“Chúng tôi kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư từ EU vào Việt Nam”

24/12/2016  
27

EVFTA mở ra cơ hội đầu tư chất lượng cao từ EU vào Việt Nam

Đại sứ Bruno Angelet cho biết, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, ngay sau Hoa Kỳ.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, EU nhập khoảng 20% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó các mặt hàng điện tử, điện thoại chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Làn sóng đầu tư của EU vào Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tốt. “Lãnh đạo Việt Nam thường xuyên bày tỏ mong muốn EU tăng cường đầu tư sang Việt Nam”, ông Bruno Angelet nói.

Trong năm 2014, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 tại Việt Nam và đã vươn lên vị trí thứ 3 trong năm nay.

Các nhà đầu tư EU rất chú trọng tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, điều kiện làm việc cho công nhân, mang lại giá trị gia tăng bởi các nhà đầu từ EU không chỉ lắp ráp mà còn chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý ở Việt Nam.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng, việc thực hiện lộ trình EVFTA trước khi hiệp định có hiệu lực vào năm 2018 sẽ tạo ra làn sóng đầu tư lớn hơn từ EU vào Việt Nam”, ông Bruno Angelet nhấn mạnh.

Khi việc chuẩn bị áp dụng EVFTA được hoàn tất, lợi thế so sánh của Việt Nam trong khối ASEAN sẽ tăng lên. “Nhiều người có thể sẽ nhìn nhận Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ASEAN”, ông nói.

Đại sứ cho biết thêm, EU đã ký FTA với Hàn Quốc năm 2010 và Singapore năm 2014. Việt Nam là nước thứ hai trong khối ASEAN ký kết FTA với EU. EU đã khởi động đàm phán FTA với Malaysia và Thái Lan, tuy nhiên, quá trình đàm phán đang bị tạm hoãn.

EU liên tục là thể chế viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. “Với hình thức hỗ trợ này, chúng tôi không làm tăng gánh nặng nợ công cho Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết, Nghị viện châu Âu có thể thông qua Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) với Việt Nam vào năm sau. “Chúng ta sắp có tất cả các khối liên kết quan trọng nhất để đưa quan hệ hợp tác trở nên sâu rộng và toàn diện hơn nữa. Hai bên sẽ vượt ra khỏi khung hợp tác hiện có, vươn sang những nội dung hợp tác sâu rộng hơn”.

EU chú trọng hỗ trợ Việt Nam thực hiện FTA

Với kỳ vọng EVFTA sẽ có hiệu lực vào năm 2018, hai bên sẽ có thời gian khoảng 2 năm để chuẩn bị và thực hiện cải cách pháp lý để thực thi hiệp định có hiệu quả.

EU có hai chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Chương trình thứ nhất là Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRAP), nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong hoạt động đầu tư và thương mại với EU. Chương trình thứ hai dành riêng cho khu vực ASEAN, hướng tới hỗ trợ khu vực thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, trong đó có một nội dung hỗ trợ dành riêng cho Việt Nam.

EU đang làm việc tích cực với Bộ Công thương, tập trung hỗ trợ cho phía Việt Nam cải thiện năng lực thực thi Hiệp định, nhất là lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, EU còn hỗ trợ Bộ Tài chính trong lĩnh vực quản lý tài chính công, nhằm giúp Việt Nam cân bằng cán cân tài khóa, trong bối cảnh nguồn thu của Việt Nam từ thuế xuất khẩu sẽ giảm khi thực hiện các FTA.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo BizLIVE về kiến nghị của phái đoàn EU đối với Chính phủ Việt Nam nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Đại sứ Bruno Angelet cho biết EU áp dụng 5 điều kiện để công nhận một nước có nền kinh tế thị trường.

“Đến nay Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ một tiêu chí. Trong lộ trình định hướng thực hiện EVFTA vừa ký kết, Việt Nam và EU sẽ thực hiện một số cải cách thể chế, nhằm đưa Việt Nam tiến tới được công nhận quy chế nền kinh tế thị trường đầy đủ”.

Theo Bộ Công thương, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU đã tăng từ 17,75 tỷ USD trong năm 2010 lên 36,8 tỷ USD vào năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng thương mại hai chiều đạt 19,4 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 14,9 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt 4,5 tỷ USD. EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2015, đã có 23 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với hơn 2.100 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 38,4 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

ĐÀO TUẤN

: