Đây là chia sẻ của nhiều chuyên gia kinh tế với phóng viên
Bà NGUYỄN THỊ HƯƠNG - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Khâu quan trọng trong phổ biến thông tin thống kê
Báo chí nói chung, trong đó có báo chí ngành Công Thương nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội và tiến trình hội nhập. Không chỉ truyền tải thông tin một cách nhanh nhạy, hiệu quả, báo chí còn đóng vai trò định hướng thông tin, định hướng dư luận trước những thông tin chưa chuẩn và tuyên truyền kịp thời về những tấm gương, những điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhân lên những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Cơ quan thống kê có nhiều đặc thù, nên với chúng tôi, những đóng góp của các cơ quan báo chí thời gian qua vô cùng quan trọng. Báo chí là một trong những khâu quan trọng trong quy trình phổ biến thông tin của cơ quan thống kê đến với tất cả các cơ quan từ trung ương đến địa phương và mọi người dân trong xã hội. Từ cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đến các bộ, ngành, địa phương. Sản phẩm của cơ quan thống kê làm ra, nhưng có đến được với người dân, với xã hội và những người dùng tin hay không lại phụ thuộc vào sự truyền tải của các cơ quan báo chí.
Từ những sản phẩm thống kê của cơ quan Thống kê, nhiều phóng viên báo chí đã phát hiện và tìm hiểu sâu hơn để gợi mở ra những thông tin, giải pháp giúp các cơ quan chức năng tham khảo để điều hành, phát triển kinh tế - xã hội. Đó là điều tích cực mà chúng tôi rất ghi nhận ở cơ quan báo chí thời gian qua.
Tuy nhiên, để các thông tin ngành thống kê được truyền tải hiệu quả hơn, chính xác hơn trên các cơ quan báo chí, truyền thông, việc phối hợp tuyên truyền cần được đẩy mạnh. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của các cơ quan báo chí, cơ quan chức năng đối với những số liệu thống kê được cơ quan thống kê công bố.
PGS.TS. ĐINH TRỌNG THỊNH - Giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính: Góp phần hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Tôi nhận thấy vai trò của báo chí ngày càng trở nên quan trọng đối với các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là trong tiến trình đổi mới, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh giai đoạn mở cửa sau đại dịch Covid-19.
Báo chí đã trở thành một trong những kênh thông tin hữu ích của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn với các chính sách về quản lý kinh tế, trong đó có những chính sách về chế độ hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Cụ thể hơn, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh được các cơ quan chức năng đưa ra chưa phù hợp với bối cảnh thực tiễn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận. Tuy nhiên, thông qua phản ánh của các cơ quan báo chí, doanh nghiệp đã có thể nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình. Từ đó, các cơ quan hoạch định chính sách có sự chỉnh sửa chính sách cho phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ chính sách và chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Đó là điều mà tôi đánh giá rất cao ở các cơ quan báo chí thời gian qua. Thông qua báo chí, các chính sách đã đến gần hơn với doanh nghiệp, với thực tiễn môi trường.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp, cộng với tình hình kinh tế thế giới diễn biến khó lường do tác động của xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá xăng dầu tăng, đứng trước rủi ro của nền kinh tế thế giới tác động đến nền kinh tế trong nước. Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp và tầng lớp dân cư, từ đó phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan ban hành chính sách để có những chính sách tháo gỡ khó khăn kịp thời cho khu vực doanh nghiệp, tạo niềm tin cho người dân, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
TS. LÊ ĐĂNG DOANH - chuyên gia kinh tế: Hỗ trợ tích cực công cuộc cải cách kinh tế
Báo chí có vai trò quan trọng, là quyền lực thứ 4, đóng góp lớn vào công cuộc cải cách và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Với thông tin phản ánh trung thực, nhanh nhạy, các cơ quan báo chí hiện nay phát triển theo hướng đa phương tiện, với nhiều loại hình từ báo nói, báo in, báo phát thanh và truyền hình… đã đưa ra cái nhìn đa chiều kinh tế- xã hội một cách khách quan, trung thực.
Nhiều nhà báo dũng cảm, chịu khó đi thực tế và phát hiện ra những vấn đề gai góc để phản ánh, từ đó đóng góp vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, nêu ra những tồn tại trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, kiến nghị, đề xuất để Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ quan tâm và cải cách kịp thời, đóng góp vào cải thiện môi trường kinh doanh, tăng tính minh bạch cho nền kinh tế.
Nhưng, để có những bài báo sâu hơn, có sức lan tỏa và đóng góp tích cực hơn nữa vào công cuộc cải cách kinh tế - xã hội đất nước, theo tôi các cơ quan báo chí, phóng viên cần tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp với cơ quan chức năng và chuyên gia kinh tế, nhà khoa học thông qua những cuộc đối thoại. Bên cạnh đó, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các thông tin từ mạng xã hội đôi khi không chính xác, ảnh hưởng đến dư luận xã hội và công tác điều hành kinh tế, vì thế báo chí cần nhanh hơn, có những bài viết sâu sắc hơn để phản biện lại thông tin sai trái, định hướng dư luận.
Ông NGUYỄN VĂN TOÀN - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Thúc đẩy minh bạch hóa xã hội
Thông qua hoạt động nghiệp vụ, các cơ quan báo chí thời gian qua đã hoạt động rất tích cực, góp phần quan trọng lành mạnh hóa xã hội khi tích cực tham gia vào những điểm nóng, vấn đề nổi cộm của xã hội và cả vấn đề phát triển kinh tế… Từ đó khẳng định, báo chí là nhân tố rất quan trọng để thúc đẩy minh bạch hóa xã hội và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; kích thích nền kinh tế - xã hội phát triển theo xu hướng minh bạch và tích cực.
Tuy nhiên, tôi nghĩ báo chí có thể làm tốt hơn nữa vai trò nếu như họ kiên trì hơn, bình tĩnh, triệt để hơn trong tiếp cận và xử lý thông tin, bởi thời gian qua, có rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội được báo chí phát hiện rồi đồng loạt vào cuộc đưa tin, nhưng sau đó lại chìm xuống khi vấn đề chưa được giải quyết triệt để, khiến dư luận chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng với những vấn đề cơ quan báo chí nêu ra.
Để làm tốt hơn vai trò trong bối cảnh bùng nổ về mạng xã hội và công nghệ thông tin hiện nay, theo tôi, các cơ quan báo chí cần minh bạch hơn, khách quan, công bằng hơn trong tiếp cận và xử lý thông tin. Đặc biệt, lúc nào cũng phải bám theo tôn chỉ, mục đích về sứ mệnh của báo chí cách mạng và làm đúng theo tinh thần, chỉ đạo chung của Đảng, đúng theo quy định chung của pháp luật đối với các cơ quan báo chí, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội.
Nguồn: Báo Công Thương.