Ba điều nhà đầu tư ngoại “sợ” khi rót vốn vào giao thông Việt Nam

12/11/2019  
110

Một phần lý giải vì sao đầu tư giao thông theo hình thức PPP vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án lớn. Ba điều nhà đầu tư ngoại “sợ” khi rót vốn vào giao thông Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể 

Sáng 11/11, Quốc hội dành khoảng một giờ thảo luận về dự án dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tại đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thông tin, vừa qua, Bộ đã đẩy mạnh đầu tư giao thông theo hình thức đối tác công tư PPP, tuy nhiên mới chỉ thu hút nhà đầu tư trong nước mà chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án lớn. “Nhà đầu tư nước ngoài mang tiền vào đầu tư với mục đích là kiếm lợi nhuận. Nếu không thấy lợi nhuận, họ sẽ không chi tiền”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh. Và ông nhìn nhận, khi ban hành được Luật PPP thì sẽ thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt vào giao thông. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, khi tiếp xúc các nhà đầu tư ở châu Âu hoặc một số nhà đầu tư lớn, họ đòi hỏi ba việc.

Thứ nhất là bảo đảm doanh thu, chia sẻ rủi ro với họ, bởi quy hoạch của Việt Nam thay đổi liên tục, họ sợ rủi ro. Người đứng đầu ngành giao thông phân tích: Việt Nam đang phát triển, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông. Quy hoạch của 5 năm điều chỉnh 1 lần, nhưng một dự án PPP có thể kéo dài tới 15 - 20 năm. Do vậy, trong vòng đời của dự án PPP, có thể điều chỉnh quy hoạch 3 – 5 lần. Trong những lần điều chỉnh đó, lại có thể thêm một số con đường cho hoàn chỉnh hệ thống giao thông. “Nhà đầu tư lo là trong thời gian đó, chúng ta có thể làm những con đường thứ hai, thứ ba, hoặc những con đường cắt ngang con đường họ làm thì bị san sẻ lưu lượng, nguy cơ lỗ”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Thứ hai, điểm mà nhà đầu tư mong muốn, theo Bộ trưởng Thể là chuyển đổi ngoại tệ. Nhà đầu tư mang tiền vào Việt Nam đầu tư là ngoại tệ. Con đường đầu tư 1 tỷ USD thì họ phải mang vào 1 tỷ USD để xây dựng. Xây dựng xong rồi thì họ phải thu hồi 1 tỷ USD này đồng thời phải thu hồi thêm cả tiền lãi. Do vậy, họ yêu cầu Việt Nam phải bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ để họ mang về nước ngoài. “Không thể mang USD vào và mang tiền VND về”, Bộ trưởng nói.

Và thứ ba, nhà đầu tư sợ trượt giá. “Khi mang vào nước mình, 1 USD có thể là 20 nghìn VND, khi mang ra thì có thể là 15 nghìn hoặc 25 nghìn. Tính tiền Việt thì có thể lãi, nhưng tính tiền USD thì lỗ”, Bộ trưởng Thể phân tích. Ông Thể cho biết, đối chiếu dự thảo Luật PPP mà Chính phủ đang trình Quốc hội, điều 75 và 76 đã đề cập được 2 việc. Thứ nhất là bảo lãnh doanh thu, nếu họ lỗ, nhà nước chia sẻ 50%, nếu họ lãi tốt, nhà nước cũng được chia lợi nhuận 50%. Thứ hai, dự thảo luật đã cho phép nhà đầu tư chuyển đổi ngoại tệ. Hai nhóm chuyển đổi doanh thu và cân đối ngoại tệ đã được đề cập trong dự thảo luật, song mức độ bao nhiêu %, như thế nào thì cần nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, vấn đề trượt giá, thì dự thảo luật chưa đề cập, vì thế Bộ trưởng Thể cho rằng cần nghiên cứu thêm vấn đề này để hoàn thiện dự thảo luật.

KHÁNH PHƯƠNG

: