Bức tranh thu hút đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai

26/4/2021  
201
Hiện nay, Khu kinh tế mở Chu Lai có 180 dự án với tổng vốn đầu tư là 122,6 nghìn tỷ đồng, trong đó, 48 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 721 triệu USD, 132 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 106,5 nghìn tỷ đồng.
Khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai đang trở mình phát triển để trở thành đầu tàu kinh tế theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nơi đây đang chứa đựng nhiều nhiều doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Nam. 

Theo số liệu từ Ban Quản lý KKT mở Chu Lai, đến nay, Khu kinh tế mở Chu Lai có 180 dự án với tổng vốn đầu tư là 122,6 nghìn tỷ đồng, tương đương với 5,6 tỷ USD (48 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 721 triệu USD, 132 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 106,5 nghìn tỷ đồng). Trong đó có 113 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện 43,3 nghìn tỷ đồng.

Một số dự án động lực quy mô lớn đang hoạt động như Khu đô thị - du lịch Nam Hội An với tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD, Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An, Khu công nghiệp Tam Thăng thu hút tổng cộng 27 dự án với các nhà đầu tư chiến lược như: Công ty Hyosung, Công ty Panko, Công ty Ducksan, Công ty Moon Chang (Hàn Quốc); Công ty Aman (Đức)... với tổng vốn đăng ký trên 584 triệu USD, trong đó 14 dự án đã đưa vào hoạt động sử dụng trên 9.000 lao động và 13 dự án đang triển khai xây dựng.

Đặc biệt, nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô do Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải thực hiện, có tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng với công suất sản xuất các loại xe hơn 215.000 xe/năm đóng góp từ 50-60% thu ngân sách toàn tỉnh.

Bức tranh thu hút đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai

Khu kinh tế mở Chu Lai có 180 dự án với tổng vốn đầu tư là 122,6 nghìn tỷ đồng, tương đương với 5,6 tỷ USD.

Trước tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, diễn biến khó lường, nguy cơ thách thức đối với nền công nghiệp nước ta vẫn còn nhiều, nhất là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông, công nghệ sản xuất lạc hậu, sản phẩm cuối cùng có giá trị gia tăng thấp, cùng với đó là đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc xây dựng các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài, lựa chọn các nhà đầu tư có thương hiệu, đổi mới và đa dạng hóa các loại hình sản xuất, dịch vụ phù hợp với lợi thế của Quảng Nam nói chung và vùng ven biển của Khu KTM nói riêng là một trong những khó khăn lớn cần được tháo gỡ trong thời gian tới.

Ông Lê Vũ Thương, Trưởng Ban Quản lý KKT mở Chu Lai cho biết, qua 18 năm xây dựng và phát triển (2003-2021), KKT đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng đường bộ, đường biển, hàng không. Quy hoạch hệ thống cảng biển Chu Lai thành cảng loại I hiện nay đang được Bộ Giao thông vận tải thẩm định để cập nhật vào Quy hoạch hệ thống cảng Quốc gia cùng một số dự án động lực quy mô lớn: Đường ven biển 129 kết nối Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án trung tâm khí điện và năng lượng sau khí, sân bay Chu Lai được xã hội hóa đầu tư…

Về định hướng trong giai đoạn năm 2021-2025 và hướng đến năm 2030, ông Thương cho hay, Ban Quản lý sẽ sắp xếp lại các nhóm dự án trọng điểm, đề xuất các nhóm dự án mới phù hợp điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu KTM Chu Lai và yêu cầu phát triển mới. Trong mỗi nhóm dự án trọng điểm, xác định một dự án động lực gắn với các khu chức năng để từng bước hình thành các cực phát triển các nhóm ngành: công nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ, logistics và đô thị.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng chính sách, thể chế cho các khu phi thuế quan và dịch vụ logistics, xây dựng chính sách hỗ trợ cho khu công nghiệp công nghệ cao, gắn với vai trò phát triển từng khu để tạo động lực mới trong phát triển; phát triển đồng bộ, bền vững, hướng đến tiêu chí phát triển xanh, thân thiện môi trường.

Ngoài ra, ông Thương cũng cho biết thêm, Ban Quản lý đang tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống cảng Chu Lai thành cảng loại I để cập nhật vào Quy hoạch hệ thống cảng Quốc gia làm cơ sở pháp lý kêu gọi các dự án động lực đầu tư vào các khu chức năng; đa dạng hóa nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trục chính, nạo vét tuyến luồng mới Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn và hạ tầng cảng để phát triển mạnh dịch vụ giao nhận vận hình thành Trung tâm logistics hàng hải, khu cảng thương mại, cảng du lịch. Đề xuất lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có tầm nhìn chiến lược để quy hoạch và đầu tư sân bay Chu Lai thành sân bay Quốc tế.

Nguồn: Nhàđầutư
: