Cam kết chuyển giao công nghệ phải là điều kiện bắt buộc

27/5/2022  
166
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, vấn đề công nghệ là một tiêu cực rất nhức nhối của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nhiều năm qua. Đây là một “nút thắt” trong thu hút và sử dụng FDI, nếu Việt Nam không cải thiện và tháo gỡ thì khó có thể đạt được mục tiêu đề ra. Cam kết chuyển giao công nghệ phải là điều kiện bắt buộc với các dự án FDI mới.

PV: Nhìn vào bức tranh kinh tế Việt Nam, ông đánh giá thế nào về thu hút FDI của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Báo cáo sơ bộ của Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNTACD) về FDI toàn cầu 2021 cho thấy, so với năm 2020, FDI toàn cầu từ vùng đáy khoảng gần 1.000 tỷ USD năm 2020 đã tăng lên 1.650 tỷ USD, tăng tới 77%, cao hơn cả thời kỳ trước dịch bệnh 1.500 tỷ USD của năm 2019. Điều này cho thấy sức bật lớn của thu hút FDI của thế giới sau đại dịch.

Cam kết chuyển giao công nghệ phải là điều kiện bắt buộc Ông Nguyễn Văn Toàn

Tuy nhiên, Việt Nam lại có sự “chậm pha” trong thu hút vốn FDI so với xu hướng tăng của toàn cầu trong năm 2021, do Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, dù vẫn đạt con số trên 31 tỷ USD trong năm này. Tuy nhiên, theo tôi xu hướng chung trong thu hút FDI của Việt Nam vẫn có những điểm sáng. Mặc dù số lượng vốn đăng ký mới trong 4 tháng qua giảm nhưng số vốn tăng thêm và mở rộng lại tăng khá nhiều. Đồng thời, giải ngân tăng, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tăng. Việt Nam vẫn là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực, là một trong số nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Đó là điểm sáng của thu hút FDI trong năm qua và 4 tháng đầu năm 2022.

PV: Về hiệu quả kinh tế của khu vực FDI, có ý kiến cho rằng chưa tương xứng với tiềm năng cũng như những ưu đãi mà khu vực này được hưởng. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Đóng góp của khu vực FDI với tăng trưởng, xuất khẩu, ngân sách, việc làm, thay đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng… là không thể phủ nhận. Nhưng điều này đã đạt được kỳ vọng hay chưa, đã cân xứng với những ưu đãi chưa thì câu trả lời là chưa. Hiệu quả kinh tế thực tế còn thấp, việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam còn ở phân khúc rất thấp do tính dẫn dắt, lan toả tới các doanh nghiệp (DN) trong nước của DN FDI còn rất hạn chế. Bên cạnh đó là những tiêu cực của FDI như chuyển giá, mở rộng nhưng vẫn báo lỗ, đầu tư núp bóng...

Nguồn: Bộ kế hoạch và đầu tư Nguồn: Bộ kế hoạch và đầu tư.

PV: Mục tiêu thu hút và sử dụng FDI theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị nhấn mạnh tới việc thu hút nguồn FDI chất lượng cao, cụ thể: tỷ lệ DN hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018. Theo ông, mục tiêu trên có là thách thức?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Vấn đề công nghệ đúng là một tiêu cực rất nhức nhối của FDI trong nhiều năm qua, cần phải được cải thiện. Tôi cho rằng, mục tiêu về số lượng theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 thì hoàn toàn có thể thực hiện được, thậm chí chúng ta hoàn toàn có thể vượt, nhưng mục tiêu về chất lượng rõ ràng là một thách thức. Hiện nay Việt Nam đang đứng ở phân khúc rất thấp của chất lượng FDI. Báo cáo thường niên về FDI năm 2021 của Hiệp hội DN FDI cho thấy, đa số các dự án FDI có công nghệ trung bình (80%), công nghệ lạc hậu tới 15%, chỉ 5% dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và châu Âu.

Mục tiêu thu hút vốn FDI giai đoạn 2026-2030 là 40-50 tỷ USD/năm

Nghị quyết 50-NQ/TW đề ra các mục tiêu thu hút vốn đăng ký FDI giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 150 - 200 tỷ USD (trung bình 30 - 40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 là 200 - 300 tỷ USD (40-50 tỷ USD/năm). Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2024 đạt từ 100 - 150 tỷ (20 - 30 tỷ USD/năm) và giai đoạn 2026 - 2030 là 150 - 200 tỷ USD).

So về cơ cấu FDI trong ASEAN thì có một ưu điểm là có tới 59% FDI vào Việt Nam là chế tạo, chế biến năm 2020 trong khi vào ASEAN chỉ có 15%. Nhưng chế biến, chế tạo không phải là lĩnh vực đầu tư cao nhất của FDI. Bên cạnh đó, trong khi đầu tư vào tài chính, bảo hiểm của ASEAN là 37%, nhưng vào Việt Nam chỉ là 0,23%. Sự mất cân đối trong cơ cấu FDI giữa Việt Nam và ASEAN cho thấy rằng, Việt Nam đang đứng sau mặt bằng chung của ASEAN. Rõ ràng đây là một “nút thắt” trong thu hút và sử dụng FDI, nếu Việt Nam không cải thiện và tháo gỡ thì khó có thể đạt được mục tiêu của Nghị quyết 50.

PV: Vậy theo ông, đâu là giải pháp cho mục tiêu chất lượng trong thu hút FDI theo Nghị quyết 50?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Về mục tiêu công nghệ, thì cam kết chuyển giao công nghệ phải là điều kiện bắt buộc với các dự án FDI mới. Hiện nay, có một tín hiệu khá tích cực là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ “Bộ Tiêu chí đánh giá DN FDI”, với 26 tiêu chí thành phần cụ thể, trong đó có yêu cầu về cam kết chuyển giao công nghệ. Các DN FDI trước khi vào Việt Nam có thể căn cứ vào các tiêu chí đó để biết được cần phải làm gì để được hưởng những ưu đãi.

Bên cạnh đó, muốn DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ở phân khúc công nghệ cao hơn thì cần phải chuẩn bị sẵn tất cả những vấn đề về hạ tầng như: hạ tầng xã hội, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực. Một điều rất quan trọng là phải xây dựng những DN trong nước có đủ năng lực để có thể sẵn sàng tham gia vào chuỗi giá trị của các DN FDI, khuyến khích các DN trong nước phát triển, để có thể “bắt tay bình đẳng” với các DN FDI.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

 

: