Hội nhập TPP: Thách thức chờ đợi ngành thức ăn chăn nuôi

23/12/2016  
26

Những cái tên đình đám như CP của Thái Lan (dẫn đầu thị trường) và Cargill của Mỹ (xếp thứ hai) chiếm tới 30% thị phần thức ăn chăn nuôi

Từ năm 2014 đến nay, các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang đầy mạnh các hoạt động đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ mới nhằm mở rộng thị trường và áp đảo các DN nội địa. Và trên thực tế, từng ngày từng giờ, thị phần của các DN trong nước đang nhỏ dần đi còn của các đối thủ ngoại thì đang phình to ra.

Đối thủ ngoại phình to

Thị trường thức ăn chăn nuôi VN được đánh giá rất tiềm năng, theo ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN: “Nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở VN luôn đạt mức tăng 13 – 15%/năm, dự báo từ năm 2015 trở đi ngành này cần 18 – 20 triệu tấn thức ăn công nghiệp, doanh số hằng năm lên tới 6 tỉ USD. Điều đáng buồn là thị trường béo bở này lại đang bị các DN ngoại chiếm phần lớn, còn các DN trong nước thì chịu phần ít hơn. Trong những năm gần đây, tình hình càng tồi tệ hơn khi các DN ngoại không ngừng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình”.

Trong đó, phải kể đến những cái tên đình đám như CP của Thái Lan (dẫn đầu thị trường ) và Cargill của Mỹ (xếp thứ hai), với tổng thị phần của cả hai doanh nghiệp chiếm tới 30% toàn thị trường. Còn đối với các DN Việt, từ xưa đến nay vốn đã kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu bài bản và quyết liệt này lại càng khó khăn hơn khi thời gian vừa qua lĩnh vực chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiếu ứng dụng công nghệ…Cùng với đó là sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ càng làm cho tình hình của các DN trong nước gần như rơi vào bế tắc. Nỗi lo lắng càng lên cao hơn khi sắp tới đây TPP có hiệu lực, các DN ngoại đổ bộ nhiều hơn, mạnh mẽ hơn thì có thể các DN của ta sẽ phải nhường hết “sân nhà” cho các đối thủ. Điều này đang khiến các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước như ngồi trên đống lửa và nhiều DN đang nỗ lực hết mình để đi tìm giải pháp. Chính vì điều này, chương trình Chìa Khóa Thành Công – CEO đã đưa lên sóng chủ đề “Chiến lược cạnh tranh thời TPP – Lựa chọn thị trường” lúc 10h, Chủ nhật, ngày 17/1/2016 để các chuyên gia, các doanh nhân, bàn bạc, mổ xẻ để tìm ra giải pháp.

Sao phải “gò” chân mình

Vấn đề của một DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các sản phẩm của DN chủ yếu đang phục vụ cho các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ tại các tỉnh. Nhận thấy khi hiệp định TPP có hiệu lực, DN sẽ gặp phải sự cạnh tranh rất lớn đến từ các đối thủ mới và cũ. Với quy mô nhỏ và năng lực cạnh tranh thấp như hiện nay, doanh nghiệp sẽ không thể cạnh tranh để phát triển, cũng không thể tận dụng được những lợi thế của TPP. Đồng thời, DN rất có nguy cơ bị bật ra khỏi thị trường. Trước tình hình đó, CEO và các cổ đông đã ngồi lại với nhau để tìm giải pháp. CEO cho rằng: “Để có thể tận dụng những lợi thế, đồng thời đối phó được với những thách thức thời TTP, DN cần thay đổi chiến lược, chuyển sang cung ứng thức ăn gia súc cho các nhà sản xuất thịt chăn nuôi xuất khẩu. Bởi vì sắp tới, thị trường này sẽ phát triển mạnh, các nhà sản xuất thịt sẽ cần các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi đạt chuẩn nội khối để vào được TPP.

Muốn vậy, DN cần phải tìm kiếm và đầu tư để thay đổi nguồn nguyên liệu. Vì hiện nay, nguồn nguyên liệu của Cty chủ yếu nhập từ các thị trường không thuộc nội khối TPP (chủ yếu là Trung Quốc). Điều này sẽ khiến DN không thể hợp tác với các nhà sản xuất thịt chăn nuôi xuất khẩu được”. Không đồng tình với quan điểm của CEO, các cổ đông cho rằng: “Trước mắt công ty nên tiếp tục kiên trì với thị trường cùng nguồn nguyên liệu truyền thống hiện nay. Với mức thu nhập của VN, thì thị trường chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn rất rộng và rất bền. Bên cạnh đó, nên mở rộng thị trường ra khắp các tỉnh thành”.

Đồng ý với quan điểm của cổ đông, bạn Minh Quang chia sẻ: “Đồng tình với cổ đông. Với mức thu nhập của VN, thì thị trường chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn rất rộng và rất bền”. Ngược lại với quan điểm của Minh Quang, khán giả có nick facebook Thành Trần chia sẻ: “Rất đồng tình với CEO. Xu thế tất yếu sau hội nhập là phải mở rộng xuất để đẩy mạnh xuất khẩu. Cửa đã mở chắc chắn có hướng đi. DN xuất khẩu thịt sẽ tìm đường mà mở rộng quy mô vậy tại sao mình phải tự gò chân mình ở một cái sân nhỏ?” Những quan điểm này góp phần làm ý nghĩa của chương trình được nhân rộng.

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

: