Trên thực tế, Việt Nam là nước nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu may mặc, đặc biệt là từ Trung Quốc. Hầu hết các nước châu Á cũng đều nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Và để chặn điều này, TPP yêu cầu nguyên tắc “từ sợi trở đi”.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco), một doanh nghiệp sở hữu tới hơn 10 ngàn công nhân chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang XK và XK tới gần 70% sang thị trường Hoa Kỳ.
Vì vậy, với ông Dương, TPP là một cơ hội mới rất lớn nhưng phải chờ tới… sau năm 2017.
Tuy nhiên, hiểu rất rõ những quy định trong TPP nên Hugaco đã chủ động tăng cường liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp may mặc trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam và một số doanh nghiệp may mặc khác để tạo thành một chuỗi cung ứng bên cạnh việc cung ứng nội bộ.
“Với Hugaco, chúng tôi luôn lượng sức mình và thực hiện phương châm nỗ lực ở mức cao nhất để gia tăng kim ngạch XK bằng việc dựa vào vai “những người khổng lồ” là những doanh nghiệp cung cấp nguyên phụ liệu lớn tại Việt Nam”, ông Dương nói.
Thực tế trong ngành dệt may cho thấy, 70% kim ngạch XK trong ngành là đóng góp từ các doanh nghiệp FDI.
Thực tế là trong mười năm qua, các doanh nghiệp ngành dệt may chủ yếu chú trọng đầu tư ngành may còn với ngành dệt nhuộm lại khá cầm chừng.
Để tận dụng cơ hội ưu đãi xuất xứ từ TPP, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam chẳng hạn như TCty Phong Phú đã đặt mục tiêu sẽ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa với nhiều sản phẩm chủ chốt.
Cụ thể, với sản phẩm sợi, nâng từ 23.000 tấn/năm lên 35.000 tấn/năm; vải denim từ 14 triệu mét nâng lên 35 triệu mét; vải dệt kim hiện nay là 2.500 tấn nâng 12.000 tấn/năm trong năm 2020. Tuy nhiên, để thực hiện các dự án này cũng không hề đơn giản chút nào do vướng nhiều vấn đề như: nguồn nhân lực, công nghệ xử lý nước thải như thế nào…
Một câu chuyện khác cũng rất lo ngại là chuyện năng suất lao động. Theo thống kê của tổ chức lao động quốc tế ILO thì năng suất lao động bình quân chung tại Việt Nam rất thấp nếu so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 30% của Malaisia, 40% của Thái Lan.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, ở ngành dệt may Việt Nam, năng suất lao động bình quân (tính trên giá gia công) tuy có cao hơn so với bình quân chung của cả nước nhưng cũng mới chỉ đạt 1,5 USD/ giờ (bằng 50% năng suất bình quân ngành may Thái Lan và Indonesia).
Người lao động làm ra 312 USD/ tháng, nếu trừ các chi phí trong sản xuất, quản lý, bảo hiểm XH, kinh phí công đoàn, phí lưu thông…thì chỉ còn khoảng 52% để trả lương cho người lao động, tương đương khoảng 3,4 triệu đồng/ tháng
Chuyên gia Phạm Minh Đức thuộc Ngân hàng Thế giới cho rằng, cấu trúc ngành dệt may đang… có vấn đề, ví dụ năng suất lao động của ngành dệt may đang ở mức thấp sẽ đẩy giá thành lên cao, đơn cử như cùng sản phẩm áo Polo năng suất trung bình của công nhân Việt Nam là 12 áo /người/ngày, trong khi của Trung Quốc là 25 áo/người/ngày).
Nói như một chuyên gia của Vitas, bối cảnh trước mắt, có lẽ các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chấp nhận phương án chia sẻ lợi ích từ “miếng bánh” xuất xứ nguyên liệu của TPP với các doanh nghiệp FDI, còn về dài hạn, các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng nhìn.
“Các doanh nghiệp trong nước cần có chiến lược phát triển dài hạn để chủ động đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu. Cụ thể, với quy tắc xuất xứ từ TPP, các doanh nghiệp Việt Nam phải tính đến chiến lược dài hạn 30 năm tới để tập trung sản xuất nguyên liệu”, vị chuyên gia này nói.
Quốc Anh
Theo enternews.vn