Bảo đảm chuyển tài sản, lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài

11/10/2019  
92

"Thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài những tài sản như: Vốn, các khoản thanh lý đầu tư, thu nhập kinh doanh, tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư", GS-TSKH Nguyễn Mại góp ý cho Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo dự kiến, ngày 15/10, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn sẽ tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của nhà đầu tư

Cho ý kiến về vấn dự luật, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng Nghị quyết 50 về "Nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI"; Nghị quyết 52 về "Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0" của Bộ Chính trị vừa được ban hành.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Đầu tư tuy có danh mục các ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư nhưng chưa quy định rõ ràng mức độ ưu đãi cần thiết; dự thảo Luật Doanh nghiệp không thấy đề cập đến những nội dung của hai Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Theo ông, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu thực hiện ở nước ta, có nhiều vấn đề mới nảy sinh mà chưa có pháp luật điều chỉnh, điển hình là Grab và Uber, Fintec, AI, một số ngành nghề của không tồn tại, một số ngành nghề mới xuất hiện.

Do đó, chúng ta cần có cách tiếp cận thích hợp để không lấy luật pháp hiện hành điều chỉnh hành vi mới và không căn cứ vào luật pháp hiện hành để xử lý theo hướng "vi phạm luật pháp" vì cả hai đều cản trở việc thực hiện theo hướng đổi mới, sáng tạo.

Bảo đảm chuyển tài sản, lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE. Ảnh: Quang Hiếu.

"Cách tiếp cận khoa học là cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo” (NQ 52 BCT). Khi chưa có luật, Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ ban hành Nghị định để điều chỉnh các hành vi mới vừa du nhập vào nước ta nhằm không tạo ra khoảng trống pháp lý, đồng thời từ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để xây dựng luật pháp", Chủ tịch VAFIE phân tích.

GS-TSKH Nguyễn Mại cũng cho rằng các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư vào nước ta. Các biện pháp bảo đảm đầu tư là những biện pháp được quy định nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư; chính là cam kết về trách nhiệm của nhà nước tiếp nhận đầu tư đối với quyền lợi cụ thể của nhà đầu tư.

Theo đói, điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư. Tuy vậy, quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư; trong khi nhà đầu tư đòi hỏi nhiều hơn thế, bao gồm: Bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm chuyển tài sản và lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

"Do đó, dự luật cần có một chương "Bảo đảm đầu " để quy định đầy đủ các nội dung có liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư", ông Nguyễn Mại nói.

Cũng theo vị GS-TSKH, quy định này nhằm bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài những tài sản như vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư, thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh, tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư...

Vốn kinh doanh đòi nợ thuê phải 2 tỷ đồng?

Về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, riêng ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" được bổ sung vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của dự luật.

Bảo đảm chuyển tài sản, lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê gây nhiều tranh luận.

Chủ tịch VAFIE phân tích hiện tại kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được hướng dẫn cụ thể về các điều kiện. Tuy vậy, dịch vụ đòi nợ thuê không nhận được sự ủng hộ của xã hội vì gây mất an ninh trật tự, khi nhiều cá nhân của công ty thu hồi nợ hành xử manh động, uy hiếp, gây áp lực cho con nợ, đe dọa, cưỡng đoạt tài sản của con nợ.

Nhiều nhóm đòi nợ thuê đã bị bắt giữ vì hành vi côn đồ. Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ không phải là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi bạo lực, tội phạm.

Ông góp ý, dự luật cần quy định chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài dịch vụ đòi nợ; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định của pháp luật;

Hoạt động dịch vụ đòi nợ thực hiện theo hợp đồng ủy quyền được ký kết giữa chủ nợ hoặc khách nợ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong phạm vi quyền được pháp luật công nhận; mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng. Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định.

Người đi đòi nợ phải thực hiện đúng thủ tục pháp luật quy định, nếu dùng vũ lực, cưỡng ép, cướp tài sản của người bị đòi nợ mà không phải do con nợ tự nguyện giao tài sản trả nợ thì có thể bị xử lý về các tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản...

"Trong quản lý nhà nước không nên tiếp cận theo phương pháp: Những gì Nhà nước không quản lý được thì cấm", GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

: