Để phục hồi kinh tế sau dịch COVID 19

27/4/2020  
20

cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Neil Irwin, nhà báo kinh tế cấp cao của chuyên trang The Upshot viết trên NY Times về đại dịch Covid-19 làm thay đổi kinh tế toàn cầu: “Nền kinh tế thế giới là một mạng lưới cực kỳ phức tạp… Những năm tới đây, chúng ta sẽ biết được điều gì xảy ra khi mạng lưới đó bị xé toạc, khi hàng triệu kết nối bị phá hủy cùng lúc. Và nó mở ra viễn cảnh kinh tế toàn cầu khác hoàn toàn so với những gì đã tồn tại nhiều chục năm qua”.

Adam Tooze, nhà sử học của Đại học Columbia bình luận. "Đây là thời kỳ của bất trắc cực độ, một sự bất trắc lớn hơn so với bất kỳ thứ gì chúng ta từng trải qua".

Giáo sư Richard Portes của London Business School nhận định dường như mọi thứ sẽ phải thay đổi, bởi vì các công ty và mọi người đã nhận ra những rủi ro mà họ đã gặp phải: "Hãy nhìn vào thương mại một khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn (bởi virus corona), mọi người bắt đầu tìm kiếm các nhà cung ứng thay thế tại quốc nội, ngay cả khi chúng đắt hơn. Nếu tìm thấy các nhà cung cấp trong nước, họ sẽ gắn bó với những công ty này vì những rủi ro đã nhận thấy”.

Giáo sư Beata Javorcik, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu nhận định: "Khi chúng ta nhìn lại đại dịch Sars năm 2003, Trung Quốc chiếm 4% sản lượng toàn cầu. Bây giờ Trung Quốc chiếm tới 16%; có nghĩa là bất cứ điều gì đang xảy ra ở Trung Quốc đều ảnh hưởng đến thế giới ở mức độ lớn hơn nhiều”.

Tác động tiêu cực của dịch Covid 19 diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung còn tiếp diễn, xung đột lợi ích giữa các nước G7 ngày càng lớn hơn, chủ nghĩa bảo bộ mậu dịch có xu hướng gia tăng càng làm cho những nhược điểm vốn có của toàn cầu hóa như khoảng cách về thu nhập giữa các quốc gia, giữa các nhóm dân cư, giữa các địa phương trong một nước trở nên rõ rệt hơn, lỗ hổng của internet trước các cuộc tấn công mạng cũng có rủi ro rất lớn.

Khi nước ta chuẩn bị các phương án phục hồi kinh tế và xây dựng kế hoạch 5 năm 2021- 2025 thì cần có các nghiên cứu sự thay đổi thế giới sau dịch Covid 19 về quan hệ giữa các quốc gia, về thương mại và đầu tư, về sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu để có cách tiếp cận khoa học thích ứng với bối cảnh quốc tế mới khi xây dựng chiến lược phát triển đất nước.

Cần kiên định hoàn thiện kinh tế thị trường

Hơn 30 năm thực hiện chủ trương “Đổi mới”, những ngành và lĩnh vực kinh tế nhanh chóng chuyển sang kinh tế thị trường như tin học, viễn thông, dầu khí, điện tử, dịch vụ tài chính, ngân hàng thì đạt tốc độ tăng trưởng cao và chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ngược lại ngành, lĩnh vực tìm cách duy trì “độc quyền tự nhiên” đã cản trở không những sự thay đổi của chính ngành, lĩnh vực đó, mà còn tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng của đân cư. Ngành điện lực là điển hình về thực trạng đó.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 63/2013/QĐ-TTg về quy định lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2013 với mục tiêu kết thúc cấp độ 1 thị trường phát điện cạnh tranh vào năm 2014, chuyển sang cấp độ 2 thị trường bán buôn cạnh tranh (2015- 2022), sau năm 2023 thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Để phục hồi kinh tế sau dịch COVID 19

Chủ trương đúng đắn của Nhà nước đã không được thực hiện nghiêm túc đã tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, người tiêu dùng và đầu tư phát triển năng lượng sạch: điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo.

