không làm được như vậy, cuối cùng cái Việt Nam có được chỉ là một chút việc làm cho lao động giá rẻ, nhưng cái nhận được là ô nhiễm môi trường, sản xuất vẫn không có gì, ông Hiếu nhấn mạnh.

Phải sử dụng quyền lựa chọn của mình

Liên quan tới những chính sách mở cửa thu hút công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thời gian qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định đó là một chủ trương đúng, nếu làm tốt sẽ là nhân tố hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Ông cho biết, trên thế giới, không phải nước nào cũng có thể thực hiện được trọn vẹn chuỗi giá trị sản xuất từ A tới Z.

"Vấn đề của Việt Nam là làm sao tận dụng được lợi thế của mình cũng như phải có cái nhìn nhận đúng về năng lực của mình. Từ đó, xác định xem Việt Nam có thể tham gia vào công đoạn nào, công đoạn nào có thể tạo ra hiệu quả cao nhất chứ không phải thu hút tràn lan, cho nhiều nhận về không đáng bao nhiêu", ông Hiếu nói.

Nhắc lại những bài học trong quá khứ, vị chuyên gia nhấn mạnh: "Khi làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam mới chỉ làm công theo theo đơn đặt hàng để tận dụng lao động rẻ.

Nhưng, trong tương lai lợi thế này sẽ không còn. Vì thế, cần phải xác định lại mục tiêu để tham gia được vào từng công đoạn sản xuất của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, phải đầu tư, đào tạo, xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề cao".

Ông cho biết, lâu nay, Việt Nam luôn sử dụng còn bài ưu đãi nhằm lôi kéo, thu hút nhà đầu tư. Rõ ràng, chính sách ưu đãi là nhân tố quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng phải xác định giới hạn của chính sách ưu đãi đó.

"Việt Nam phải xác định bài toán được – mất. Ví dụ, ưu đãi vị trí, mặt bằng tuy nhiên cũng không thể vì quá hăm hở thu hút mà lại đưa ra những chính sách ưu đãi quá đáng vì người chịu thiệt chỉ là Việt Nam. Thời gian Việt Nam phải thu hút đầu tư nước ngoài bằng bất cứ giá nào đã qua rồi, bây giờ không phải là thời điểm phải ưu đãi tất cả nữa'' - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Cùng với lý do này, ông Hiếu lý giải vệc Bộ KHĐT đã bác nhiều đề xuất ưu đãi của Samsung tại Hà Nội.

Theo đó, đây là những đòi hỏi quá vô lý. Gần như họ đã xin miễn trừ tất cả những gánh nặng về thuế, gánh nặng tài chính trừ thuế thu nhập. Như vậy, rõ ràng đòi hỏi là rất quá đáng. Vì thế, Bộ từ chối là hợp lý.

"Hơn nữa, bây giờ chính là là lúc Việt Nam có thể đưa ra điều kiện mặc cả và sử dụng quyền lựa chọn của mình để chọn mặt gửi vàng. Sẽ không chỉ có một Samsung muốn đầu tư ở Việt Nam mà sẽ có một vài nhà đầu tư lớn tương tự như Samsung, Apple. Vì thế, lúc này chính là thời điểm Việt Nam không cần phải ngần ngại bác một dự án nếu đầu tư chỉ thấy lợi cho doanh nghiệp", ông Hiếu nhắc nhở.

Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý là sự nhất quán trong chính shch thu hút chung của Chính phủ. Theo ông, Chính phủ phải có một kế hoạch mang tính nhất quán, không thể có chuyện bạc đãi nhà đầu tư này mà ưu ái nhà đàu tư khác vì như vậy sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu, làm mất uy tín của Việt Nam. Đồng thời, tránh những suy nghĩ vào Việt Nam đầu tư, ngoài việc ưu đãi rất nhiều sẽ còn có những chính sách ưu đãi khác biệt nữa.

TS. Hiếu nhấn mạnh, chính sách ưu đãi phải tương thích với nền sản xuất trong nước. Không thể đưa ra một chính sách ưu đãi mà không quan tâm tới những thiệt thòi của doanh nghiệp trong nước.

"Nếu mọi chính sách ưu đãi dồn cho doanh nghiệp nước ngoài, dồn ép, o ép DN trong nước sẽ rất nguy hiểm. DN trong nước không thể cạnh tranh phát triển được, thậm chí có muốn đuổi cũng phải vắt chân lên cổ mà chạy", ông Hiếu nói.

Theo Báo Đất Việt

: