“Hãy mở hầu bao ra và đầu tư ở Việt Nam”

24/12/2016  
27

Ông tin tưởng: “Trên quan điểm của nhà báo, tôi nhớ rằng 10 năm trước, người ta hay nói đến nhóm BRIC hoặc Trung Quốc trong nhóm đầu tàu kinh tế. Nhưng thực ra nhóm này đều đang tăng trưởng âm, trừ Ấn Độ. Nhưng trong tương lai, tôi tin Nhật Bản sẽ lại đóng vai trò đầu tàu này, sau rất nhiều cải tổ kinh tế. Và cùng với Nhật, tôi tuyệt đối chọn Việt Nam là nơi có vị trí giao thương và các kết nối mạnh mẽ nhất sẽ đóng góp vào bệ phóng kéo nền kinh tế thế giới đi lên. Lời khuyên của tôi đối với các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản là “Hãy móc hầu bao ra và đầu tư vào Việt Nam!”.

Đề dẫn cho hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường khẳng định: “Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản chưa bao giờ tốt như hiện nay. Tôi từng làm đại sứ Việt Nam tại Mỹ, và ở cương vị hiện nay, tôi thấy những cơ hội hợp tác cùng phát triển Việt - Nhật thật sự to lớn. Tôi tin rằng, với điểm nhấn TPP, Việt Nam là địa chỉ đáng tin cậy cho DN Nhật Bản, không chỉ những tập đoàn lớn, có tên tuổi mà cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

“Hãy mở hầu bao ra và đầu tư ở Việt Nam”

Hội thảo “Cơ hội và kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam cho doanh nghiệp Nhật Bản”. 

Như một minh họa cho phần khẳng định này, ông Tetsuo Kaneko, nguyên Tổng giám đốc tập đoàn Lotte Việt Nam cho biết: “Tôi có hơn 40 năm làm việc trong đủ mọi ngành nghề, tại nhiều quốc gia, nhưng không có nơi nào làm tôi cảm thấy gắn bó như Việt Nam. Tôi có hơn 50 người bạn trong năm qua đã rút lui khỏi thị trường Trung Quốc, đóng cửa hẳn nhà máy, và hầu hết họ đều chọn điểm đến thay thế là Việt Nam. Tôi cho rằng, từ khóa quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian sắp tới sẽ là TPP và Việt Nam”.

Đại diện cho ban tổ chức, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Dẫn đầu LBC và chủ tịch công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu GIBC là tâm điểm chú ý của các khách tham dự Nhật Bản. Ông Trai bày tỏ sự ấn tượng với cách làm việc, văn hóa tổ chức của các doanh nghiệp Nhật Bản và đưa ra lời khuyên “3 số 1” để có thể thành công tại Việt Nam: hãy tìm một đối tác có cùng 1 tầm nhìn, 1 hệ giá trị và 1 sự thành công giống nhau.

Ông Trai cũng cho rằng những hạn chế còn tồn tại trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam và khẳng định: “Những điểm chưa tốt đang được hoàn thiện dần, nhưng bệ phóng TPP, nỗ lực đặc biệt của chính phủ hai nước và đòn bẩy TPP đang thực sự giải phóng nguồn năng lượng hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước”.

Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, nguyên cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch Đầu tư, hiện là chuyên gia cao cấp của GIBC chia sẻ: Nhà đầu tư Nhật Bản có thuận lợi rất lớn: Không chỉ chính phủ Việt Nam mà còn cả người dân và thị trường Việt Nam luôn đánh giá thương hiệu “Made in Nhật Bản” rất cao. Sản phẩm Nhật Bản không chỉ thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng những sản phẩm chất lượng cao trong suốt hơn 30 năm qua".

"Và với vai trò của một người theo dõi công tác đầu tư nước ngoài, tôi khẳng định rằng Nhật Bản luôn là những nhà đầu tư nghiêm túc nhất, từ khâu khảo sát, lập dự án cho đến triển khai công việc tại Việt Nam. Tất cả những điều này đã tạo ra hình ảnh rất đẹp về Nhật Bản tại Việt Nam. Được chào đón hết sức nồng nhiệt tại Việt Nam: trên 50% của thành công rồi!".

Tại hội thảo, các doanh nhân Nhật Bản cũng bày tỏ quan tâm nhiều đến vấn đề tái cấu trúc và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong hai lĩnh vực thực phẩm đồ uống và y tế, dược phẩm.

Nhiều báo cáo, thống kê và dự báo xu hướng đầu tư, mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt - Nhật cũng được đơn vị đồng tổ chức, công ty E&Y Nhật Bản cung cấp dựa vào nghiên cứu cẩn thận về hoạt động hội nhập kinh tế của hai nước. Theo đó, ngành dệt may, bất động sản, nhà hàng vẫn luôn hứa hẹn. Thêm vào đó, cùng với sự gia tăng mức sống của người dân Việt Nam, thì nhóm sản phẩm hàng cao cấp và nhiều giá trị gia tăng cũng là lựa chọn mang tính chiến lược của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Chia sẻ tại buổi giao lưu sau hội thảo, ông Tetsuo Kaneko tin rằng, khi mà sáng kiến chung Việt - Nhật đang đi được đến giai đoạn 6, là giai đoạn bắt đầu thu hoạch, thì cơ sở để tin rằng các doanh nghiệp liên doanh Việt Nhật sẵn sàng để xuất khẩu những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao cho thị trường rộng lớn của TPP là chắc chắn.

TRẦN NGUYÊN

: