Ngày 25/10/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp về Dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025. Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua, Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo trong đó cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò là lực lượng tiên phong, nòng cốt, quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, vấn đề doanh nghiệp là vấn đề rất quan trọng, đề nghị các đại biểu thảo luận làm rõ hơn các các vấn đề về chỉ tiêu; hộ kinh doanh; các nhóm giải pháp, định hướng. Dự thảo Nghị quyết phải thể hiện được tính kết nối, hồi phục phát triển; tích hợp các giải pháp đưa vào chương trình phục hồi kinh tế…
Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Phát Doanh nghiệp Bùi Thị Thu Thủy đã trình bày dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 và ý kiến góp ý của các bộ, ngành, …
Dự thảo Nghị quyết được xây dựng nhằm phát triển các doanh nghiệp Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của kinh tế, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả dự trên 05 nhóm quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp.
Thứ nhất, quan điểm và định hướng chung là quán triệt thực thi đầy đủ và hiệu quả các Nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp, trong đó khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế; bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo Hiến pháp và pháp luật; củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nhằm khơi thông các điểm nghẽn, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Thứ hai, xây dựng tư tưởng, văn hóa phục vụ cho các cán bộ, cơ quan Nhà nước; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển. Việc xây dựng thể chế, chính sách phải bảo đảm tính ổn định, nhất quán, dễ dự báo, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả và thực chất; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, hài hòa với pháp luật quốc tế, đặc biệt là các cam kết, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập; xóa bỏ cơ chế xin cho; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, hợp lý; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện hậu kiểm cũng như hoàn thiện các chế tài liên quan; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và chính sách.
Thứ ba, mạnh dạn thí điểm các giải pháp, chính sách, mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số mà pháp luật chưa quy định trên nguyên tắc bám sát tình hình thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và thông lệ quốc tế tốt; kịp thời đánh giá, tổng kết quá trình thí điểm để thể chế hóa các giải pháp, chính sách, mô hình phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng, trong đó ưu tiên doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao.
Thứ năm, chú trọng và khuyến khích việc ứng dụng các nền tảng công nghệ, bao gồm công nghệ thông tin và các công nghệ tiên tiến khác trong hoạt động của cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong quá trình hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã cùng thảo luận, góp ý về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện để doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; kích cầu nội địa, thúc đẩy mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hỗ trợ tăng cường tiếp cận tài chính; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp; đào tạo, tư vấn nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành nghề lao động, lĩnh vực kinh doanh mới; tăng cường liên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị; hỗ trợ phục hồi, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước…
Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị Cục Phát triển doanh nghiệp tiếp thu những ý kiến góp ý xác đáng của các đại biểu, các bộ, ngành và rà soát lại dự thảo Nghị quyết. Dự thảo Nghị quyết cần thể hiện được trọng tâm, trọng điểm nhưng phải bao quát và cụ thể, các giải pháp gắn với nhiệm vụ được giao và có định hướng./.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư