Doanh nghiệp cần biết gì về TPP?

23/12/2016  
28

“Từ sợi trở đi” không phải là quy tắc chung

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, văn kiện đầy đủ của TPP bao gồm 30 chương, với gần 6.000 trang văn bản (bằng tiếng Anh), cho thấy đây là hiệp định có khối lượng các cam kết lớn nhất, phức tạp nhất mà Việt Nam từng có cho tới thời điểm hiện tại. Việc tìm hiểu và tận dụng được các cam kết này là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo bà Trang, có 8 phần mà doanh nghiệp cần phải chú ý trong TPP. Đó là các vấn đề chung về TPP; Cam kết TPP về thuế quan và mở cửa thị trường đối với hàng hóa; Cam kết về dịch vụ và đầu tư; Mua sắm công và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); Sở hữu trí tuệ; Lao động và môi trường; Chính sách cạnh tranh - Thương mại điện tử - Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Minh bạch, chống tham nhũng và giải quyết tranh chấp.

Một điểm quan trọng về dệt may trong TPP mà bà Trang cho biết, đó là quy tắc “từ sợi trở đi”. “Từ sợi trở đi” là tên gọi ngắn gọn để nói về quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng dệt may trong TPP. Tuy nhiên, trên thực tế, trong cam kết TPP không có quy tắc “từ sợi trở đi” chung cho các sản phẩm dệt may mà là các quy tắc “từ sợi trở đi” cụ thể hóa đối với từng nhóm sản phẩm dệt may (nhóm theo mã số HS 4 số).

Do đó, đối với nhóm sản phẩm dệt may, doanh nghiệp cần tra cứu cụ thể quy tắc xuất xứ riêng cho nhóm sản phẩm của mình, chứ không hiểu vắn tắt là “từ sợi trở đi” chung được. Bà Trang cho biết thêm, quy tắc xuất xứ với nhóm sản phẩm dệt may được quy định trong phụ lục 4A của Chương 4 TPP.

Liên quan đến hoạt động của DNNN, kể từ khi TPP có hiệu lực với Việt Nam, DNNN thuộc diện áp dụng của Chương DNNN phải tuân thủ ba nguyên tắc.

Nguyên tắc thứ nhất là phải hoạt động dựa trên tính toán thương mại thuần túy. Theo nguyên tắc này, trừ trường hợp DNNN thực hiện nhiệm vụ công ích hoặc được Nhà nước chỉ định độc quyền trên một thị trường nhất định, DNNN phải ra các quyết định kinh doanh dựa trên tính toán thương mại. Nói cách khác, các DNNN phải dựa trên các tiêu chí mang tính thương mại như giá cả, chất lượng, khả năng cung ứng, tiếp thị… hoặc những yếu tố khác tương tự như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Nguyên tắc thứ hai là không được phân biệt đối xử khi mua bán hàng hóa, dịch vụ. Theo nguyên tắc này, DNNN không được phân biệt đối xử khi mua bán hàng hóa, dịch vụ với doanh nghiệp từ một thành viên TPP khác. Đối với doanh nghiệp được chỉ định độc quyền, ngoài nghĩa vụ trên, doanh nghiệp còn phải đảm bảo không được lợi dụng vị thế độc quyền để thực hiện các hoạt động phản cạnh tranh trên thị trường không độc quyền. Nguyên tắc thứ ba là phải tuân thủ các nghĩa vụ của hiệp định khi được Nhà nước ủy quyền.

Vì sao doanh nghiệp mãi không lớn?

Theo ông Võ Trí Thành, chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, với Chính phủ, TPP không chỉ là tự do hóa, minh bạch mà còn là sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Ông Thành cho rằng, trong TPP, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng mà đặc biệt cần một sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trả lời câu hỏi vì sao doanh nghiệp Việt mãi không lớn, ông Thành cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc bốn nhân tố quan trọng cho sản xuất như đất đai, thị trường vốn, lao động và công nghệ lại “méo mó”, khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh công bằng và bình đẳng.

Ông Thành cũng cho rằng, tham gia đàm phán TPP là Việt Nam đã dũng cảm đi ngược lại tư duy xưa cũ của người Việt là “chỉ thích chơi với những người kém hơn mình để được “làm bố, làm mẹ”. Việc tham gia TPP là “chơi” với những người giỏi hơn sẽ làm Việt Nam lớn mạnh nhanh hơn.

Các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp trong vấn đề bảo hộ nhãn hiệu. So với pháp luật hiện hành, TPP bảo hộ nhãn hiệu thương mại rộng hơn, điều kiện bảo hộ thương hiệu nổi tiếng đơn giản hơn và cũng đưa ra nhiều hơn các cơ chế để bảo hộ thương hiệu. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp bảo vệ tốt hơn nhãn hiệu của mình. Ngược lại các doanh nghiệp cũng cần lưu ý với các vấn đề về thương hiệu không phải của mình, tránh bị thiệt hại bởi các biện pháp trừng phạt dự kiến sẽ nghiêm khắc hơn sau TPP.

Hội thảo diễn ra với sự hỗ trợ của Sáng kiến Phát triển Khu vực Tư nhân vùng Mekong (MBI) do Chính phủ Úc tài trợ và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam thực hiện.

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc đàm phán cuối năm 2015, dự kiến sẽ được ký kết chính thức vào ngày 4-2-2016. Đây là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất, phức tạp nhất của Việt Nam cho tới nay, được đánh giá sẽ có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Báo Hải Quan

: