Chính thức ký TPP: “Việt Nam sẽ đạt được lợi ích to lớn và cốt lõi”

23/12/2016  
16

Sáng nay (4/2) Hiệp định TPP đã chính thức được ký kết tại Auckland (New Zealand), 12 Bộ trưởng và Trưởng đoàn đàm phán của 12 nước thành viên lần lượt ký kết hiệp định với sự chứng kiến của Thủ tướng New Zealand - John Key.

Thủ tướng John Key cho biết, TPP thực sự là một hiệp định lớn và New Zealand tự hào góp phần đưa Hiệp định này tới bàn ký kết. Theo ông, TPP giúp tự do hóa thương mại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao thương trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và về tổng thể sẽ mang lại những lợi ích tốt nhất cho tất cả 12 nước thành viên cũng như công dân các nước này.

Đồng thời, Thủ tướng John Key cũng nhấn mạnh tất cả các quốc gia cần nỗ lực giúp TPP được phê chuẩn trong nước.

Sau lễ ký này, mỗi nước có thời gian 2 năm để thực hiện các quy trình nội bộ, hoàn tất thủ tục phê chuẩn tại Quốc hội để TPP có hiệu lực. Thỏa thuận này sẽ chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 6 nước thành viên, chiếm tối thiểu 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kết hợp của cả 12 nước, phê chuẩn.

Đại điện Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, đối với Việt Nam, việc ký kết hiệp định TPP có thể coi là cột mốc lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bởi đây là lần đầu tiên chúng ta đàm phán và ký một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như TPP.

“Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta có bước trưởng thành lớn kể từ khi tham gia ASEAN năm 1995. Hiệp định TPP sẽ đem lại cơ hội lớn cho kinh tế đất nước, góp phần thức hiện thắng lợi đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước chúng ta trong quá trình hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng trong sáng nay, Bộ Công Thương đã chính thức công bố toàn văn Hiệp định TPP bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha và bản dịch tiếng Việt.

Nhiều nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cũng như trong nước cho rằng, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất khi thực thi TPP, nhất là trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, thu hút dịch vụ và đầu tư.

Dự báo, TPP sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025 nhờ cơ hội mở rộng thị phần với các thị trường lớn như Mỹ, Canada Nhật Bản… khi thuế nhập khẩu được hạ về mức 0%.

Việt Nam sẽ đạt lợi ích to lớn và "cốt lõi"

Theo tài liệu công bố ban đầu của Bộ Công Thương dẫn nhận định của Ban Kinh tế trung ương, Việt Nam được đánh giá sẽ đạt được các lợi ích lớn và lợi ích “cốt lõi” khi tham gia vào TPP.

Đối với ngành dệt may, thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ giảm 50% ngay năm đầu tiên TPP có hiệu lực (tương đương 1 tỷ USD) và tăng lên trong những năm tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 30%. Về quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, có một số linh hoạt như nhập nguyên liệu từ nước thứ ba để sản xuất hàng dệt may xuất khẩu vào Hoa Kỳ vẫn được hưởng ưu đãi theo TPP.

Đối với ngành da giày, dự kiến giảm khoảng 60% số thuế nhập khẩu phải nộp cho Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu được đánh giá dự kiến tăng khoảng 25% so với tốc độ tăng 15% trước khi tham gia TPP. Kim ngạch xuất khẩu nông sản, thuỷ sản và sản phẩm chế biến có khả năng tăng lên.

Ban Kinh tế trung ương khẳng định, tham gia TPP là cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao (do các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu); cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, không quá dựa vào thị trường Trung Quốc và Đông Á.

Bên cạnh đó, tham gia TPP sẽ thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, đổi mới mô hình tăng trưởng,… đồng thời, khẳng định vai trò, vị thế chính trị và ngoại giao của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra những thách thức Việt Nam có thể phải đối mặt liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, thể chế kinh tế và thực thi pháp luật cũng như cạnh tranh của nền kinh tế, sản phẩm và doanh nghiệp còn yếu kém.

Việt Nam được chấp nhận mở cửa theo lộ trình với nhiều lĩnh vực, mặt hàng nhưng các doanh nghiệp trong nước sẽ mất thị phần thị trường hàng hoá, dịch vụ và đầu tư, mua sắm chính phủ, phải chia sẻ lợi ích cho các doanh nghiệp nước ngoài, làm giảm việc làm, khả năng doanh nghiệp bị phá sản ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và nảy sinh các hệ luỵ về chính trị, văn hoá…

TÂM AN

: