Bà Phạm Chi Lan: Vào TPP, lo nhất là Nhà nước chứ không phải doanh nghiệp!

24/12/2016  
34

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nói như vậy tại “Tọa đàm TPP – Cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực thi” diễn ra ngày 15/3.

Nói về thách thức khi gia nhập TPP, bà Lan tỏ ra lo lắng về quy mô của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi theo bà, Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chỉ chưa đến 4% là doanh nghiệp vừa và lớn.

“Trong khi đó, đây là siêu nhỏ theo tiêu chuẩn Việt Nam thôi. Vậy thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ như thế nào. Tỉ lệ xuát khẩu trong tổng kim ngạch rất thấp, chỉ hơn 16%.

Vậy rõ ràng nguồn lực của Việt Nam đang rất hạn chế. Trong khi đó, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau lại rất hạn chế. Năng lực của các hiệp hội chưa phát huy được”, bà Lan cho rằng chúng ta hội nhập thì hăng hái nhưng kết nối với nhau còn chưa tốt.

Tuy nhiên, theo bà Lan. đó chưa phải là vấn đề lo ngại lớn nhất. “Tôi đã nói nhiều lần là vào TPP, tôi lo nhất là Nhà nước chứ không phải là doanh nghiệp.

Chúng ta vận động cho tự do thương mại nhưng không có bình đẳng thương mại đâu! Cái công bằng bình đẳng trong thương mại quốc tế là không có nên các nước nhỏ thì phải lên tiếng để tự bảo vệ mình, đòi quyền lợi cho mình”, bà Lan nói.

Bà Lan lo ngại TPP cũng sẽ giống như một phong trào, rồi tất cả sẽ lụi đi rất nhanh. Trong khi đó, TPP chưa thực hiện nhưng sức ép cạnh tranh đã tăng lên rõ rệt.

Cùng quan điểm với bà Lan, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Phó trưởng ban Pháp chế (VCCI) tỏ ra băn khoăn về vấn đề từ phía nhà nước như môi trường cải cách cũng như cải cách hành chính...

“Chúng ta đã thực sự có môi trường cạnh tranh hay chưa, nếu có thì tại sao cứ phải nói mãi câu chuyện giá xăng giảm mà giá vận tải không chịu giảm? Chúng ta đã thực sự thuận lợi hay chưa, nếu thuận lợi rồi thì vì sao vẫn phải nói nhiều như vậy câu chuyện cải cách hành chính?

Chúng ta có một môi trường cạnh tranh công bằng chưa, hay vẫn có những ưu tiên trong chính sách hay trên thực tế cho những doanh nghiệp nhà nước hay thậm chí là các doanh nghiêp FDI hơn là các doanh nghiệp trong nước?”, đại diện VCCI nói.

Bà Trang lo ngại, sự hứng khởi sẽ qua mau, tương tự như sự hứng khởi một cách thái quá thời WTO, và sau đó doanh nghiệp mới nhận thấy, những kỳ vọng dành cho WTO đã vượt quá xa so với thực tế những gì chúng ta đã tận dụng được từ hiệp định này.

MẠNH NGUYỄN

: