Sau 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam ước nhập siêu 369 triệu USD; CPI bình quân tăng 1,29%, thấp nhất 5 năm; lạm phát tăng 0,82% so với cùng kỳ.
Tại báo cáo tình hình kinh tế xã hội, Tổng cục Thống kê cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 4 đạt 26,55 tỷ USD. Ước tính tháng 5, con số này đạt 26 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3% và chiếm 74,8%.
Về cơ cấu, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước đạt 70,7 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 47,32 tỷ USD, tăng 33%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 9,69 tỷ USD, tăng 13,5%. Nhóm hàng thủy sản đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12%.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất
Về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ; tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,7%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,7%.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 4 đạt 27,78 tỷ USD. Ước tính tháng 5, con số này đạt 28 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 56,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 45,8 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85,51 tỷ USD, tăng 39,9%.
Về cơ cấu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 123,15 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 58,8 tỷ USD, tăng 33%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 64,35 tỷ USD, tăng 40,5%; nhóm hàng tiêu dùng ước đạt 8,16 tỷ USD, tăng 29,5%.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,3 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 20,9 tỷ USD, tăng 20,5%; thị trường ASEAN đạt 18,1 tỷ USD, tăng 54,2%; Nhật Bản đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,8%; thị trường EU đạt 6,7 tỷ USD, tăng 16,8%; Mỹ đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,8%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 4 nhập siêu 1,23 tỷ USD; 4 tháng xuất siêu 1,63 tỷ USD. Tháng 5, ước tính nhập siêu 2 tỷ USD; 5 tháng nhập siêu 369 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.
Đối với hoạt động đầu tư, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5 ước đạt 34.200 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 133.400 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/5 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7%.
Còn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng đầu năm có 21 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 143,5 triệu USD, đồng thời có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 403,2 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 5 tháng đạt 546,7 triệu USD, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp thành lập mới tăng
Trong tháng 5, cả nước có 11.600 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 150.600 tỷ đồng, giảm 22% về số doanh nghiệp và giảm 16,3% về vốn đăng ký. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 8,1%; số vốn đăng ký tăng 33,6%.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 13 tỷ đồng, tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, cả nước còn có 4.892 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 14,8% so với tháng trước và giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước; 3.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 26,1% và tăng 1,7%; 4.234 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 24,5% và tăng 37,3%; 1.279 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 17% và tăng 33%.
doanh nghiệpSỐ DOANH NGHIỆP ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP MỚI QUA TỪNG THÁNGTháng 1Tháng 2Tháng 3Tháng 4Tháng 502.5k5k7.5k10k12.5k15k17.5k
Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có gần 55.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778.300 tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 39,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9%.
Bên cạnh đó, còn có gần 22.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2021 lên 78.300 doanh nghiệp.
Cũng trong 5 tháng đầu năm, khoảng 60.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Tính trung bình, mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong đó, bao gồm 31.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%.
CPI bình quân 5 tháng tăng thấp nhất 5 năm
Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020. Bình quân 5 tháng đầu năm, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
“Giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 5 tăng”, cơ quan thống kê lý giải.
So với tháng trước, có 8 nhóm hàng tăng giá và 3 nhóm giảm giá. Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,76%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04% chủ yếu do trong tháng có kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.
Đối với riêng nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm này tăng do giá thép, cát, xi măng tăng khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, dẫn đến giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93%. Giá dịch vụ sửa chữa nhà ở cũng tăng 0,45% do nhu cầu sửa chữa nhà tại một số địa phương tăng.
Bên cạnh đó, chỉ số giá điện, nước sinh hoạt lần lượt tăng 2,54% và 1,27% do nhu cầu sử dụng cao.
Ở chiều ngược lại, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 có mức giảm so với tháng trước nhiều nhất với 0,23%. Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,15% chủ yếu do các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,01%.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản tháng 5 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,29%).
“Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng”, Tổng cục Thống kê nhìn nhận.
Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 5 tăng 1,68% so với tháng trước; giảm 0,88% so với tháng 12/2020 và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá USD tháng 5 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 0,02% so với tháng 12/2020 và giảm 1,15% so với cùng kỳ năm trước.
(Theo Zing)