Từ khi Chính phủ ban hành chính sách và cơ chế khuyến khích tại Quyết định 11/2017, đầu tư điện mặt trời, điện gió có những bước tiến quan trọng. Không chỉ các doanh nghiệp lớn trong nước mà nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao tiềm năng to lớn và chính sách hấp dẫn đối với năng lượng tái tạo nên chỉ hơn một năm đã có hàng trăm dự án điện sạch được đăng ký đầu tư với tổng công suất 17.000 MW; đến cuối tháng 6/2019 đã có 9 dự án điện gió với công suất 304,6 MW, 82 dự án điện mặt trời với công suất 4.464 MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia. Sự tăng tốc quá nhanh công suất năng lượng mới đã nảy sinh tình trạng quá tải khi đấu nối vào lưới điện quốc gia, làm cho một số dự án đã hoàn thành xây dựng không thể phát điện, trong khi nguồn điện trong nước (kể cả thủy điện nhỏ) chưa được khai thác hết thì EVN vẫn phải nhập khẩu điện với giá cao.

Một lần nữa lại bộc lộ tình trang độc quyền, thiếu cạnh tranh trong việc xây dựng mạng lưới truyền tải điện, gây thiệt hại cho nhà đầu tư dự án điện sạch, làm lãng phí công suất điện không được vận hành.

Ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 13/2020 cơ chế giá cho điện mặt trời, có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020; thay thế Quyết định 11/2017 hết hiệu lực từ 30/6/2019. Như vậy là gần một năm kể từ tháng 01/7/2019 đến 22/05/2020 là khoảng trống về pháp lý đối với năng lượng sạch vì quy định cũ đã hết hiệu lực trong khi chưa có quy định mới, do đó làm cho làn sóng đầu tư điện gió, điện mặt trời lắng xuống, nhiều nhà đầu tư không hoặc chậm triển khai dự án đã được cấp phép, ít có dự án đầu tư mới.

Trong bối cảnh nước ta đang cần phát triển nhanh chóng các nguồn năng lượng nhất là năng lượng sạch hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, thì không biết quy định mới của Chính phủ thay đổi giá mua điện đối với dự án điện mặt trời có đủ hấp dẫn nhà đầu tư không (?).

Kinh tế thị trường đòi hỏi phải đổi mới nhanh hơn và có hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước, tôn trọng cơ chế tự điều chỉnh của thị trường, ứng phó kịp thời sự thay đổi nhanh chóng của thị trường thế giới và thị trường trong nước. Câu chuyện xuất khẩu gạo được điều hành theo kiểu “giật cục” (như nhiều tờ báo đã mô tả) là ví dụ điển hình.

Trong khi một số doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo với giá cả có lợi cho họ, thì Bộ Công thương kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tạm dừng xuất khẩu gạo để bảo đảm án ninh lương thực quốc gia trong khi đối phó với dịch Covid 19. Ngày 24/3, Tổng cục Hải quan chỉ đạo dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan với các lô hàng gạo xuất khẩu sau 0h ngày 24/3. Ngay lập tức nhiều doanh nghiệp đã kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ vì cho rằng nước ta có đủ gạo dự trữ quốc gia, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước, lại được dịp giá gạo thế giới tăng nên đề xuất của Bộ Công thương trong khi chưa nắm được thực trạng dự trữ gạo của doanh nghiệp và của nông dân là không hợp lý. Chỉ sau vài ngày, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4.

Chưa kịp ăn mừng thì nhiều doanh nghiệp phản ánh những khó khăn khi xuất khẩu gạo; trong đó việc đăng ký tờ khai hải quan đã xuất hiện một số bất cập như thương nhân không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai xuất khẩu nên không đăng ký kịp thời, hoặc không tiếp cận được hệ thống (báo lỗi); cá biệt có trường hợp đã đăng ký nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống. Bộ Công thương đã thành lập đoàn thanh tra để xem xét thực chất của vấn đề.

Thỉnh thoảng ở nước ta lại rộ lên một câu chuyện tương tự, làm mất thời gian Thủ tướng Chính phủ, gây tâm lý bất ổn cho doanh nghiệp mà đáng ra không nên để xảy ra, nếu thực hiện đúng quản lý nhà nước theo cơ chế thị trường mà nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước đã lưu ý: mọi việc có liên quan đến doanh nghiệp thì cần tham khảo ý kiến của họ và của hiệp hội nghề nghiệp. Nếu các bộ quan tâm đến lợi ích và nguyện vọng của doanh nghiệp- đội quân chủ lực của kinh tế thị trường thì đã không xảy ra câu chuyện đáng buồn về xuất khẩu gạo.

Các gói hỗ trợ cần đáp ứng đòi hỏi của doanh nghiệp

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, để đối phó với khủng hoảng thì Chính phủ phải kịp thời có các gói hỗ trợ đủ lớn có thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

EU có 25 triệu doanh nghiệp nhỏ tạo ra hai phần ba việc làm đang lao đao vì đại dịch. Từ giữa tháng 3 đã có các gói kích thích trị giá hàng trăm tỷ euro để bảo lãnh cho vay, hỗ trợ trả lương nhân viên, cấp tiền mặt trực tiếp và hoãn thuế.

Chính phủ Pháp sẽ bảo lãnh cho các khoản vay trị giá tới 300 tỷ euro, hoãn thu thuế, tiền thuê nhà, điện - nước - gas cho các doanh nghiệp nhỏ. Ngân hàng BPI đang gấp rút bơm vốn cho doanh nghiệp thông qua cho vay trực tiếp không cần thế chấp và bảo lãnh khoản vay tại các ngân hàng thương mại. BPI bảo lãnh tối đa 90% khoản vay của doanh nghiệp (trước đây là 50 - 70%) trong vòng 6 năm hoặc lâu hơn. Các công ty nhỏ được vay tối đa 5 triệu euro, còn các công ty vừa có thể vay tới 30 triệu euro.

Chính phủ Đức sẽ hỗ trợ ít nhất 500 tỷ euro dưới dạng bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp và cam kết cung cấp thanh khoản không hạn chế cho các công ty chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Nước này cũng sẽ giúp các công ty dễ dàng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng phát triển quốc gia và hoãn thu thuế với các doanh nghiệp đang gặp khó.

Ở nước ta, Đảng và Nhà nước tập trung điều hành cả nước phòng, chống dịch có kết quả, được nhân dân đồng tình, WHO và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao, coi là mô hình có thể áp dụng ở các nước khác, Chính phủ và chính quyền địa phương đã và đang triển khai một số gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid 19, đã có một số doanh nghiệp và đối tượng nhận được tài trợ. Tuy vậy cần có quan điểm thống nhất từ nhiều bên trong bối cảnh kinh tế suy thoái thì mới có thể thực hiện có kết quả các gói hổ trợ.

Báo cáo của Bộ Công thương mới đây cho biết, hầu như các doanh nghiệp rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng của ngân hàng; nguyên nhân chính là Ngân hàng Nhà nước dành quyền tự quyết định cho các ngân hàng thương mại trong khi do sức ép về doanh số, lợi nhuận nên “các ngân hàng hạn chế hỗ trợ doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng dịch bệnh do sợ ảnh hưởng lợi nhuận và kết quả kinh doanh".

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho rằng: "Ngân hàng không thể cho các doanh nghiệp vay vô điều kiện bởi đó là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại bỏ ra. Bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ".

Trong khi doanh nghiệp nhất là DNVVN rất cần vốn để thanh toán các khoản chi phí cố định như chi mặt bằng, nhân công tối thiểu, chuẩn bị nguyên liệu đầu vào chờ phục hồi sản xuất. "Nếu coi những doanh nghiệp bị ảnh hưởng là nạn nhân của đại dịch thì dòng vốn ngân hàng như máy trợ thở. Càng bị ảnh hưởng nhiều, dòng vốn này càng quan trọng với doanh nghiệp", chủ một chuỗi F&B nói.

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước áp dụng nhiều giải pháp thích hợp với các loại doanh nghiệp, nhất là DNVVN: 1) sử dụng công cụ tái cấp vốn với tỷ lệ chiết khấu phù hợp để trực tiếp chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay như kiến nghị của Bộ Công thương; 2) ngân hàng thương mại phối hợp với hiệp hội nghề nghiệp, Chính quyền tỉnh, thành phố căn cứ vào nhu cầu hổ trợ tín dụng của doanh nghiệp, áp dụng nguyên tắc ‘tín chấp” với sự bảo lãnh của hiệp hội nghề nghiệp đối với DNVVN để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; 3) ngân hàng thương mại với chức năng “chia sẻ rủi ro” với khách hàng cần có những gói hổ trợ, kích thích kinh tế đối với DNVVN để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, chuẩn bị điều kiện phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ cần có các gói hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, nhất là DNVVN, bao gồm các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế đủ lớn thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp, được cụ thể hóa cho từng ngành, nghề, loại doanh nghiệp với cơ chế và thủ tục công khai, minh bạch, dễ kiểm soát để tài trợ đúng đối tượng nhằm phát huy nhanh chóng kết quả thực hiện.

Việc phục hồi kinh tế của các tháng còn lại năm 2020 phụ thuộc tính năng động,  sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau của doanh nghiệp, sự chia sẻ rủi ro của ngân hàng để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước bằng các giải pháp đồng bộ được thực hiện có kết quả./.

Nguồn:Nhàđầutư

: